Trước đây Trung Quốc (TQ) chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam những loại trái cây to, mẫu mã bắt mắt, bóng mượt nhờ sử dụng chất kích thích và chất tăng trưởng. Tuy nhiên, hiện nay TQ chuyển sang chiến lược đội lốt, sản xuất những sản phẩm giống hệt hàng Việt để qua mắt người mua.
Núp bóng
Mới đây, người tiêu dùng đã bị lừa khi tưởng nhầm xoài tí hon của TQ là xoài trồng tại Việt Nam. Mãi đến khi cơ quan chức năng, các chợ đầu mối khẳng định mỗi ngày có hàng trăm tấn xoài tí hon TQ đổ vào nước ta bán la liệt khắp cả nước, mọi người mới té ngửa lâu nay đã mua nhầm.
Càng “đau” hơn khi xoài tí hon TQ giá nhập về chỉ 1 đồng nhưng bán ra có khi gấp hơn chục lần. Cụ thể, theo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, chỉ tính từ đầu tháng 2 đến hết tháng 7 vừa qua đã có 4.800 tấn xoài từ TQ nhập qua cửa khẩu Tân Thanh. Giá khai báo hải quan mặt hàng này rất rẻ, chỉ 160 USD một tấn.
Với mức giá này, nếu quy đổi theo tỉ giá, mỗi kg xoài nhập từ TQ chỉ khoảng 3.570 đồng. Thế nhưng tại TP.HCM, xoài tí hon TQ núp bóng xoài Việt bán với giá 30.000-40.000 đồng/kg, gấp cả chục lần so với giá nhập khẩu.
Ông Huỳnh Thanh Hồng, Trưởng Ban Quản lý chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp, nhận xét: “Trái cây TQ ngày càng có nhiều chủng loại rất giống trái cây nước ta, đặc biệt là trái cây trồng ở miền Bắc. Tiêu biểu như trái mận, đào, nhãn”.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Hồng cho hay trước đây trái nho TQ nhập vào nước ta rất dễ nhận dạng vì trái to, giá rẻ. Nhưng hiện nay các chợ nhập về rất nhiều nho của TQ có hình dáng, màu sắc, kích cỡ giống hệt nho Ninh Thuận. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của nho Ninh Thuận.
Chị Hồng Hải, nhà ở quận Gò Vấp (TP.HCM), chia sẻ: “Tôi thấy dọc đường bán đầy nho ghi nho Ba Mọi, nho Ninh Thuận nhưng không biết có thật không. Mong các cơ quan chức năng dẹp trái cây TQ đội lốt hàng Việt để dân được nhờ chứ họ núp bóng tinh vi như vậy thì người tiêu dùng không thể thông minh nổi”.
Người dân TP.HCM gần đây cũng bắt gặp nhiều xe ba gác treo bảng “dưa hoàng kim miền Tây”, “mận giòn Hà Nội”, “mận tím Sa Pa”... Thực ra theo tìm hiểu của chúng tôi, đây chủ yếu là hàng TQ giả mạo hàng Việt. Ngay cả nhãn lồng Hưng Yên nổi tiếng cũng bị hàng TQ giả bán tràn lan.
“Phải đến đầu tháng 8, nhãn lồng Hưng Yên mới vào vụ thu hoạch nhưng từ đầu tháng 7 vừa qua, nhãn từ TQ gắn mác nhãn lồng nổi tiếng của nước ta đã bán khắp thị trường” - đại diện một công ty xuất khẩu trái cây nêu thực trạng.
Người mua rất khó phân biệt được đâu là hàng Trung Quốc, đâu là hàng Việt. Trong ảnh: Nho, xoài…Trung Quốc bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: QH
Kiểm đầu vào, công bố thông tin
Vì sao trái cây TQ núp bóng hàng Việt nở rộ? Trả lời thắc mắc này của chúng tôi, nhiều ý kiến nhận định nguyên nhân chính là do sau hàng loạt vụ bê bối thực phẩm bẩn (chất lượng kém, chứa nhiều dư lượng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật…) giờ đây người tiêu dùng Việt đã quay lưng với các sản phẩm của TQ, trong đó có mặt hàng trái cây. Do vậy muốn bán được ở Việt Nam, trái cây TQ tìm cách núp bóng hàng của nước ta.
Bên cạnh đó, không ít người bán vì hám hợi nên “biến” trái cây TQ thành hàng nội. Anh Thanh Tâm, chủ một cơ sở chuyên kinh doanh trái cây tại TP.HCM, phân tích trái cây cùng loại trồng ở Việt Nam thường đắt gấp 2-4 lần so với trái cây nhập từ TQ. Thế nên người bán phù phép trái cây TQ thành trái cây nội để có lợi nhuận cao, đánh lừa người mua.
Đề cập đến vấn đề này, TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng các doanh nghiệp TQ là “cao thủ” khi họ trồng những mặt hàng trái cây giống hệt Việt Nam hoặc giống trái cây Mỹ, Úc. “Họ nắm rõ thị trường nước ta tẩy chay trái cây nước họ nên làm như vậy mới tiêu thụ được hàng” - bà Mai nói.
Thế nhưng để kiểm soát, ngăn chặn được tình trạng trên không hề đơn giản. Bà Mai phân tích: “Trái cây TQ chủ yếu vào nước ta bằng đường tiểu ngạch, được miễn thuế nên giá rẻ, dễ dàng vào các chợ đầu mối rồi phân tán ra các chợ nhỏ lẻ, tràn khắp thị trường. Cơ quan chức năng không thể đủ lực lượng để lấy mẫu kiểm tra”.
Tuy vậy, bà Mai cho rằng giải pháp khả thi nhất là kiểm soát chặt nguồn gốc xuất xứ, chất lượng trái cây TQ ngay từ đầu vào, nhất là tại các cửa khẩu. Ngoài ra, có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm (như giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan bảo vệ thực vật) ở các chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng.
Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ông Nguyễn Văn Kỳ, nhấn mạnh cơ quan quản lý cấp phép nhập khẩu cần công khai thông tin chính xác, rõ ràng để người dân biết về những mặt hàng trái cây nhập khẩu từ TQ và nhiều nước khác. Khi đó tự thị trường trong nước sẽ quyết định và chắc chắn trái cây TQ sẽ không núp bóng nhiều như hiện nay.
Gián tiếp giúp hàng Trung Quốc núp bóng Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia nhận định hiện nay trái cây, rau củ Việt bán ra thị trường hầu như không có nguồn gốc xuất xứ, ngoại trừ tại các siêu thị và nhiều cửa hàng. Điều này đã gián tiếp giúp hàng TQ dễ đội lốt hàng Việt (vì hàng của họ cũng không có nguồn gốc nên rất dễ trộn lẫn, núp bóng vào hàng nước ta). Vì vậy người tiêu dùng chỉ có thể tin tưởng vào người bán và nếu người bán nói hàng TQ là hàng Việt cũng… đành chịu. Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho hay đang tích cực xác minh rõ vụ việc thép TQ nghi đội lốt thép Việt để xuất khẩu vào EU. Theo đại diện cục này, nếu có tình trạng trên thì doanh nghiệp thép TQ sẽ được hưởng lợi lớn khi né được thuế chống bán phá giá của EU. Trong khi đó, thương hiệu thép Việt khi xuất khẩu sang thị trường EU lại bị nghi ngờ dẫn đến bị điều tra chống bán phá giá oan, mất uy tín trên thị trường thế giới. |