Những ‘ông trùm’ Thái Lan đổ xô vào Việt Nam

Trong phiên đấu giá cổ phần của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chiều 18-12, Công ty mới thành lập Vietnam Beverage với 49% vốn điều lệ được cho là nắm giữ bởi Tập đoàn ThaiBev của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã chính thức sở hữu trên 53% cổ phần tại Sabeco với trị giá khoảng 4,8 tỉ USD. 

Người giàu thứ hai Thái Lan

Tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi là nhà sáng lập Tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) nổi tiếng của Thái Lan. Ông Charoen sinh ngày 2-5-1944 trong một gia đình gốc Hoa nghèo khó với 11 anh chị em và từng phải bỏ học từ năm chín tuổi để ra ngoài kiếm sống. Vị tỉ phú bắt đầu khởi nghiệp từ một doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn. Năm 1995, ông chính thức sáng lập hãng bia ThaiBev với thương hiệu bia Chang nổi danh đất Thái. Chỉ sau năm năm gia nhập thị trường, bia Chang đã chiếm tới 60% thị phần bia Thái Lan. Thành công trong lĩnh vực kinh tế, ông Charoen cũng được nhiều trường đại học Thái Lan trao bằng tiến sĩ danh dự.

Ngoài ThaiBev hoạt động trong lĩnh vực đồ uống, tỉ phú Charoen còn sở hữu hai công ty lớn là Berli Jucker Corporation (BJC) hoạt động đa ngành gồm đồ uống, sản xuất lon, chai thủy tinh, bán lẻ, cửa hàng tiện lợi… và TCC Land hoạt động trong lĩnh vực bất động sản. Theo thống kê của tạp chí Forbes, ông Charoen hiện sở hữu khối tài sản trị giá 19,9 tỉ USD, tăng hơn 4 tỉ USD so với hồi tháng 3-2017. Ông là người giàu thứ hai tại Thái Lan, sau “ông trùm” trong lĩnh vực chăn nuôi Dhanin Chearavanant và đứng thứ 62 trong danh sách tỉ phú thế giới của Forbes.

Ông Charoen có năm người con. Tương tự nhiều gia tộc khác của Thái Lan, tài sản nhà Sirivadhanabhakdi cũng được điều hành theo hình thức “gia đình trị”. Hiện tại con trai ông - Thapana Sirivadhanabhakdi là giám đốc điều hành tại ThaiBev, con gái Wallapa là giám đốc điều hành của TTC Land. Con trai út của ông - Panote Sirivadhanabhakdi là thành viên Hội đồng quản trị của Tập đoàn nước giải khát Fraser&Neave của Singapore. Từ năm 1993, vị tỉ phú Thái đã có hàng loạt thương vụ đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam. Hồi tháng 1-2016, Tập đoàn TCC thuộc sở hữu của tỉ phú Charoen với đại diện là Công ty BJC chốt thương vụ mua lại toàn bộ cơ sở của Tập đoàn Metro Cash & Cary tại Việt Nam gồm 19 trung tâm và các bất động sản liên quan, trị giá tương đương 848 triệu USD.

Tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi, doanh nhân giàu thứ hai Thái Lan theo xếp hạng của Forbes năm 2017. Ảnh: GETTY IMAGES

Tỉ phú Charoen cũng quyết liệt thực hiện thương vụ “khủng” khi thông qua Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser&Neave trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Vinamilk với 11,04% cổ phần. Tập đoàn này từng tham gia mua lại Big C Việt Nam nhưng không thành công trước một gã khổng lồ khác cũng của đất Thái. Ngoài ra, tập đoàn của tỉ phú Charoen cũng là chủ sở hữu của nhiều bất động sản khác ở Việt Nam như khách sạn Melia, Fraser Suites tại Hà Nội và cao ốc văn phòng Melinh Point Tower tại TP.HCM.

Từ giữa năm 2013, Tập đoàn BJC bắt đầu tham gia ngành siêu thị bán lẻ tại Việt Nam khi đầu tư vào hệ thống FamilyMart sau khi đối tác Nhật Bản rút khỏi liên doanh với Tập đoàn Phú Thái. Hiện FamilyMart đã được đổi tên thành B’s mart và có khoảng 95 cửa hàng trên toàn quốc. Theo Bangkok Post, BJC có kế hoạch chi thêm khoảng 31,2 triệu USD đến năm 2018 để mở thêm 205 cửa hàng B’s mart trong bốn năm tới.

Ông trùm bán lẻ đất Thái

Luôn nằm trong nhóm những gia tộc giàu có và quyền lực nhất châu Á, ba thế hệ gia đình Chirathivat đã đưa Central Group trở thành đế chế bán lẻ lớn nhất Đông Nam Á. Đây cũng chính là tập đoàn đã mở cửa hàng bách hóa hiện đại đầu tiên tại Thái Lan.

Central Group khởi nguồn từ một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở thủ đô Bangkok náo nhiệt vào những năm 1990. Theo tờ Asian Nikkei Review, người sáng lập tập đoàn - ông Tiang Chirathivat đã di cư từ đảo Hải Nam của Trung Quốc để sang Bangkok lập nghiệp. Ông mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ chuyên bán đồ nhập khẩu tại quận Thonburi, bên bờ Tây sông Chao Phraya. Năm 1956, gia đình ông quyết định mở rộng việc kinh doanh với một cửa hàng lớn ở khu phố sầm uất Chinatown, lấy tên là Central Trading và sau đó mở cửa trung tâm mua sắm cao cấp đầu tiên của Thái Lan vào năm 1982. Vào thời điểm đó, với việc áp mức giá cố định cho hàng hóa, cửa hàng của gia đình Chirathivat được cho là đã tạo nên một cuộc cách mạng trong ngành bán lẻ hàng hóa ở xứ chùa Vàng.

Central World, trung tâm mua sắm phức hợp khổng lồ giữa trung tâm Bangkok, giờ đây trở thành một công trình biểu tượng cho quyền lực của gia đình Chirathivat. Tài sản của tập đoàn bao gồm nhiều trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng quốc gia với số nhân viên lên đến hơn 70.000 người. Tạp chí Forbes cho biết đế chế bán lẻ đóng góp đến 65% tổng khối gia sản kếch xù trị giá 12,3 tỉ USD của gia tộc này. Từ năm 2013, Central Group do ông Tos Chirathivat, thế hệ thứ ba của gia tộc, điều hành. Tờ Forbes cho biết tập đoàn này đang đẩy mạnh đầu tư tại Indonesia và Malaysia, Việt Nam cùng một số nước Đông Nam Á khác. Báo The Nation của Thái Lan dự đoán doanh thu bán lẻ quốc tế của Central Group đến năm 2020 sẽ đạt đến 2,8 tỉ USD.

Bước vào thị trường Việt Nam từ năm 2011, cho đến năm 2014 Central Group tạo dấu ấn khi thu mua 49% cổ phần của tập đoàn bán lẻ số một trên thị trường điện máy là Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim với giá hơn 100 triệu USD. Với thương vụ này, công ty đặt mục tiêu phát triển mạng lưới lên hơn 50 cửa hàng trên cả nước đến năm 2019. Tháng 4-2016, tập đoàn của gia tộc Chirathivat lại chi 1,05 tỉ USD để thâu tóm thành công toàn bộ 33 siêu thị, trung tâm thương mại của chuỗi Big C Việt Nam. Đây được xem là thương vụ mua bán, sáp nhập lớn nhất Việt Nam năm 2016.

Bành trướng toàn cầu

Năm 2013, ông Charoen giành chiến thắng trong cuộc đấu thầu mua lại Công ty Fraser&Neave với 83% tỉ lệ sở hữu, tương đương 1,19 tỉ USD. Đây được xem là thương vụ mua bán, sáp nhập lớn nhất tại châu Á hồi năm 2012. Năm 2016, Công ty Berli Jucker Pcl của tỉ phú Charoen tiếp tục huy động hàng tỉ USD để thâu tóm cổ phần của hãng bán lẻ thực phẩm Pháp Casino Guichard-Perrachon SA tại Big C Supercenter Pcl Thái Lan. Đây là thương vụ mua bán, sáp nhập tiêu dùng lớn thứ hai tại khu vực Đông Nam Á trong vòng năm năm qua.

Gần đây, ông Charoen cũng thỏa thuận mua 75% hãng whisky hàng đầu Myanmar từ quỹ đầu tư TPG Capital LP, cũng như mua 240 cửa hàng KFC tại Thái Lan từ Yum! Brands Inc. Tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cũng đang lên kế hoạch phát triển khu phức hợp bất động sản trị giá 3,5 tỉ USD ở trung tâm Bangkok, bao gồm các văn phòng, nhà cửa và trung tâm mua sắm. Nếu được xây dựng, dự án với diện tích 16,7 ha này sẽ là khu phức hợp lớn nhất xứ chùa Vàng.

Hãng Bloomberg nhận định rằng mục tiêu cuối cùng của vị tỉ phú giàu thứ hai Thái Lan này là muốn xây dựng một “đế chế” thực phẩm-đồ uống tại khu vực Đông Nam Á với phạm vi bao quát toàn bộ khía cạnh của ngành bán lẻ, đồng thời mở rộng sang lĩnh vực vận tải, đóng gói và đóng chai.

Trong khi đó, “đối thủ truyền kiếp” Central Group lại khiến nhiều người phải trầm trồ khi mạnh tay chi tiền cho những bất động sản có những giá trị tinh thần đặc biệt khắp châu Âu. Năm 2013, Central Group mua lại tòa nhà 120 năm tuổi mang tên Illum ở Đan Mạch. Sau khi được chuyển giao thông qua Công ty con Central Retail Corporation (CRC), tòa nhà này trở thành trung tâm mua sắm nổi tiếng và sang trọng bậc nhất. Illum nằm ở vị trí đắc địa, là nơi du khách Trung Quốc và Nga thường lui tới. Cũng trong kế hoạch “bành trướng châu Âu”, giữa năm 2011 CRC đã gây tiếng vang khi mua lại các cửa hàng bách hóa sang trọng 150 tuổi trong chuỗi La Rinascente ở Ý với giá 260 triệu euro. Cũng giống tòa nhà Illum, chuỗi trung tâm mua sắm La Rinascente có rất nhiều kỷ niệm và giá trị văn hóa với người Ý.

Tỉ phú Thái mất 11.000 tỉ đồng vì cổ phiếu Bia Sài Gòn giảm

Công ty TNHH Vietnam Beverage, doanh nghiệp có liên quan tới tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, ngày 18-12 đã mua 343,6 triệu cổ phần của Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) với mức giá 320.500 đồng. Tổng số tiền phải chi là trên 109.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, tài khoản của Vietnam Beverage ngay lập tức mất đi một số tiền lớn vì cổ phiếu SAB bị bán tháo ồ ạt. Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 19-12, cổ phiếu SAB giảm gần 7%, tương đương giảm hơn 21.000 đồng so với giá tham chiếu đầu phiên. Như vậy, nếu tính chênh lệch trên khối lượng 343,6 triệu cổ phần mua được, số tiền mà doanh nghiệp này “bay mất” khoảng 11.132 tỉ đồng.

Đồng thời, nhà đầu tư cá nhân là ông Ngô Vinh Hiển cũng mất 648 triệu đồng cho khối lượng 20.000 cổ phần Sabeco mua được.

Trước đó, chiều 18-12, 53,59% cổ phần của Sabeco đã được bán đấu giá thành công cho hai nhà đầu tư trên. Tổng giá trị thương vụ giao dịch trên đạt gần 110.000 tỉ đồng, tương đương 4,8 tỉ USD.

T.LINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm