Dự án Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2005. Đây là dự án trọng điểm quốc gia về dầu khí, cho phép Việt Nam chế biến dầu thô trong nước, đảm bảo từng bước về an ninh năng lượng, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp xăng dầu từ nước ngoài.
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn được thành lập nhằm quản lý, điều hành sản xuất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và kinh doanh các sản phẩm lọc, hóa dầu của Nhà máy.
Đầu năm 2018, phiên IPO (lần đầu tiên phát hành ra công chúng) của Công ty đã thu hút lượng nhà đầu tư tham gia cao kỷ lục. Mức giá trúng bình quân là hơn 23.000 đồng/cổ phần trong khi giá khởi điểm chỉ 14.600 đồng. Nhà nước thu về 5.566 tỉ đồng, cao gấp rưỡi so với dự kiến.
Ngay sau cổ phần hóa, Công ty đã đăng ký giao dịch cổ phiếu BSR trên sàn Upcom (thị trường giao dịch chứng khoán của các công ty chưa niêm yết). Nhìn chung, cổ phiếu BSR thuộc diện có mức vốn hóa cao, thanh khoản lớn.
Tính đến cuối năm 2022, BSR đạt mức vốn hóa cao thứ năm với 41.237 tỷ đồng và khối lượng giao dịch bình quân cả năm 2022 giữ vị trí dẫn đầu ở mức 10,41 triệu cổ phiếu/phiên.
Với vị thế và quy mô của BSR, cổ đông của công ty đã chờ đợi cơ hội chuyển sàn từ lâu. Niêm yết cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), HSX sẽ nâng cao tính minh bạch, hiệu quả quản trị công ty do yêu cầu về minh bạch hóa thông tin đối với các công ty niêm yết được quy định và giám sát chặt chẽ hơn bởi Ủy ban chứng khoán và các sở giao dịch chứng khoán, các nhà đầu tư.
Cùng với đó, đánh giá từ phía thị trường, nhà đầu tư tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước sẽ tích cực hơn. Nhà đầu tư được hỗ trợ sử dụng các đòn bẩy tài chính (công cụ margin hoặc sản phẩm tài chính của các công ty chứng khoán) để đầu tư.
Các yếu tố này có thể giúp tăng thanh khoản và đưa cổ phiếu về vùng giá giao dịch tốt hơn. Hiện, giá cổ phiếu BSR đang ở quanh ngưỡng 17.000 đồng/cp
Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020-2021, Công ty chưa thể thực hiện việc niêm yết cổ phiếu tại các sở giao dịch chứng khoán do chưa đủ điều kiện về hồ sơ niêm yết.
Tại Đại hội cổ đông vừa qua, Công ty cho biết đã tiến hành rà soát các điều kiện niêm yết của HNX và Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE),vào tháng 12-2022.
Công ty đánh giá cổ phiếu BSR đã cơ bản đáp ứng các điều kiện để thực hiện đăng ký niêm yết tại HOSE như vốn điều lên trên 30 tỉ đồng, giá trị vốn hóa tối thiểu 30 tỉ đồng, có ít nhất 100 cổ đông nhỏ, đã giao dịch trên sàn Upcom tối thiểu hai năm, tỷ lệ sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiểu 5%, hai năm liền có lãi…
Tuy nhiên, khúc mắc của BSR lại nằm ở điều kiện không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết.
Được biết, khi kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, 2022, báo cáo kiểm toán do Deloitte thực hiện đều có vấn đề nhấn mạnh như sau: “TAND TP Quảng Ngãi đang làm các thủ tục cần thiết để chuẩn bị đưa ra xét xử vụ kiện một số ngân hàng khởi kiện Công ty cổng phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung, Công ty con của BSR liên quan đến các khoản vay quá hạn thanh toán”.
Theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì công ty muốn niêm yết phải không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm. Vậy khoản nợ này tính trên báo cáo tài chính của công ty mẹ hay báo cáo tài chính hợp nhất?
Đây là vấn đề chưa được hướng dẫn rõ ràng sau khi Luật Chứng khoán 2020 có hiệu lực. Theo các quy định trước đây thì chỉ xem xét các khoản nợ quá hạn trên báo cáo tài chính công ty mẹ.
''Công ty đang phối hợp với các cấp có thẩm quyền để đánh giá, làm rõ khả năng đáp ứng điều kiện niêm yết này'', BSR cho biết.