Doanh nghiệp sở hữu, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vừa công bố Nghị quyết hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2022 với tỉ lệ 7% bằng tiền mặt; chốt ngày giao dịch không hưởng quyền là 22-8, nhà đầu tư mua cổ phiếu hôm đó không có quyền nhận cổ tức; chốt danh sách cổ đông ngày 23-8; dự kiến thanh toán cổ tức vào ngày 27-9.
Trên thị trường, BSR giao dịch quanh ngưỡng giá 17.000 đồng/cp, tăng gần gấp rưỡi so với giữa tháng 11-2022 và tăng 32% so với đầu năm.
Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của BSR tăng mạnh so với năm trước |
Năm 2022, hoạt động kinh doanh của Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn có nhiều thuận lợi như thị trường thế giới và Việt Nam phục hồi sau dịch bệnh, đối thủ cạnh tranh là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn trong cung ứng xăng dầu, nguồn nhập khẩu cho thị trường trong nước giảm hấp dẫn. Nhờ đó, nhà máy của BSR vận hành ở công suất tối ưu, trung bình đạt 108%, có thời điểm lên tới 112%...
Đối với ngành lọc hóa dầu, tỉ lệ sản lượng các sản phẩm lọc dầu, chênh lệch giá giữa sản phẩm dầu thô và sản phẩm lọc dầu là yếu tố quan trọng quyết định biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Sự chênh lệch giá (crack margin) trung bình năm 2022 đạt mức cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành, tỉ lệ sản lượng sản phẩm lọc dầu gia tăng giúp BRS đạt kết quả kinh doanh thuận lợi.
Kết thúc năm 2022, BSR sản xuất và xuất bán hơn 7 triệu tấn sản phẩm, doanh thu 168,9 nghìn tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế lên tới 14.669 tỉ đồng - cao nhất từ khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành đến nay và vượt kế hoạch ban đầu đặt ra tới 1.132%.
Tuy nhiên, việc làm ăn năm 2023 này sẽ không thể đạt được như vậy. Kế hoạch doanh thu hợp nhất mà BRS đưa ra chỉ ở mức 95.645 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.628 tỉ đồng, giảm lần lượt 43% và 89% so với kết quả 2022. Kế hoạch này dựa trên dự báo giá dầu thô là 70 USD/thùng.
Công ty giải thích kế hoạch thấp được đưa ra trong bối cảnh năm nay có nhiều thách thức, như thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5% dẫn đến cạnh tranh khốc liệt hơn với các sản phẩm nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10%, lạm phát đang tăng sẽ kéo theo chi phí hoạt động của BSR trong năm 2023 đi lên.
Chưa kể, khi mua dầu thô trong nước, BSR phải tham gia chào mua cạnh tranh với các người mua khác nên có rủi ro lúc nào đó không thu xếp đủ nguồn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động.
Ngoài ra, Công ty còn chịu sự cạnh tranh của xăng dầu nhập khẩu từ một số nước mà Việt Nam ký kết hiệp định thương mại tự do và xăng dầu được sản xuất từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Kết quả kinh doanh quý I/2023 phản ánh phần nào những khó khăn khách quan ấy: Doanh thu hợp nhất 34.065 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ đạt 1.621 tỉ đồng - giảm tương ứng 2% và 30% so với cùng kỳ 2022.
BSR có vốn điều lệ 31.000 tỉ đồng, phần vốn nhà nước chiếm 92% do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN quản lý.