Những quái chiêu trong buồng giam tử tù

Sau khi bản án tử hình được tuyên, những ngày đợi chờ trả án là những ngày ám ảnh, đáng sợ nhất đối với các tử tù. Đôi khi, sự sợ hãi, hoảng loạn lên đỉnh điểm khiến những tử tù này có hàng loạt hành động bất thường, điên loạn, thậm chí là dở đủ mọi chiêu trò nhằm chống đối.

Thông thường, sau khi mới bị tuyên án, tử tù rất hoang mang, sợ hãi. Phần lớn họ đều lấy ngày làm đêm, đêm làm ngày. Bởi việc thi hành án trước kia chỉ diễn ra vào sáng sớm, nên họ thường thức trắng, đến khi biết chắc mình được sống thêm ngày nữa mới yên tâm đi ngủ. Nhiều tử tù còn sợ đến nỗi không ăn nổi cơm. Không ít người đối phó bằng cách “hành” cán bộ hoặc đòi yêu sách. Nhiều tử tù đòi hỏi phải cung cấp thứ này, thứ kia, thậm chí đòi: “Cho em ra ngoài vài ngày xử nó (những người có mâu thuẫn với hắn) xong em sẽ vào chịu tội!”.

Khi không được đáp ứng, tử tù cứ nhè quản giáo mà chửi, chán rồi quay ra chửi nhau, gào khóc, hát, thậm chí hắt cả bô chất thải đó vào người cán bộ, khi có cán bộ Viện kiểm sát vào làm việc thì lu loa bảo không được ăn cơm... Nhiều người còn gọi cấp cứu, nhất là vào mùa hè, trời nóng, vì suốt đêm không ngủ canh trời sáng nên cứ 1 - 2h đêm là kêu cứu ầm ĩ. Quản giáo phải lập tức tới mở 5 - 6 lần cửa khóa, vào thì chỉ thấy tử tù ngồi cười nhăn nhở. Chỉ cần hai lần bị gọi cấp cứu, quản giáo cũng vất vả trắng đêm.

Nhưng mệt mỏi, căng thẳng nhất chính là phải đối phó với việc tử tù tự sát. Từ khi biết mình sẽ bị tiêm thuốc độc, kẻ hiếp dâm trẻ em, giết người Lý Xuân Trung (sinh năm 1985, ở xã Phong Niên, Bảo Thắng, Lào Cai) luôn tìm cách tự sát. Trung là một trong ba tử tù ở Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai có tên trong danh sách đợt đầu trả án. So với 11 tử tù ở đây, Trung ít tuổi nhất nhưng hành vi rất man rợ.

 Tử tù Nguyễn Thị Ngọc.

Ngày 21/12/2010, sau khi uống rượu ở thôn Làng Chung, xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng, Trung ra đường liên thôn Làng Chung - Làng Giàng thì gặp cháu Lý Thị Kim (sinh năm 2006) đang thơ thẩn đi một mình. Giả vờ đưa đi tìm bố, Trung bế thốc cháu Kim chạy đến cái khe giáp một nương sắn kín đáo rồi hiếp dâm cháu bé. Sợ hãi và đau đớn, bé gái giãy giụa, kêu khóc nên bị Trung giết chết. Một ngày sau khi gây án, Trung bị bắt và sau này bị tuyên án tử hình.

Thản nhiên tước đoạt mạng sống của đứa bé mới 4 tuổi nhưng đối diện với án tử hình, hắn lại rất sợ hãi nên tâm lý luôn thất thường. Trung thường xuyên tìm cách tự sát, nếu không chết thì đi bệnh viện, hắn cũng sẽ tìm cơ hội bỏ trốn.

Nắm bắt được tâm lý khó lường của Trung, quản giáo đã hết sức đề phòng. Có khi, buổi chiều vẫn ăn cơm, sinh hoạt bình thường, nhưng nửa đêm, Trung lăn đùng ra tự sát. Trung đã ba lần lao đầu vào tường, có lần còn toạc đầu, máu me chảy đầm đìa, khâu tới bảy mũi. Đập đầu vào tường mấy lần vẫn không chết, Trung còn cọ cổ tay vào cạnh tường, rồi lấy cục vữa cứa cổ tay tự tử, nhưng quản giáo phát hiện kịp thời.

Khi được hỏi về chuyện tự tử, hắn chỉ im lặng. Người mà Trung nghĩ nhiều nhất là người mẹ già yếu, bệnh tật quanh năm không có tiền mua thuốc, bố thì đã mất. Trung còn cười buồn, bảo nếu không phạm tội thế này thì chắc cũng đã cưới cô người yêu ở nhà rồi. Lý Xuân Trung tự tử nhiều lần không phải vì muốn chết mà vì sợ cái ngày bị đưa đi trả án.

Không giống với Lý Xuân Trung, Nguyễn Thị Ngọc, tử tù đang được tạm giam ở Trại giam Kế Công an tỉnh Bắc Giang, lại hoàn toàn khác. Cô ta là người luôn đưa ra những đòi hỏi oái oăm nhất. Ngọc là người đàn bà có nhan sắc nhưng lại quá truân chuyên. Người mà Ngọc lấy làm chồng lại là một kẻ nghiện rất nặng. Cái lần Ngọc đưa chồng đến Trung tâm Y tế huyện Phú Lương (Thái Nguyên) để cai nghiện, cô ta đã gặp bác sỹ Vũ Năng Sĩ. Cuộc gặp gỡ định mệnh giữa vợ một con nghiện và một bác sĩ chuyên khoa về cai nghiện đã khiến họ phải lòng nhau.

Biết chồng khó có thể cai nghiện, Ngọc bắt mối với Sĩ và rủ anh ta buôn ma túy. Ngất ngư với men tình nên anh này đã gật đầu đồng ý. Sau này, khi đường dây buôn bán ma túy của Nguyễn Thị Ngọc và Vũ Năng Sĩ bị bắt thì cả hai đều bị xử tử hình. Mối tình ngoài luồng ấy đã đưa họ đến với kết cục bi thảm.

Ngót nghét 10 năm Nguyễn Thị Ngọc phải sống trong buồng biệt giam của Công an tỉnh Bắc Giang nên người đàn bà đẹp này trở nên lì lợm và đưa ra rất nhiều yêu sách. Quản giáo của trại giam kể rằng, những yêu sách của Ngọc đưa ra không hề to tát nhưng chủ yếu là để gây khó dễ với quản giáo. Chẳng hạn như khi Ngọc nhờ cán bộ quản giáo mua cho gối thì chiếc gối đó nhất định phải có hoa văn là hình một bông hồng và nó nhất định không được dày quá cũng không được mỏng quá. Ngọc thích đọc báo nhưng phải là tờ "Đang yêu".

Sẽ đơn giản nếu Ngọc chấp nhận đặt báo theo định kỳ, đằng này cô ta lại luôn ngẫu hứng, báo phát hành thứ 3 và thứ 6 hàng tuần nhưng đôi khi thứ 5 Ngọc mới nhờ mua. Và nếu cán bộ quản giáo hôm đó không thể lùng mua được báo cho Ngọc vì lý do báo hết thì cô ta sẽ gào khóc và nói rằng: "Cán bộ không quan tâm gì đến tôi. Hãy để cho tôi chết đi còn hơn". Mua khăn tắm cho Ngọc cũng là một sự khó cho cán bộ quản giáo, mua khăn to cũng không được mà mua khăn nhỏ nhỏ một chút thì Ngọc sẽ vặn là: "Mua khăn mặt à?".

Chưa dừng ở những yêu sách ấy mà thỉnh thoảng Ngọc còn đòi phải thay buồng giam, thay người quản giáo trực tiếp. Khi được hỏi lý do vì sao thì Ngọc thản nhiên trả lời: "Ở mãi một phòng lâu quá nên chán. Phải nhìn mãi một cán bộ cũng chán nên muốn thay đổi không khí tý thôi". Lý do của Ngọc đưa ra không được Ban giám thị trại giam chấp nhận nên cô ta quyết định tuyệt thực trong một thời gian dài. Và đỉnh điểm, Ngọc đã tích nước tiểu, xú uế lại chờ cán bộ đi qua để hắt vào người.

Sau hành vi ấy Ngọc đã bị kỷ luật bằng một tháng không được thăm gặp và tiếp tế từ người thân. Nhưng ngay cả khi được Ban giám thị trại giam linh hoạt cho gặp bố, Ngọc cũng nhất định không chịu ra gặp. Cuối cùng, ông cụ lại phải lầm lũi ra về. Các cán bộ quản giáo đã phải mất rất nhiều công sức để động viên, an ủi, Ngọc mới trở lại bình thường.

 Cán bộ động viên tư tưởng tử tù.

Có những tử tù khi không gào thét, cũng không khóc lóc, không điên khùng nhưng lại nghĩ ra những trò chơi quái chiêu khiến quản giáo.. dựng tóc gáy mà câu chuyện của Nguyễn Hồng Kỳ là một ví dụ.

Kỳ là một tướng cướp ở Hải Phòng, bị tuyên án tử hình khi mới 19 tuổi. Nhìn bề ngoài, trông Kỳ rất thư sinh trắng trẻo, giống một cậu học trò hơn là một tướng cướp. Nhưng ẩn bên trong vẻ ngoài trong sáng, thư sinh ấy là sự hung hãn đến độ bất thường.

Kỳ có một sở thích rất giang hồ, đó là mê súng. Khi chưa bị bắt, Kỳ từng nhiều lần tuyên bố với đám giang hồ rằng, đối với hắn thì cứ có súng là có tất cả. Vì thế, trong tất cả các vụ cướp ở Hải Phòng mà Kỳ gây ra, vụ nào Kỳ cũng nổ súng. Thậm chí, có vụ anh ta còn hai tay hai khẩu lăm lăm chĩa vào người bị hại và chỉ cần người bị hại có bất kỳ một động thái chống trả nào là bóp cò.

Sau khi bị tuyên án tử hình, Kỳ không làm đơn xin tha tội chết. Người quản giáo hàng ngày trông coi Kỳ thấy lạ mới hỏi  thì Kỳ bảo: “Tội của cháu lẽ ra phải dăm 7 án tử hình mới xứng”. Trong những ngày chờ ra ngoài pháp trường, Kỳ tỏ ra khá lành hiền, ngoan ngoãn chứ không quậy phá như nhiều tử tù khác. Nhưng cũng không vì thế mà những người quản giáo lơi là trong việc quản lý trông coi Kỳ. Bởi, nghề coi tù là một nghề đặc biệt, không bao giờ được phép bất cẩn, sơ suất.

Cho đến một hôm, khi kiểm tra xà lim của Kỳ, người quản giáo bỗng lạnh sống lưng khi thấy ngay bên cạnh chỗ nằm của hắn là một khẩu súng. Kiểm tra, hóa ra đó chỉ là một khẩu súng làm bằng cơm. Thì ra, ngày ngày, Kỳ bớt lại một ít cơm trong khẩu phần ăn để tích lại, cần mẫn nhào nặn thành hình khẩu súng, đặt ở bên người cho đỡ nhớ.

Với những phạm nhân bị kết án tử hình như Ngọc, như Kỳ, như Trung thì thời gian sống của họ luôn chỉ được tính bằng ngày. Có thể ngày hôm nay còn sống nhưng chỉ sáng sớm mai thôi bọn họ đã bị đưa ra pháp trường để thi hành án. Thế nên những cán bộ quản giáo của những tử tù là người hiểu về điều đó hơn ai hết. Cũng bởi họ hiểu nên phần nào họ cảm thông và luôn cố gắng đáp ứng cao nhất có thể những nguyện vọng không giống ai của tử tù.

Theo ngoisao/Công Lý

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới