Nóng Nga-Ukraine sáng 2-6: Mỹ, Đức hỗ trợ vũ khí cho Ukraine; Điện Kremlin kêu gọi sớm tổ chức cuộc gặp Putin-Zelensky

(PLO)- Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng nên sớm sắp xếp tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Tình hình tại Ukraine

. Hãng thông tấn Ukraine Ukrinform dẫn lời người đứng đầu Cơ quan quản lý nhà nước khu vực Kherson - ông Hennadiy Lahuta cho biết hơn 20 khu vực đông dân cư đã được giải phóng gần bên phía tỉnh Dnipropetrovsk vào ngày 1-6.

“Các lực lượng vũ trang Ukraine vẫn tiếp tục tiến lên, tìm cách giải phóng khu vực Kherson. Khoảng 50% dân số đã rời khỏi vùng Kherson” - ông Lahuta cho hay.

. Theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, tính đến 18 giờ ngày 1-6, Nga đã tấn công TP Sievierodonetsk tại khu vực Luhansk và thiết lập quyền kiểm soát đối với một phần thành phố này.

Trong khi đó, ở Donetsk, Nga đã tiến hành không kích vào các TP Avdiivka, Niu-York, Novoselivka, Shcherbakiv, Roty, Pokrovske, và Novoselivka. Tại tỉnh Kharkiv, Nga đang tập trung vào việc duy trì các đường ranh giới đã kiểm soát và kìm hãm bước tiến của quân đội Ukraine bằng pháo và rocket.

Lực lượng binh sĩ Ukraine đang ngắm mục tiêu. Ảnh: UKRINFORM

. Hãng thông tấn TASS ngày 1-6 dẫn lời Đại tá Mikhail Mizintsev - Giám đốc Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga - cho rằng lực lượng Ukraine đang lên kế hoạch sử dụng hệ thống tên lửa tầm xa, dự kiến ​​sẽ được Mỹ vận chuyển trong thời gian ngắn tới, và nhắm vào lãnh thổ Nga.

“Theo thông tin đã thu được và xác minh từ các tuyến liên lạc vô tuyến bị chặn, Kiev đang lên kế hoạch cho một hành động khiêu khích vô nhân đạo khác tại TP Shostka, vùng Sumy của Nga” - ông Mizintsev cho hay.

"Trong tương lai gần, một lô hàng gồm các hệ thống tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất sẽ được vận chuyển tới Ukraine, và Kiev sẽ sử dụng hệ thống này bắn tên lửa trực tiếp vào lãnh thổ Nga” - ông Mizintsev nói.

Ông nhấn mạnh thêm rằng chính quyền Kiev có kế hoạch lôi kéo phóng viên Ukraine và nước ngoài chuẩn bị tài liệu ảnh và video giả để cáo buộc lực lượng Nga sát hại dân thường và sau đó lan truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông phương Tây.

Một chiếc xe cứu thương bị hư hỏng nặng sau các cuộc giao tranh giữa Ukraine và Nga. Ảnh: UKRINFORM

Động thái của các bên

. Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với Tổng thư ký NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) Jens Stoltenberg vào ngày 1-6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết chính quyền Ukraine đã đảm bảo với Washington rằng các bệ phóng tên lửa do Mỹ cung cấp cho Kiev sẽ không được sử dụng để tấn công mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

“Người Ukraine đã đảm bảo với chúng tôi rằng họ sẽ không sử dụng các hệ thống này để nhằm vào mục tiêu trên lãnh thổ Nga. Có một mối quan hệ chặt chẽ giữa Ukraine và Mỹ, cũng như với các đồng minh và đối tác của chúng tôi” - ông Blinken nói.

Ông cũng bác bỏ những cảnh báo và lo ngại của Moscow rằng việc Washington giao vũ khí cho Kiev có nguy cơ làm leo thang thêm xung đột, theo đài RT.

“Cách tốt nhất để tránh leo thang là Nga dừng hành động gây hấn và cuộc chiến mà nước này bắt đầu” - ông Blinken nói và cho rằng cuộc chiến có thể “sẽ kết thúc vào ngày mai” nếu Moscow chọn như vậy hoặc khả năng sẽ tiếp diễn trong “nhiều tháng” tới nữa.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) trong cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 1-6. Ảnh: AFP

. Cùng ngày, Ukrinform dẫn tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Berlin sẽ cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không lớp IRIS-T và radar phát hiện mục tiêu hiện đại, cũng như xem xét khả năng hợp tác với Mỹ để cung cấp nhiều bệ phóng tên lửa cho Kiev.

"Gần đây nhất, chính phủ Đức đã quyết định sẽ chuyển giao hệ thống phòng không hiện đại nhất mà chúng tôi có cho Ukraine, đó là IRIS-T. Hệ thống phòng không của Đức sẽ cho phép Ukraine bảo vệ toàn bộ các thành phố của mình khỏi cuộc không kích của Nga” - ông Scholz nói.

Thủ tướng Đức tiết lộ thêm rằng Berlin sẽ cung cấp cho Ukraine một loại radar hiện đại cho phép lực lượng của họ phát hiện các loại pháo, súng cối và tên lửa của đối phương.

Ngoài ra, theo Thủ tướng Scholz, Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ để xem xét khả năng cung cấp nhiều bệ phóng tên lửa cho Ukraine với tầm bắn nằm ngoài lãnh thổ của Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: UKRINFORM

. Trả lời câu hỏi của báo giới sau những tuyên bố mới của ông Scholz, Bộ Quốc phòng Đức cho biết họ không thể cung cấp chi tiết về những cam kết trên của Thủ tướng Đức vì hệ thống này hiện không có trong kho của Bundeswehr (Lực lượng vũ trang Đức).

"Câu hỏi này nên dành cho các công ty kỹ thuật quốc phòng vì chúng tôi không có những hệ thống này trong biên chế của mình và cũng không thể làm rõ thêm vấn đề này vì Bundeswehr không sở hữu các hệ thống phòng không như vậy trong kho vũ khí của mình” - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức - ông David Helmbold nói.

Các quân nhân Ukraine tuần tra ở vùng Donetsk, vào ngày 31-5. Ảnh: REUTERS

. Trong một tuyên bố đưa ra hôm 1-6, Thượng tướng Andrey Kartapolov - Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị quân sự các Lực lượng vũ trang Nga - cho rằng chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine có thể kết thúc nếu Kiev đồng ý trở lại bàn đàm phán, RT đưa tin.

“Mọi hoạt động sẽ đi theo đúng kế hoạch, và theo tôi, sẽ kết thúc khi giới lãnh đạo Ukraine đồng ý ngồi xuống đàm phán. Tình hình trên thực địa đã thay đổi và lực lượng của Kiev đang bắt đầu rạn nứt” - ông Kartapolov nói.

Vòng đàm phán mặt cuối cùng giữa hai nước được tổ chức vào ngày 29-3 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Kiev đề xuất ký một thỏa thuận quốc tế về đảm bảo an ninh cho Ukraine để đổi lại việc đồng ý với quy chế trung lập mà Nga đưa ra từ trước khi xung đột bắt đầu.

Tuy nhiên, nỗ lực đàm phán cuối cùng đã thất bại và đình trệ cho tới nay, trong khi hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau về sự thiếu tiến bộ trong các cuộc đàm phán.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ảnh: TASS

. Nói về vấn đề liên quan đến các cuộc đàm phán với Ukraine vào hôm 1-6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng nên sớm sắp xếp tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Khi được hỏi liệu chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 8-6 có thể là dấu hiệu tiềm năng về một cuộc họp ở Istanbul giữa Moscow, Kiev và Liên Hợp Quốc hay không, ông Peskov cho biết “có một mối liên hệ gián tiếp giữa các sự kiện, tuy nhiên vẫn chưa có tầm nhìn rõ ràng về một cuộc họp tiếp theo giữa các bên”.

Theo ông Peskov, Tổng thống Putin cũng “đã nhận được lời mời đến Thổ Nhĩ Kỳ và thời gian chuyến đi sẽ được thống nhất sau”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: CNN

. Theo hãng tin Reuters, hôm 1-6, chính quyền Mỹ đã công bố gói viện trợ vũ khí mới cho Kiev với trị giá 700 triệu USD, bao gồm hệ thống tên lửa tiên tiến có khả năng bắn trúng mục tiêu cách xa 80 km.

Chính quyền Moscow cáo buộc Mỹ đổ thêm "dầu vào lửa" khi tiếp tục hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết việc Washington cung cấp các bệ phóng tên lửa làm tăng nguy cơ "nước thứ ba" bị lôi vào cuộc xung đột.

Đồng quan điểm với ông Lavrov, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết việc Washington trang bị vũ khí hạng nặng hơn cho Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Nga và Mỹ.

Theo ông, Mỹ đang làm cho cuộc xung đột trở nên nguy hiểm hơn: “Bất kỳ nguồn cung cấp vũ khí nào cũng sẽ khiến căng thẳng tiếp tục leo thang, sẽ làm tăng nguy cơ phát triển thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và Mỹ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới