Hơn 16 năm nay, bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, được xem là “linh hồn” và chịu trách nhiệm phát triển thương hiệu Sài Gòn Food tại thị trường nội địa, chưa bao giờ tự mãn với thành công mà luôn tìm tòi đưa ra thị trường những sản phẩm đầy sáng tạo.
“Tết Nguyên đán sắp đến, Sài Gòn Food là doanh nghiệp đầu tiên đem đến cho chiếc bánh chưng truyền thống của dân tộc một cánh áo mới để nó trở thành một món quà tặng trang trọng, lịch sự” - bà Lâm chia sẻ.
Điều chưa từng xuất hiện trước đây
. Phóng viên: Chiếc bánh chưng vốn đã là một sự giới thiệu tốt cho món quà truyền thống mà không cần đặt trong bao bì cao cấp. Vậy liệu có điều gì thật đặc biệt với chiếc bánh mới, thưa bà?
+ Bà Lê Thị Thanh Lâm: Làm hộp quà cho bánh chưng là một câu chuyện khá lạ. Bởi lâu nay mọi người quen việc chiếc bánh chưng mộc mạc với lá dong hay hơn một chút là một lớp nylon hút chân không bọc ngoài. Nguyên nhân bánh chưng vốn có thời hạn sử dụng ngắn nên không ai nghĩ đến chuyện đầu tư cho bao bì.
Nhưng giờ đây chúng tôi đã sản xuất được chiếc bánh chưng có thời hạn sử dụng ba tháng. Điều này cũng nhờ vào sở hữu công nghệ hiện đại. Với thời gian bảo quản dài hơn nên chúng tôi thiết kế bao bì đẹp và lạ cho chiếc bánh chưng truyền thống để làm quà tặng. Vì tâm lý người tiêu dùng thì tết muốn kiếm món quà gì đặc sắc, lạ, độc đáo để tặng. Điều khá lý thú là nhiều doanh nghiệp đặt hàng chúng tôi sản phẩm bánh chưng để tặng đối tác, một điều chưa từng có trước đây.
. Có ý kiến cho rằng thị trường nội địa biên lợi nhuận không bằng thị trường nước ngoài. Vậy tại sao Sài Gòn Food lại quyết định đầu tư mạnh vào thị trường nội địa?
+ Điều này khá đơn giản, thời điểm đầu thập niên 2000, chúng tôi thấy một khoảng trống thị trường nội địa, không nhiều doanh nghiệp tham gia vào đây. Khi đó chúng tôi đánh giá đây là thị trường khá rộng lớn, người tiêu dùng Việt cũng có nhu cầu về sản phẩm tiện lợi, cũng muốn những món ăn ngon, có chất lượng, vậy thì tại sao lại không phục vụ cho chính khách hàng Việt như khách hàng nước ngoài.
Thực tế chiến lược này của chúng tôi đến thời điểm này được xác định là đúng đắn. Sài Gòn Food có tên tuổi như ngày hôm nay nhờ vào tập trung kinh doanh thị trường nội địa.
Bà Lê Thị Thanh Lâm (thứ hai từ trái qua) cùng các cộng sự bên dòng sản phẩm mới - bánh chưng đựng trong hộp làm quà tặng. Ảnh: QH
Không có con đường nào trải hoa hồng
. Sài Gòn Food chọn chiến lược xây dựng sản phẩm mới khai phá thị trường, vậy bà có nghĩ đến sự rủi ro thất bại của người đi trước?
+ Tất nhiên, trong suốt 16 năm qua, Sài Gòn Food không chỉ có thành công mà có cả thất bại nữa. Không có con đường nào trải hoa hồng như vậy hết. Nhưng may mắn tỉ lệ thất bại thấp, sản phẩm ra thị trường có tỉ lệ thành công khá cao.
Tất cả đều dựa trên sự nghiên cứu kỹ càng, hiểu được nhu cầu người tiêu dùng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Chẳng hạn, dòng sản phẩm lẩu đông lạnh có gói nước suốt 16 năm qua chúng tôi vẫn dẫn đầu thị trường cho dù sau đó các đối thủ khác có bắt chước. Hay dòng sản phẩm cháo tươi suốt bảy năm qua vẫn là sản phẩm bán chạy, mà thời điểm mới ra đời nhiều người cho rằng khó thành công. Nếu làm tốt doanh số từ mặt hàng này không chỉ dừng lại ở mức vài ngàn tỉ đồng.
. Hơn 16 năm qua, công ty đã thành công với món lẩu đông lạnh có gói nước, hiện nay đã có những thay đổi nào từ thương hiệu đó hay vẫn giữ nguyên bản?
+ Trên thị trường, sự cạnh tranh dễ nhất là làm y chang sản phẩm đang bán chạy của người dẫn đầu và sau đó đưa giá rẻ hơn để lôi kéo người tiêu dùng. Nhưng chúng tôi không đi theo con đường đó. Chúng tôi phải liên tục đổi mới theo từng năm chứ không sống trên sự thành công của quá khứ, chỉ một chút lơ là là các đối thủ cạnh tranh sẽ chiếm lĩnh thị phần.
. Vậy có thể hiểu công ty của bà đang đánh vào phân khúc cao cấp?
+ Nói như vậy không chính xác lắm, vì giá cả sẽ do chất lượng quyết định. Quan điểm kinh doanh của chúng tôi chất lượng là yếu tố sống còn nên thà tăng giá chứ không gian dối khách hàng. Có những nhà cung cấp họ có thể không tăng giá nhưng sẽ giảm đi chất lượng. Chẳng hạn, họ ngâm tôm vào nước cho thấy to ra nhưng người tiêu dùng sẽ phát hiện ngay doanh nghiệp nào đưa ra sản phẩm có chất lượng hay không.
Chúng tôi không quan niệm làm thị trường nội địa là để tận dụng những gì đầu thừa đuôi thẹo của hàng xuất khẩu hay những sản phẩm không thể xuất khẩu thì đem đi bán nội địa. Chúng tôi cũng không có sự khác biệt trong việc kiểm soát chất lượng giữa dây chuyền xuất khẩu và nội địa. Tức là kiểm soát nghiêm ngặt và có chất lượng như nhau, chỉ có khác là điều chỉnh khẩu vị hợp với người Việt. Bà LÊ THỊ THANH LÂM |
Không ngại đối đầu doanh nghiệp ngoại
. Hiện nay mức độ cạnh tranh đang trở nên khốc liệt hơn, khi thị trường đang có nhiều đại gia nước ngoài đổ vào, đồng thời người Việt thích ứng nhanh với xu hướng mới. Bà có cảm thấy áp lực?
+ Chúng tôi không ngán ngại khi đối đầu với các đại gia nước ngoài trong ngành chế biến thực phẩm. Vì chúng tôi có đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) nhạy bén và tự tin đi nhanh hơn các ông lớn vì họ là những tập đoàn lớn nên làm gì phải qua hệ thống, không thể chạy nhanh bằng mình.
Ngoài ra, vốn làm xuất khẩu vào các thị trường hàng đầu thế giới nên chúng tôi có điều kiện tiếp cận những công nghệ mới nhất. Chính điều đó hỗ trợ cho thị trường nội địa để chúng tôi tin rằng không thua kém bất kỳ đại gia nào. Hiện sản phẩm xuất khẩu của chúng tôi khá đa dạng như cá hồi sushi, cua sushi, cá chẽm kirimi, cá đổng kirimi, cá saba fillet, cá tẩm bột, tôm sushi…
. Khi chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven (Nhật) vào Việt Nam thì họ đã chọn Sài Gòn Food là đối tác chiến lược. Điều gì đã hấp dẫn thương hiệu tiếng tăm của Nhật?
+ Sài Gòn Food đang là đơn vị làm hàng xuất khẩu đi Nhật, một thị trường cực kỳ khó tính và không dễ đưa sản phẩm thâm nhập. Sau khi đến tham quan dây chuyền, công nghệ sản xuất, họ biết là chúng tôi đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của họ.
Nhưng điều quan trọng nhất, những sản phẩm họ dự định bán tại thị trường Việt Nam thì chúng tôi đã có sẵn ngân hàng dữ liệu, vốn đã nghiên cứu từ trước đó. Họ chỉ việc lựa chọn và chúng tôi làm theo tiêu chuẩn của họ đưa ra. Hiện nay chúng tôi đang cung cấp hơn 100 mặt hàng cho chuỗi 7-Eleven (Nhật Bản). Bên cạnh đó, đối tác của chúng tôi còn có các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi như Co.opmart, Aeon Mall, VinMart, Circle K, Kids Plaza…
. Xin cám ơn bà.
“Tôi được nhận xét là người phụ nữ dịu dàng” . Giờ đây, nhìn lại chặng đường từ con số 0 trở thành đại gia trong ngành thực phẩm chế biến với bốn xưởng sản xuất thực phẩm hoành tráng, bà rút ra yếu tố nào đưa đến sự thành công? + Chúng tôi nhìn thấy thành công lớn nhất chính là dám chọn con đường riêng và sáng tạo, tìm tòi cái mới đáp ứng cho thị trường chứ không làm những gì mà thị trường đã có hay bắt chước người khác. Tuy nhiên, nền tảng chính là việc Sài Gòn Food chủ trương từ rất sớm phát triển thị trường nội địa song song với thị trường xuất khẩu. . Để điều hành một công ty với đội ngũ nhân sự lên đến 2.000 người cùng hướng về một mục tiêu chung quả là không đơn giản, thưa bà? + Rõ ràng điều khiển một doanh nghiệp với cả ngàn nhân viên đòi hỏi tính quyết đoán, sự quyết liệt của người giữ trọng trách kinh doanh. Nhưng đến thời điểm này, hình ảnh của tôi với nhân viên vẫn là người phụ nữ dịu dàng, mềm mỏng chứ không có gì mạnh mẽ.
Nói về áp lực thì nếu mình làm kinh doanh không có áp lực là không đúng. Nhưng khi có áp lực mình phải biết điều tiết để giảm áp lực đó và sống sao cho cân bằng, hài hòa. Tôi xác định làm lãnh đạo là không làm chi tiết mà chỉ ngồi suy nghĩ các cách, bày việc cho người khác làm. Nên mọi người vẫn thấy tôi đi dự hội thảo, đi dạy, lướt và viết Facebook nhưng công việc vẫn trôi chảy. Vấn đề là làm sao xây dựng đội ngũ làm việc có hệ thống và mình chỉ giám sát từ xa chứ nếu mình cái gì cũng làm thì làm gì có thời gian. |