Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc thông tin về tình trạng người dân bị lừa tiền do tham gia công việc đính đá tranh tại nhà. Lợi dụng dịp hè, các đối tượng lừa đảo nhắm đến học sinh, sinh viên, đánh vào tâm lý việc nhẹ lương cao, làm gia công tại nhà, tự chủ thời gian, nhiều “con mồi” đã bị mắc bẫy, tiền mất tật mang.
Nhắm đến học sinh, sinh viên
Khi PV gõ cụm từ “tuyển thợ đính đá tranh tại nhà” trên công cụ tìm kiếm của Facebook, hàng loạt hội nhóm xuất hiện với hàng ngàn thành viên tham gia. Tại đây, các bài viết có nội dung mời chào công việc rất đa dạng và hấp dẫn như: “Công việc không thời hạn, rảnh làm bận nghỉ”, “Tranh nhỏ dễ làm, ai cũng có thể làm được, tham gia nhóm kín để được hỗ trợ”, “Hàng cọc trước, thanh toán cọc khi nhận tranh từ ship”,... Đa số, tiền công nêu trong các bài viết này có giá từ 200-500 ngàn đồng/bức tranh, tuỳ theo độ khó dễ của sản phẩm.
Chị CP, sống tại Tiền Giang phản ánh con mình bị rơi vào “bẫy” lừa đảo tuyển dụng đính đá tranh tại nhà thông qua hình thức tuyển cộng tác viên online. Theo chị P, con chị là một trong số những nạn nhân bị lừa đảo, ngoài ra còn nhiều học sinh khác bị lừa vì các cháu rủ nhau cùng tham gia.
Cụ thể, để nhận công việc, đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng 300.000 đồng tiền cọc. Hoàn thành công việc, nếu đạt yêu cầu, người thuê sẽ hoàn trả tiền cọc và thanh toán tiền công với phí 200.000 ngàn đồng.
“Tuy nhiên khi con tôi làm xong, liên hệ gửi tranh đi thì bên lừa đảo tìm mọi lý do để trì hoãn nhận, yêu cầu ai muốn nhận tiền trước thì tham gia vô group zalo theo hướng dẫn, ở đây các đối tượng tiếp tục dụ dỗ tham gia các việc làm khác. Con tôi và một số em học sinh khác đã bị mất tiền, chúng thao túng tâm lý đến mức con tôi vẫn không tin đã bị lừa, tiếp tục đính tranh và hy vọng nhận lại tiền” – chị P nói.
Cũng là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo đính đá tranh tại nhà, chị ĐTH, sinh viên một trường đại học tại TP.HCM, chia sẻ đang dịp hè nên chị lên mạng tìm kiếm việc làm thêm tại nhà. Thấy công việc đính đá tranh tại nhà vừa nhẹ, không gò bó thời gian, thu nhập ổn nên chị nhận làm để đóng tiền học kỳ tới.
“Đối tượng yêu cầu tôi đặt cọc 500.000 đồng để “ràng buộc trách nhiệm”’, sau đó gửi tranh và dụng cụ đến nhà tôi. Đến hạn nộp sản phẩm, bên thuê chê xấu, cho rằng làm sai mẫu, không chịu nhận tranh. Tôi đã cố sửa lại nhưng họ vẫn kiên quyết từ chối, vậy là tôi vừa mất công vừa mất tiền” – chị H bức xúc.
Cân nhắc trước khi cọc tiền
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM, cho biết hiện trên mạng xã hội xuất hiện nhiều phương thức và thủ đoạn lừa đảo tuyển dụng việc làm rất tinh vi, biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau.
“Khi tìm việc trên mạng, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin công ty và người tuyển dụng. Nên đến trực tiếp trụ sở tuyển dụng để xác minh, tìm hiểu, không để rơi vào “bẫy cò lao động”. Ngoài ra, cân nhắc kỹ trước khi đóng bất kỳ khoản phí nào” – ông Sang thông tin.
Nói về thủ đoạn lừa đảo đính đá tranh tại nhà, ông Sang khuyến cáo người lao động nên kiểm tra chất lượng sản phẩm, tìm hiểu giá thành sản phẩm, đặc biệt là nhận hàng rồi mới gửi cọc tiền. Đối chiếu số tiền cọc so với tiền công, tiền sản phẩm,... để xác thực.
ThS Đinh Văn Mãi, giảng viên chuyên ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Văn Lang, cho biết khi nhận công việc online, người lao động cần tìm hiểu kỹ về công ty, người tuyển dụng, thông tin mã số thuế của công ty, cũng như xem xét đánh giá của người khác về công ty. Mặt khác, cần hỏi rõ công việc cần làm, yêu cầu công việc và những điều khoản rõ ràng khi làm việc. Nếu còn mơ hồ thì mạnh dạn hỏi để người tuyển dụng giải thích cụ thể.
“Trong trường hợp bị lừa, nạn nhân cần bình tĩnh để đưa ra quyết định sáng suốt, tránh rơi vào uy hiếp của đối phương. Liên lạc với gia đình, người thân để tìm sự hỗ trợ, nếu cần thì thu thập thông tin để trình báo với cơ quan chức năng” – ThS mãi nói.
Cũng theo ThS Mãi, đối tượng lừa đảo thường nhắm đến học sinh, sinh viên vì đây là dịp hè, các bạn có nhu cầu mong muốn tìm việc làm để học hỏi kinh nghiệm, tự lập và kiếm tiền sử dụng cho nhu cầu cá nhân, phục vụ học tập cũng như hỗ trợ gia đình.
Đồng thời, nhận thức của một bộ phận học sinh, sinh viên còn thiếu, ít kinh nghiệm sống, nhẹ dạ cả tin nên dễ bị đối tượng lừa đảo dẫn dắt. Mặt khác, học sinh, sinh viên là đối tượng dễ tiếp cận do dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, cũng như sử dụng các nền tảng trực tuyến, website tìm việc.
Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua mạng
Để tránh sập bẫy lừa đảo, người lao động khi vào website tìm việc nên chú ý đến phần mô tả công việc, phải được thể hiện rõ ràng, cụ thể mức lương, công việc, địa chỉ công ty.
Về mặt nội dung, khi đọc một quảng cáo mô tả công việc phải có đầy đủ nhiệm vụ, quyền lợi của nhân viên, xem kỹ những yêu cầu công việc có phù hợp với vị trí công việc đó không, sau đó tìm kiếm công ty trên nhiều trang thông tin khác để kiểm chứng tính chính xác.
Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người lao động cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Người lao động tuyệt đối không thực hiện yêu cầu tạm ứng trước tiền, không tin vào những đề nghị hấp dẫn, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như căn cước, mã OTP, số thẻ ngân hàng... cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào.
Luật sư Trần Minh Hùng, Đoàn Luật sư TP.HCM