Những người “đi mong” cuối cùng

Bãi bồi ven biển trải rộng tựa như đường đua bất tận, người “đi mong” cúi người về phía trước, một chân quỳ lên “mong”, chân còn lại đạp xiết đẩy “mong” lao đi êm ru như một cua-rơ chuyên nghiệp.

Hái ra tiền nhờ… “đi mong”

Chúng tôi trở lại xóm ấp tìm ông Lê Văn Bân, 73 tuổi, người đã gắn bó cả đời với biển cả và nghề “đi mong”.

“Đi mong là dùng một tấm ván mỏng rồi quỳ lên, một chân đạp xuống bùn đẩy cho tấm ván lướt đi trên bãi bồi để bắt cua, cá. Không nhớ nổi nghề “đi mong” có tự khi nào, chỉ biết từ thời tôi 13, 14 tuổi đã được ông và cha dạy cho cách “đi mong”. Cũng không ai lý giải được vì sao lại gọi là nghề “đi mong” nhưng người đi biển thường đùa nhau rằng tên gọi này xuất phát từ chính cái động tác khom cúi người làm mông nhô lên cao lúc trượt ván. Về sau, chính tấm ván này cũng được gọi là “mong” - ông Bân nhớ lại.

Dù chỉ là một tấm ván rộng gần ba tấc, dài hơn 1 m nhưng quá trình chế tác “mong” cũng không hề đơn giản: Không quá dày để bớt sức nặng, cũng không quá mỏng vì sẽ mau mòn hư. Ván dùng làm “mong” phải là cây me nước, dầu hoặc mù u vì có độ bền cao, nếu bảo quản tốt có thể sử dụng đến hai, ba năm. Để cho tiện, người ta còn đóng cho “mong” quai cầm, chỗ để giỏ đựng, có người kỹ lưỡng còn lót thêm miếng cao su để lúc chân quỳ lên không bị ê buốt.

Bãi bồi ven biển từ Mỹ Long đến Cồn Nạng dài bảy, tám cây số cá tôm nhiều vô kể. Sáng sớm, khi thủy triều rút cạn, bãi bồi lộ dần, phụ nữ, trẻ em đã đạp “mong” ra biển để bắt nghêu, cá kèo, cá bống sao. Ban đêm, thanh niên, đàn ông đạp “mong” để soi cua, cá ngát, mỗi ngày đạp “mong”, dân bãi bồi thu nhập từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Cứ mỗi tháng Hai con nước rằm và ba mươi, người “đi mong” chỉ cần ra biển hơn 10 ngày nhưng cũng dư sống cho cả tháng. Nhưng đó là chuyện của mươi mười năm trước, khi dân còn thưa, các phương tiện đánh bắt còn ít và nguyên tắc “bắt con lớn chừa con nhỏ” còn duy trì.

Những con cá bống sao ít ỏi còn lại. Ảnh: HOÀNG NAM

15 km/giờ và… 100 cây số/ngày

Ở tuổi 46, anh Nguyễn Văn Tâm ở ấp Nhì trầm ngâm nhớ lại những ngày “đi mong” sôi nổi trước đây, thời mà những thanh niên khỏe mạnh như anh được phường “đi mong” xem là những “cua-rơ mong” đáng gờm. Khoảng 20 năm trước, khu vực bãi bồi của biển Mỹ Long vẫn còn nhiều khoảng trống, vì vậy nhân lễ hội cúng biển mỗi năm, dân trong làng đều tổ chức hội thi “đua mong” như là một phần nghi thức truyền thống không thể thiếu.

 Bãi bồi rộng mút tầm mắt trở thành đường đua, trai làng được tuyển chọn, luyện tập kỹ lưỡng hằng tháng trời để có dịp thi thố tài năng mỗi năm chỉ đúng một lần.

“Nếu có sức khỏe tốt, người đạp “mong” có thể đạt tốc độ đến 15 cây số/giờ, tức là bằng với tốc độ trung bình của xe đạp. Bình quân một người “đi mong” khỏe di chuyển ít nhất 30 cây số một ngày. Nhưng khi vào mùa cá, tôm khoảng tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, địa bàn đánh bắt được mở rộng nên việc một người “đi mong” di chuyển cả trăm cây số một ngày là chuyện bình thường” - anh Tâm cho biết.

Năm, bảy năm gần đây, khu vực từ bãi bồi đến cồn Nạng được trồng nhiều bần để lấn biển, bần mọc đến đâu, rễ bần đâm tua tủa như bàn chông. Bởi thế các lễ hội cúng biển hằng năm bây giờ không còn hội thi “đua mong” nữa. Cũng có ngư dân tiếc rẻ cho rằng nguồn cơn để một hội thi như “đua mong” mai một là do ngày nay, trong kế mưu sinh chật vật, người ta chỉ lo đến chén cơm, manh áo, chuyện lưu giữ nét truyền thống không còn được xem trọng như trước. Dù là lý do gì thì một nét đẹp văn hóa được lưu giữ hàng trăm năm đã bị lãng quên.

Treo “mong”

Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại rừng phi lao, lội qua một bờ cát dài trước khi đến khu vực bãi bồi bần xanh bạt ngàn. Đang vào mùa thu hoạch dưa hấu nên không có mấy người đạp “mong” buổi sáng, bằng chứng là những chiếc “mong” khô nứt nẻ vẫn còn nằm cong queo trên bãi cát hay được dựng đứng chung quanh thân cây phi lao. Tại khu vực này có hai bãi “đi mong”, dấu vết trên bãi cát và trên bùn chứng tỏ có ít nhất ba “thợ mong” vừa xuất phát.

“Mỗi chuyến đạp “mong” mất khoảng bốn, năm tiếng đồng hồ trước khi con nước lớn, nếu chịu khó đợi đến lúc đó mới gặp được họ” - một người dân địa phương thông tin. Một tiếng, hai tiếng trôi qua, nhóm “thợ mong” vẫn bặt tăm, vì thế chúng tôi đánh liều mượn tạm mấy chiếc “mong” của ai đó vứt bừa trên cát, đặt xuống con rạch trơ sình lầy sền sệt và… lướt. Sau vài giây mất thăng bằng, chúng tôi cũng đưa “mong” lướt đi trên bãi bồi, từ nơi này đến khu vực đánh bắt của nhóm ngư dân mất hơn một cây số. Ở phía ngoài hàng bần con một năm tuổi là một dải đất bùn rộng hình vòng cung khoảng mấy cây số, nhóm người “đi mong” lưa thưa xuất hiện xa xa. Dù đã 62 tuổi nhưng từ sáng tinh mơ, lão ngư dân Trần Văn Ẩn đã xuất phát, trời đã gần đứng bóng nhưng trong giỏ của ông chỉ có vài con nghêu nhỏ. Cách đó không xa, anh Lâm Khắc Điền, 42 tuổi cũng đang hì hục đạp “mong”, mò hang để bắt cá bống sao.

“Mấy năm nay, từ đóng đáy, ghe cào đến rập thi nhau khai thác tận diệt quanh năm nên biển bây giờ nghèo lắm, đa số ngư dân đã treo “mong” để lên bờ chuyển sang nuôi bò, trồng dưa, đậu” - anh Điền nói. Như để chứng minh, anh Điền mở thùng cho chúng tôi xem, trong chiếc thùng nhỏ chỉ có vài con cá bống sao, mấy con sò huyết.

Gần 12 giờ trưa, khi thủy triều lên, tôi tháp tùng với đám “thợ mong” vội vã trở về đất liền, một bên đầu gối vẫn còn ê ẩm vì quỳ trên “mong”, chân còn lại mỏi nhừ vì phải đạp bì bõm dưới lớp sình dày đặc. “Mong” một thời được xem là “nồi cơm” của dân biển, bây giờ khi con cá kèo, cá bống sao thậm chí là những con cua “nhướng” (cua con, phải nhướng mắt mới nhìn thấy - PV) lần lượt bị tận diệt, nhiều “thợ mong” đã bỏ biển, bỏ “mong”.

Thỉnh thoảng, họ lại đem “mong” ra biển để kiếm vài con cá cho bữa cơm, hay chỉ còn dùng “mong” như là một phương tiện như xuồng để di chuyển, cũng có khi đó chỉ là một thói quen khó bỏ, đạp “mong” cho đỡ nhớ nghề. Và như một phép biện chứng hiển nhiên, một khi “mong” không còn, những người “đi mong” cuối cùng cũng giải nghệ là lúc biển trở nên nghèo nàn, xơ xác hơn bao giờ hết.

HOÀNG NAM

“Nghề “đi mong“ đã có lịch sử ít nhất vài trăm năm tại các vùng ven biển Trà Vinh nói chung và huyện Cầu Ngang nói riêng. Ngày nay, do nguồn lợi thủy sản không còn phong phú nên rất ít địa phương còn lưu truyền nghề này, thợ “đi mong“ chuyên nghiệp trên địa bàn bây giờ chỉ còn trên dưới 100 người” - ông Dương Văn Đỏm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cầu Ngang, cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm