Nới lỏng tín dụng, lo tiền bị bơm ra quá nhiều

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36/2014. Tại dự thảo sửa đổi lần này, lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn một lần nữa được điều chỉnh.

Theo quy định hiện nay thì đến 1-1-2018, các tổ chức tín dụng phải giảm tỉ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn xuống còn 40%, sau khi đã thực hiện giảm giới hạn từ 60% xuống 50% từ đầu năm 2017. Nhưng theo dự thảo trên, việc giảm giới hạn sẽ được giãn ra trong hai năm. Cụ thể, giảm từ 50% xuống 45% từ đầu năm 2018, sau đó tiếp tục giảm xuống 40% từ năm 2019.

Như vậy, nếu thông tư này được thông qua cũng đồng nghĩa với việc giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được lùi lại hai năm.

Nhiều nhà băng hưởng lợi

NHNN giải thích việc điều chỉnh này nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm nay của Chính phủ. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị NHNN có kế hoạch, lộ trình để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21%-22%.

“Việc điều chỉnh giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giúp các NH có thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn huy động cũng như nắn dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất mang tính trung và dài hạn” - NHNN giải thích.

Bà Trần Thị Hải Yến, chuyên viên phân tích vĩ mô Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhận định việc giãn lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục cho thấy định hướng hỗ trợ của NHNN đối với các NH thương mại trong việc phát triển tín dụng.

Lãi suất cao làm gia tăng gánh nặng chi phí tài chính lên doanh nghiệp. Ảnh: TL

“Nếu dự thảo này được thông qua, các NH sẽ có thêm điều kiện để phát triển tín dụng mà chưa phải lo lắng nhiều về khả năng đụng trần các tỉ lệ giới hạn như quy định của Thông tư 36” - bà Yến nói.

Nhiều NH bày tỏ quan điểm đồng thuận với chủ trương tăng trưởng tín dụng từ Chính phủ. Tổng giám đốc một NH nhận xét với việc lùi thời gian giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giúp nhiều NH hưởng lợi. Đặc biệt, việc nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên trên 20% sẽ tác động đáng kể lên lợi nhuận năm 2017 của các NH.

“Mặc dù có chủ trương nới lỏng tín dụng nhưng chúng tôi cũng khá thận trọng với các khoản vay bất động sản” - tổng giám đốc một NH cho biết thêm.

Lo ngại đẩy lãi suất tăng lên

TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, phân tích tình hình kinh tế vĩ mô và lạm phát đang có nhiều thuận lợi để NHNN xem xét nới lỏng tín dụng và trên cơ sở đó giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp (DN). Lạm phát cơ bản trong ba năm qua liên tục ở mức khá thấp, dưới 2%; lãi suất tái cấp vốn, lãi suất trái phiếu chính phủ cũng đang ở mức thấp.

Tuy vậy, TS Nghĩa lưu ý: “Khi đưa tín dụng lên trên 20% sẽ xảy ra hai khả năng: Nếu nền kinh tế hấp thụ tốt, đúng hướng, trong điều kiện lãi suất tương đối thấp có thể tạo nên hiệu ứng tăng cầu, góp phần tăng trưởng GDP. Còn nếu không giảm lãi suất mà đẩy tăng trưởng tín dụng lên cao như vậy thì chưa chắc đã tạo nên được tác dụng tăng tổng cầu an toàn và có thể dẫn đến lạm phát cao hơn trong những năm tiếp theo. Do đó NHNN cần cân nhắc, tính toán thận trọng”.

Chuyên gia tài chính-NH, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng từ đầu năm đến nay tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động, chính vì vậy nếu muốn đưa con số tín dụng lên 21%-22% đòi hỏi các NH cần huy động vốn. Muốn huy động vốn đương nhiên phải tăng lãi suất đầu vào và như vậy lãi suất cho vay sẽ tăng lên.

Thực tế trong thời gian gần đây nhiều NH đưa ra mức lãi suất huy động khá cao. Trong đó ở kỳ hạn dài từ một năm trở lên, nhiều NH áp dụng lãi suất kỳ hạn dài lên đến mức trên dưới 8%/năm. Đây chính là mặt trái của thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bởi khi đẩy tín dụng lên sẽ kéo theo lượng tiền ra thị trường nhiều, lạm phát sẽ lên cao.

Từ sự phân tích trên, TS Nguyễn Trí Hiếu không ủng hộ việc giãn thời gian siết vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. “Nếu sử dụng quá nhiều vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ tạo ra rủi ro về thanh khoản cho hệ thống NH. Vì phần lớn khách hàng chỉ gửi tiền ở kỳ hạn ngắn từ một năm đổ lại” - ông Hiếu phân tích.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng lo lắng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21%-22% trong năm nay là quá nhiều. Với tỉ lệ tăng trưởng tín dụng như vậy, mỗi tháng NH phải đẩy ra thị trường tới hơn 100.000 tỉ đồng cho vay và điều này cũng tạo ra nguy cơ rủi ro về an toàn tín dụng.

Lãi suất cao “ăn” hết lợi nhuận của DN

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc nới tín dụng lên mức trên 20% là có cơ sở nhưng điều quan trọng là DN có hấp thụ vốn hay không. Muốn DN hấp thụ vốn, mức lãi suất cho vay phải phù hợp. Lãi suất thấp thì tăng trưởng tín dụng sẽ vào được lĩnh vực sản xuất kinh doanh, công nghiệp, chế biến. Nếu để lãi suất cao thì tiền sẽ vào những lĩnh vực không mong muốn như chứng khoán, bất động sản, các phân khúc có khả năng rủi ro cao như cho vay tiêu dùng.

“Mặt bằng lãi suất Việt Nam cao, kể cả so với Trung Quốc hay một số nước ASEAN. Lãi suất cao làm tăng gánh nặng chi phí tài chính của DN lên khá lớn. Có DN đạt doanh thu năm khoảng 150 tỉ đồng thì lãi vay NH đã lên tới 5-6 tỉ đồng, vượt cả chi phí về trích lập khấu hao, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của DN” - TS Nghĩa chia sẻ.

Các NH đẩy vốn ra phải đúng địa chỉ, vào các ngành sản xuất sẽ giúp tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, nếu dòng vốn chảy mạnh vào bất động sản, chứng khoán… sẽ không có tác động đến GDP.

TS NGUYỄN TRÍ HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm