Năm 2002, chính phủ của đảng dân chủ-xã hội và đảng Xanh đã quyết định bãi bỏ việc nhìn nhận “tính không đạo đức của hoạt động mại dâm” và đã hợp pháp hóa hoàn toàn hoạt động này. Kể từ đó, mại dâm tại Đức được nhìn nhận như một “nghề chính đáng” qua việc cấp phép cho các nhà chứa nào “đủ điều kiện kinh doanh”. Với đạo luật này, nước Đức đã đặt hy vọng vào việc “giải thoát các đối tượng hành nghề mại dâm khỏi bóng tối”, mang lại cho họ một vị thế tốt hơn trong xã hội với các điều kiện làm việc được bảo đảm tốt hơn và an toàn hơn.
80% khách làng chơi đến từ bên kia biên giới
Ngày 8-4 vừa qua, đảng CDU đã đệ trình dự thảo văn bản luật sửa đổi hoạt động mại dâm với quan điểm là không cấm mại dâm nhưng quy định khắt khe hơn. Dân biểu Hans-Peter Uhl thuộc đảng CDU nhìn nhận: “Đạo luật năm 2002 đưa ra nhiều ý định tốt nhưng đã kéo theo những hệ lụy tồi tệ. Nước Đức đã trở thành một nhà chứa của châu Âu”. Những TP lớn như Berlin, Cologne hay Stuttgart đã quảng cáo rùm beng để lôi kéo khách hàng từ nhiều nước châu Âu khác. Theo cảnh sát sở tại TP Saarbrücken, nằm cách biên giới Pháp vài cây số là nơi có đến 80% khách làng chơi đến từ bên kia biên giới.
Gái mại dâm người Romania trong một nhà chứa tại Schönefeld, bang Brandenburg, Đức. nguồn: Reuters
Dân biểu Hans-Peter Uhl tố cáo hình thức “flat rate” của một vài nhà chứa qua đó với một mức giá cố định, khách có thể có được bao nhiêu “em” tùy ý muốn. Hình thức kinh doanh này thường đi đôi với loại hình mại dâm cưỡng bức. Năm 2012, hai chủ chứa hoạt động theo hình thức kinh doanh nói trên đã bị phạt tù vì tội buôn người. Theo nhật báo Die Welt, khoảng 20 gái mại dâm người Romania ra làm chứng tại phiên tòa đã kể lại việc mình bị dụ dỗ sang Đức với lời hứa hẹn có việc làm lương cao nhưng sau đó đã bị cưỡng ép bán dâm, đôi khi phải phục vụ đến 60 khách mỗi ngày.
400.000 gái mại dâm đang hoạt động
Một đại diện cảnh sát tư pháp tại Stuttgart công nhận rằng sau khi được hợp pháp hóa, tình hình tội phạm trong giới mại dâm đã tăng cao. Kể từ khi Liên minh châu Âu được mở rộng sang hướng đông vào năm 2007, số lượng gái mại dâm đã tăng vọt, cụ thể là trong số các gái đứng đường đã có đến 87% đến từ các nước Đông Âu, đặc biệt là từ Bulgaria và Romania. Viện Thống kê Đức cho rằng tại Đức hiện có 400.000 gái mại dâm và doanh thu hằng năm lên đến 15 tỉ euro. Tuy nhiên, những con số đánh giá này khá mơ hồ bởi vì không có một gái mại dâm hay ma cô nào bị bắt buộc phải khai ra hoạt động của mình.
Với đề nghị của mình, đảng CDU muốn ngăn chặn tình hình tội phạm trong giới kinh doanh mại dâm. Gái mại dâm bắt buộc phải khai báo, các nhà chứa phải được cấp phép đúng luật và độ tuổi hợp pháp để hành nghề được tăng lên là 21, các chủ chứa không có quyền áp đặt nơi chốn và thời gian làm việc cho “nhân viên” và cảnh sát sẽ được quyền truy quét bất ngờ mà không báo trước.
Mô hình Thụy Điển
Các hiệp hội gái mại dâm tỏ ra hoài nghi hơn về đề nghị luật mới này. Astrid Gabb thuộc hội Madonna nhận định: “Đa số các điểm chính của dự luật trên là không mang tính thực tiễn”, ví dụ như việc bắt buộc khách phải sử dụng bao cao su là rất khó kiểm soát. Độ tuổi tối thiểu được quy định là 21 theo dự luật sẽ khiến gái mại dâm rút vào hoạt động “chui” nhiều hơn, Astrid Gabb phát biểu: “Đây là một môi trường hoạt động của rất nhiều đối tượng trẻ tuổi. Luật tại Đức cho phép người trưởng thành có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp của mình, vậy tại sao lĩnh vực mại dâm lại không thể?”.
Thế nhưng Doris Köhncke, thuộc trung tâm thông tin cho người di cư tại Stuttgart, người đã theo chân các nạn nhân của việc buôn người trong các nhà chứa “flat rate” phản bác: “Ở độ tuổi 18, giới trẻ thậm chí chưa được trang bị đủ kiến thức và tầm nhìn để đánh giá đúng hậu quả tiêu cực khi chọn lựa công việc mình làm”.
Cuộc tranh luận này đã nóng lên khi vào đầu tháng 4 vừa qua, Hội đồng châu Âu đã khuyến cáo chính phủ của các quốc gia châu Âu phải quan tâm đến việc chống mại dâm nhiều hơn nữa.
Nhiều đại biểu đã lấy ví dụ về mô hình tại Thụy Điển, nơi mại dâm bị cấm và khách mua dâm bị phạt. Song giải pháp này vẫn chưa được nước Đức nghĩ đến, bởi theo dân biểu Hans-Peter Uhl, “một dự án như thế vẫn không có khả năng ngăn chặn các cô gái vốn dĩ đã muốn bán thân để kiếm sống lao vào con đường này”.
Và nếu như mỗi một bang tại Đức đều triển khai một cách thức riêng khác nhau nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi bị bạo hành và không bị khai thác thân xác thì theo Doris Köhncke, “đó vẫn sẽ luôn là một cuộc chiến đầy khó khăn”.
TƯỜNG NGUYỄN (Theo Libération)