Vừa qua, PLOcó phản ánh tình trạng một số hộ dân nuôi cả đàn chó vài chục con, có nơi nuôi cả trăm con gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng xóm tại một số khu dân cư ở TP.HCM. Chính quyền địa phương cũng đã tiến hành vận động, xử lý nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm bởi hiện này chưa có quy định chặt chẽ về quản lý việc nuôi chó, mèo.
Bộ NN&PTNT cho biết đang xây dựng thông tư về quản lý các vật nuôi khác, trong đó có chó, mèo. Việc nuôi chó, mèo sẽ được quy định cụ thể hơn về điều kiện nuôi, số lượng...
TS Cao Vũ Minh, giảng viên khoa Luật trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có những phân tích và ý kiến đề xuất về tình trạng nuôi chó mèo hiện nay để việc quản lý nuôi chó mèo hiệu quả hơn.
Nuôi chó gây ô nhiễm là không nhân đạo với động vật
Việc đối xử nhân đạo với động vật không đơn thuần chỉ là việc nuôi, cho ăn mà sâu xa hơn còn là bảo đảm môi trường sống, chăm sóc y tế, bảo vệ tính mạng của các loài động vật. Hãy thử hình dung, việc nuôi nhốt động vật trong một môi trường bẩn thỉu thì có được xem là nhân đạo?
|
Nhiều chú chó được nuôi nhốt chật hẹp trong một hộ gia đình. Ảnh: HUỲNH THƠ |
Tương tự, việc nuôi động vật trong một không gian chật hẹp nhằm hạn chế đến mức tối đa khả năng di chuyển của động vật gây nên sự tăng cân ồ ạt nhằm mục đích thương mại thì có phải là nhân đạo? Hay việc ép ăn liên tục làm cho một bộ phận cơ thể phát triển bất bình thường vì lý do ẩm thực liệu có thể là đối xử nhân đạo với động vật? Có lẽ, câu trả lời nằm ở sự tự vấn của mỗi con người.
Tại Việt Nam, tình trạng các giống chó hung dữ như pitbull, becgie được nuôi nhốt không cẩn thận, phát cơn hung dữ, cắn chết người không phải là hiếm. Để trấn áp, người dân và lực lượng chức năng trong nhiều trường hợp phải ra tay tiêu diệt.
Như vậy, dẫu rằng việc tiêu diệt động vật hung dữ này là bất khả kháng nhưng hậu quả đau lòng về người và vật sẽ không thể xảy ra nếu chúng ta có những giải pháp thật sự hữu hiệu mang tính chất phòng ngừa.
Điểm cân bằng trong việc bảo đảm giữa quyền con người và đối xử nhân đạo với động vật chỉ có thể trả lời một cách rõ ràng thông qua các quy định pháp luật.
Một gia đình có nhỏ ở quận 4 mà nuôi 82 con chó là một câu chuyện hy hữu. Hy hữu không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới bởi việc nuôi nhốt này là không bảo đảm tính nhân đạo trong đối xử với động vật. Trong trường hợp này, các con vật phải sống trong một môi trường chật chội, ám khí và không có không gian để chạy nhảy. Theo một thiên hướng tự nhiên, lâu dần sẽ trở nên hung dữ.
Đó là chưa tính đến khả năng khi một trong những con chó này sinh con và xảy ra tình trạng vượt quá khả năng nuôi của gia đình thì việc giải quyết càng trở nên nan giải. Cho đi thì cũng khó vì chưa chắc đã có người nhận với số lượng lớn như vậy, vứt bỏ thì càng vi phạm vấn đề đối xử nhân đạo. Đó là chưa kể đến vấn đề mùi hôi, ô nhiễm tiếng ồn, không khí gây ảnh hưởng đến các gia đình xung quanh.
|
Vì thương động vật, một gia đình nhỏ (ở quận 4, TP.HCM) nuôi đến 82 con chó gây ảnh hưởng đến hàng xóm. Ảnh: HUỲNH THƠ |
Cần quy định về diện tích khi nuôi chó, mèo
Pháp luật các quốc gia trên thế giới không điều chỉnh cụ thể vấn đề này nhưng điều lệ vệ sinh, môi trường của một số thành phố thuộc các bang của Hoa Kỳ có quy định về vấn đề diện tích tối thiểu để nuôi chó, mèo. Nhìn chung, mỗi gia đình được nuôi 02 con thú và cứ thêm 50m2 thì có thể nuôi thêm một đơn vị con. Nếu nuôi quá số lượng quy định thì theo tố giác của các gia đình xung quanh, các tổ chức bảo vệ động vật sẽ vào cuộc và cáo buộc gia chủ có hành vi ngược đãi động vật.
Việc tính toán diện tích này cũng dựa vào nhiều yếu tố khác nhau như diện tích tự nhiên, mật độ dân cư, thói quen di chuyển, quãng đường di chuyển thông thường của một con vật cùng loại nếu sống trong môi trường lý tưởng.
Thiết nghĩ, những quy định này hoàn toàn có thể được tiếp thu để xây dựng thành quy phạm chung điều chỉnh vấn đề nuôi chó, mèo tại Việt Nam. Tất nhiên, khi xây dựng những quy định này thì các cơ quan nhà nước phải tính toán các yếu tố đặc thù như diện tích tự nhiên mỗi tỉnh thành, mật độ dân cư, khu vực nông thôn hay thành thị… Vấn đề này chắc chắn là phức tạp nhưng nếu cố gắng, nhà làm luật có thể làm được.
Xây dựng quy phạm điều chỉnh nhằm bảo đảm sự hài hòa lợi ích và trách nhiệm của người nuôi, sự đồng thuận của cộng đồng nơi cư trú là điều rất cần thiết. Hiện nay, khi chưa có quy phạm điều chỉnh về mật độ nuôi chó mèo thì việc xử phạt về tiếng ồn, xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường hay xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật chỉ mang tính “chắp vá”. Sau khi xử phạt, tình trạng bát nháo, ồn ào, hôi thối, mất vệ sinh vẫn như cũ mà không có sự tiến triển khả quan. Đó là chưa kể đến tình trạng xử phạt mà người vi phạm chây ì không thực hiện việc nộp phạt.
Quy định về giống chó được nuôi
Khi xây dựng quy định pháp luật về việc nuôi chó, mèo, nhà làm luật cũng cần có sự phân hóa cụ thể về chủng loại của để có cách quản lý phù hợp. Đối với đa số giống chó thì các quy định về tiêm vắc xin, rọ mõm… là khá đầy đủ. Tuy nhiên, đối với những giống chó hung dữ như pitbull, becgie, rottweiler… thì cần đưa vào diện quản lý đặc biệt.
Tại Hoa Kỳ, Canada, việc nuôi các loại chó nguy hiểm không bị cấm nhưng người nuôi phải đạt được những điều kiện khá ngặt nghèo như mua bảo hiểm thương tật để phòng rủi ro chó tấn công người đi đường. Thêm vào đó, người chủ phải có chứng chỉ nuôi chó chuyên nghiệp, có thể điều khiển chó để tránh gây nguy hiểm cho người khác. Họ lý luận rằng trường hợp này giống như việc điều khiển một chiếc xe moto phân khối lớn, để hạn chế rủi ro, cần phải có chứng chỉ được đào tạo, huấn luyện bài bản. Đương nhiên, việc học và lấy các loại chứng chỉ này thì không bao giờ là đơn giản. Ngoài ra, khi dắt chó đi dạo thì người chủ phải trang bị vòng cổ có gai nhọn để khi chó có biểu hiện mất kiểm soát thì với cú giật mạnh của chủ, vòng gai sẽ làm con chó đau mà không có ý định tấn công người…