‘Nói lại để xã hội hiểu đúng’

Ông nhấn mạnh: Để dân hiểu được những việc Chính phủ đang làm thì phải hiện đại hóa chính phủ điện tử. Trong đó, thông tin về quản lý điều hành của Chính phủ phải đưa lên mạng, đến được với công chúng. Làm tốt được việc này vừa nhanh, tiết kiệm kinh phí, lại kịp thời ngăn chặn thông tin không đúng đắn, tạo được niềm tin và sự đồng thuận của người dân. Ông nhìn nhận: “Bật điện thoại là có thể lên Facebook. Thông tin đưa lên mạng thì không cấm được nên điều quan trọng nhất là chúng ta phải đưa đúng, chính xác. Đó là nguồn tin chính thống từ Chính phủ. Những thông tin nào chưa đúng, làm người dân phân tâm thì phải nói lại để xã hội hiểu đúng”.

Với phát biểu trên, Thủ tướng đã khái quát cả thế mạnh và mặt trái của truyền thông mạng xã hội.

Mạng xã hội đã tạo nên một “cuộc cách mạng”, ở đó thông tin được lan truyền và tương tác ngay tức thì, người dùng có thể thảo luận để có cái nhìn soi rọi về mọi khía cạnh mà báo chí chính thống không thể theo kịp. Tuy nhiên, không ít người có cái nhìn không mấy thiện cảm với mạng xã hội. Lý do khách quan là có một bộ phận người dùng đã đăng tải thông tin bịa đặt, công kích cá nhân hoặc tổ chức một cách ác ý thiếu căn cứ; hoặc đưa ra thông tin không chính xác, gây hoang mang và hỗn loạn thông tin. Từ đó dẫn đến tâm lý muốn “siết”, “quản” thật chặt. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ về công nghệ thì việc cấm đưa thông tin lên mạng là điều không thể.

Việc hỗn loạn thông tin trên mạng xã hội một phần do sự đáp ứng thông tin của các cơ quan, tổ chức và chính quyền chưa đầy đủ và kịp thời. Thiếu các nguồn tin chính thống sẽ là mảnh đất màu mỡ cho những đồn đoán, thêu dệt. Cũng vì thế Thủ tướng đã yêu cầu chủ động cung cấp và “nói lại để xã hội hiểu đúng” khi có những thông tin chưa chính xác được lan truyền.

Khai thác, sử dụng kho thông tin vô tận trên mạng là nhu cầu, là thói quen và sau 20 năm ra đời, nó nhanh chóng trở thành “tập quán” của đa số người dân. Để ngăn chặn mặt trái của nó, đã có những quy định của pháp luật về việc xử lý trách nhiệm của người vi phạm.Người dùng mạng xã hội cũng có nhận thức để tạo ra một “bộ lọc” cho riêng mình, cộng đồng mạng và nhà cung cấp cũng tự điều chỉnh khi có những hành vi sai trái từ một bộ phận người dùng. Phần còn lại là trách nhiệm cung cấp thông tin của chính quyền. Bởi hơn tất cả những chế tài, rào cản, cách hiệu quả nhất để ngăn chặn những thông tin gây hại là việc cung cấp thông tin của chính quyền phải kịp thời và minh bạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm