Tấm lòng của một sư cô
Sư cô Thích Nữ Thông Cát sinh ra và lớn lên ngay giữa lòng thành phố biển Nha Trang thơ mộng và xinh đẹp, tuổi thơ gắn với những người ngư dân phường Vĩnh Phước thật thà, yêu lao động. Tuy nhiên, nhờ nhân duyên với phật pháp, nên sư cô đã xuất gia tu tập từ lúc 12 tuổi.
Bé ôm Sư cô (bên trái) được tìm thấy ở sân chùa và chỉ có 8 lạng.
Hơn 10 năm nay về trụ trì cùng với 4 cộng sự của mình, bà cứ đau đáu trong lòng bởi những đứa trẻ mồ côi cả cha và mẹ, hay có mẹ nhưng bị bỏ rơi khắp nơi. Mỗi bé lại có hoàn cảnh khác nhau đến thương tâm. Trong số 13 cháu đang được nhà chùa cưu mang đều là trẻ mồ côi. Những đứa trẻ vô tội này cũng sinh ra bởi nhiều hoàn cảnh vô cùng bất hạnh, thậm chí đến thương tâm khác nhau…
Có bé về chùa rốn còn nguyên cuống nhau tươi, có bé được phát hiện ngay giữa sân chùa trong đêm tối, cân nặng lại chỉ có 8 lạng, em lớn hơn lại thường bị động kinh…Đặc biệt có bé người dân tộc thiểu số Raglay, hình dáng như “người rừng”… Nhưng nhờ tấm lòng từ bi, cùng với đôi bàn tay nhân ái của các sư cô, các bé đều lớn khôn, khỏe mạnh, xinh xắn, được đi học và rất chăm ngoan.
Quặn lòng với từng cảnh ngộ
Khi chúng tôi đến, sư cô đang ôm một bé gái 14 tháng tuổi vào lòng, đôi mắt rưng rưng, sư cô nghẹn ngào chia sẻ: Bé này tôi đặt tên là Lê Phúc Bảo Trân (áo đỏ), ai đó sinh bé ra rồi bỏ vào túi ni lông màu đen mang để trước cổng một ngôi chùa cùng xã, khi chính quyền địa phương biết đã đề nghị chúng tôi cưu mang. Tiếp nhận bé trên tay mà bàng hoàng trong dạ, bởi rốn bé còn nguyên cuống nhau tươi, chúng tôi phải cấp tốc nhờ đến sự giúp đỡ của nữ hộ sinh, điều dưỡng ở khoa sản (Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa), đến nay thì bé phát triển khá tốt, rất hiếu động.
Bỗng một bé gái khác chạy qua, sư cô lại kéo bé ôm vào long, âu yếm kể: Bé này là Lê Phúc Bảo Liên, 6 tuổi, xinh tươi và ngoan ngoãn. Nhưng nhớ lại ngày bé vừa ra đời bé nhỏ chỉ bằng cái chai bia (cân được 8 lạng), ai đó đã quấn bé lại bằng chiếc khăn rồi mang bé đến để ngay trong sân chùa. May mắn sao tối hôm đó các ni sư trong chùa ra thắp hương thì bàng hoàng thấy bé, lúc đó đã 8 giờ tối. Chúng tôi cứ ray rứt mãi, nếu như đêm hôm đó không ai thấy bé thử hỏi cuộc đời bé sẽ đi về đâu?...
Riêng bé Mấu Thị Ni, 9 tuổi, người Raglay ở huyện Khánh Sơn, cha mẹ đều qua đời, bé được sư cô Thích Nữ Diệu An (trụ trì chùa Phú Quang ở Ninh Hòa) cưu mang. Bé rất yếu, suốt ngày vật vã kêu khóc rất to, nhưng bé không nghe và nói được tiếng người kinh. Sư cô cấp tốc đưa đi khám bệnh và phát hiện bé lại bị hẹp van tim, tràn dịch màng phổi, bụng to (do giun đũa) các bác sĩ đã phải mổ gấp để cứu cháu, rồi nhà chùa lại tiếp tục đưa bé đi TP.HCM để khám tổng quát và mổ mắt cho bé (bé bị đục thủy tinh thể)…Tuy bé có bảo hiểm y tế, có giấy xác nhận hộ nghèo nhưng do nhiều khoản chi phí ngoài danh mục, chùa vẫn cố gắng huy động mọi nguồn kinh phí đóng góp để điều trị đa bệnh cho bé (mổ tim, mổ mắt, bệnh phổi...).
Thích nữ Diệu Như (chùa Phú Quang) chia sẻ: “Những ngày đầu rất vất vả, bé Mấu Thị Ni hiếu động, giãy giụa chân tay liên tục, ngủ rất ít, bế bé cũng khó. Ni không chủ động được việc đi vệ sinh, khi đói là hét và khóc rất lớn, mỗi lần cho ăn phải mất từ 2 đến 3 giờ liền”.
Hiện nay bé Ni đang được nuôi dưỡng ở chùa Phước Tường, tuy bé có làn da đen cháy, nhưng cứ thích ra nắng nằm, ăn lại khỏe, nhưng vẫn còn phải “đóng bỉm”, vì vẫn chưa chủ động được đi vệ sinh...và đôi mắt bé chưa nhìn rõ.
Tấm lòng từ bi, cùng với đôi bàn tay kỳ diệu ấy luôn dang tay đón nhận, nâng niu các bé. Các sư cô đã bỏ lại hết thảy sau lưng những nhọc nhằn khắc khoải, đi “khất thực” từng miếng cơm, giọt sữa đem về nuôi nấng đàn bé thơ.
“Nhà chùa cũng rất hoan hỷ, cảm ơn lòng tốt của đông đảo phật tử, trong đó có bác sĩ Nguyễn Đông (hiện là giám đốc Bệnh viện bệnh nhiệt đới Khánh Hòa), một số nữ hộ sinh, điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa thường xuyên ghé chùa thăm hỏi, chăm sóc. Đặc biệt là bác sĩ Đông đã khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho các bé ở đây…”- Sư cô Thích Nữ Thông Cát, nói.
Trông các bé ăn, ở rất sạch sẽ, chúng vui đùa, quấn quít bên sư cô và khách thăm chùa rất hồn nhiên, trong trắng mà lòng chúng tôi thêm thanh thản. Bởi Ngày quốc tế Thiếu nhi này, hay Tết Trung thu sắp tới, các bé đã có những ngôi chùa để nương náu, được sống trong vòng tay yêu thương của sư cô, của mọi người, hàng ngày được cảm nhận những việc làm tốt đời – đẹp đạo, các bé chăm ngoan và học giỏi. Qua đó, chúng ta hy vọng các bé sẽ còn trưởng thành hơn nữa, càng thêm yêu quê hương, yêu cuộc đời này và yêu người. Đặc biệt, các bé sẽ không bao giờ quên công ơn trời biển của người mẹ hiền thứ hai đang tu tập trong các ngôi chùa, trong muôn vàn những người có tấm lòng từ bi như thế, có Sư cô Thích Nữ Thông Cát.
Bé 14 tháng (áo đỏ) được đưa về chùa khi rốn còn nhau tươi.
Bé Mấu Thị Ni, 9 tuổi, người Raglay
Hình ảnh sư cô Thích Nữ Thông Cát với các bé trong chùa
Tập thể các bé và ni sư