Ninh Thuận: Hai nơi nuôi yến có yến nhiễm H5N1

Sáng 11-4, hàng chục hộ dân tập trung tại cơ sở nuôi yến rạp Thanh Bình (phường Đạo Long, TP Phan Rang-Tháp Chàm) của Công ty TNHH Yến Việt phản đối việc nuôi chim yến nhiều năm qua tại đây gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây nhiễm truyền bệnh cúm A/H5N1 sang người.

Có dịch mà giấu?

Ông Võ Nguyễn Thành Triều, cán bộ Văn phòng UBND phường Đạo Long, cho biết người dân cũng đến UBND phường phản ánh về việc này sau khi nghe báo, đài đưa thông tin đàn chim yến chết hàng loạt và kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ ngày 5-4, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chỉ đạo chi cục thú y các tỉnh, thành cả nước có đàn chim yến phải rà soát toàn bộ các tổ chức, cá nhân có nuôi yến trên địa bàn, theo dõi diễn biến dịch bệnh đàn chim yến (nếu có). Cục Thú y cũng chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận đề xuất tỉnh Ninh Thuận xem xét tiêu hủy những đàn chim yến đã mắc bệnh cúm gia cầm H5N1 và toàn bộ số tổ yến chưa khai thác thuộc đàn nhiễm bệnh. Tuy nhiên, công việc này đến nay chưa được thực hiện.

Cũng từ đầu tháng 4, báo cáo của Cơ quan Thú y Vùng VI cho thấy ngoài nhà nuôi yến Thanh Bình (số 592 Thống Nhất, phường Đạo Long) của Công ty Yến Việt, đã phát hiện yến nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở nhà nuôi yến của ông Lâm Trọng Nhân (phường Phước Mỹ).

Nhà nuôi yến của ông Phạm Công (TP.HCM) xây dựng trên 1.000 m2 chưa được lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: M.TRÂN

Các chủ nuôi, người dân lo lắng

Theo tìm hiểu từ một người dân buôn bán trước rạp Thanh Bình, số chim chết từ trong rạp vẫn còn chở ra từng bao đi đổ ở một điểm nuôi khác cũng trong phường Đạo Long. Trong khi đó, chiều qua, ông Lưu Khoan, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết tính đến nay số chim yến chết đã giảm nhiều nhưng ông chưa nghe ngành thú y báo cáo giảm còn bao nhiêu. Phóng viên liên hệ các lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh không được vì đều bận họp, đi cơ sở. Nhiều ngày qua, hầu như không ai liên hệ được lãnh đạo Công ty Yến Việt. Ông Đỗ Văn Minh được cho là chủ nuôi tại đây cũng không biết ở đâu, không liên lạc được. Cánh cửa ra vào luôn khóa chặt và từ chối liên hệ.

Liên quan đến yến chết, ông Nguyễn Văn Khôi, một hộ nuôi yến ở phường Tấn Tài, cho biết chiều 11-4, Cơ quan Thú y Vùng VI cùng các cơ quan liên quan của tỉnh Ninh Thuận đã đến nhà nuôi của ông để lấy 30 mẫu (yến mới nở, yến mới tập bay, yến mẹ, phân, tổ cho sản phẩm, mỗi thứ năm mẫu) về xét nghiệm. Ông Khôi nói: Đoàn lấy mẫu cũng đã đến nhà nuôi yến của ông Phạm Công ở phường Tấn Tài lấy mẫu xét nghiệm nhưng không lấy được. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn, quản lý nhà nuôi, cho biết vì ông chủ hiện ở TP.HCM nên không có chìa khóa vào, khi đến hạn thu hoạch tổ yến ông về mở cửa mới vào được.

Yến sào chưa bị kiểm dịch

Gọi điện thoại đến Pháp Luật TP.HCM, vài bạn đọc cho biết gia đình thường sử dụng yến sào (tổ yến). Từ khi có thông tin yến nuôi ở Ninh Thuận chết vì cúm H5N1, gia đình ngưng dùng vì sợ yến sào bị lây nhiễm.

Tìm hiểu thêm, phóng viên được biết ngày 25-7-2005, Bộ NN&PTNT ra Quyết định 45/2005/QĐ-BNN, ban hành danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch. Theo đó, yến (tổ yến) thuộc diện sản phẩm động vật phải kiểm dịch. Tuy nhiên, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 11-4, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết hiện chưa có đơn vị nào kiểm dịch tổ yến.

Theo ông Thảo, virus cúm A/H5N1 chỉ tồn tại trên tế bào sống, không có khả năng hiện diện trên tế bào khô. Trong khi tổ yến thuộc dạng khô. Tuy nhiên, tổ yến được hình thành từ nước dãi chim yến, một khi yến bị nhiễm cúm A/H5N1 thì cần xét nghiệm tổ yến để đảm bảo chắc chắn an toàn cho người sử dụng. Trên cơ sở đó, Chi cục Thú y TP.HCM đã đề xuất Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) xét nghiệm có hay không sự tồn tại virus cúm A/H5N1 trên tổ yến để thực hiện kiểm dịch.

TRẦN NGỌC

MINH TRÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới