Tín dụng đen hoành hành
TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, bức xúc: “Tín dụng đen là “ung nhọt” của xã hội, đang ngang nhiên lộng hành. “Luật” của tín dụng đen rất đáng sợ. Trong thời gian gần đây tình trạng tín dụng đen vẫn tồn tại, hoạt động, quy mô trên toàn lãnh thổ Việt Nam có thể lên tới hàng chục triệu USD. Sở dĩ còn tồn tại tình trạng này là do pháp luật của ta không nghiêm, chế tài còn quá yếu. Có thể nói tín dụng đen là ung nhọt của thị trường tín dụng cần phải hạn chế đến mức thấp nhất có thể”.
Ông Nghĩa cho biết hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có chi nhánh đến tận huyện, xã, thôn; có cả ngân hàng chính sách, hợp tác xã và công ty tài chính, các quỹ của nước ngoài, các quỹ của hiệp hội thanh niên; có ngân hàng người nghèo, ngân hàng phát triển, thậm chí là cả hụi họ… thế mà dân chúng vẫn khan tiền, chứng tỏ nhu cầu trong dân rất cao. Điều này lý giải vì sao tín dụng đen vẫn hoành hành như hiện nay. Dù mức lãi suất cho vay tín dụng đen cao cắt cổ nhưng người ta vẫn lao vào vì cần tiền. “Lãi suất tín dụng đen không chỉ vài trăm % mà có khi lên tới 1.000%”, TS Lê Xuân Nghĩa thông tin. Ông đã từng chứng kiến nhiều người phải bỏ trốn ra nước ngoài vì tín dụng đen.
Theo ông Nghĩa, ở Việt Nam tín dụng đen đa số nhắm vào người nghèo không thể tiếp cận với các tổ chức tài chính hợp pháp.“Theo tôi nên tạo điều kiện cho các công ty tài chính phát triển mạnh mẽ và rộng rãi, có như vậy mới có thể đáp ứng đủ nhu cầu và góp phần hạn chế sự bành trướng của tín dụng đen” - ông Nghĩa nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhận định để phát triển thị trường theo hướng tích cực nhất, buộc phải có công ty tài chính. Chỉ có các công ty tài chính mới chấp nhận những khoản vay nhỏ và phần lớn người vay không muốn/không đủ điều kiện để vào ngân hàng làm hồ sơ thủ tục vay. Loại hình cho vay tài chính này cần được khuyến khích, vì đây là mô hình tổ chức tài chính hoạt động đăng ký công khai, có sự quản lý từ các cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Cần hành lang pháp lý để phát triển tín dụng tiêu dùng
Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) cho rằng thời gian tới cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, đảm bảo sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các tổ chức tín dụng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tế Việt Nam.
Khi hành lang pháp lý của các công ty tài chính được hoàn thiện sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ này. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty tài chính thông qua việc gia tăng quyền lợi để thu hút khách hàng sẽ gián tiếp khiến lãi suất vay tiêu dùng trở nên “mềm mại” hơn so với hiện tại, giúp nhiều người dân tiếp cận tới các dịch vụ tài chính chất lượng cao.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định trong bối cảnh hiện nay tín dụng tiêu dùng sẽ ngày càng phát triển mạnh. Khi các công ty tài chính ngày một nhiều lên, họ sẽ cạnh tranh với nhau để đưa ra các sản phẩm tín dụng lãi suất ưu đãi, thậm chí là bằng 0% như hiện nay, thông qua việc kết hợp tiêu thụ các sản phẩm thương mại trong liên kết kinh doanh của mình với các nhà sản xuất. Theo đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn, khi có nhu cầu bổ sung vốn mua sắm và tiêu dùng…
Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho biết trong số các khách hàng tìm đến hội, không ít người dân đã trắng tay, do trong lúc bí bách, họ đã tìm đến tín dụng đen thay vì đến những tổ chức hợp pháp, uy tín để vay. |