Thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi diễn ra với tần suất ngày càng cao vì lợi nhuận mang lại quá nhiều. Một con heo dùng chất cấm (salbutamol) có thể lời tròm trèm từ 500.000 đến trên 1 triệu đồng” - ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết.
Xử lý quá nhẹ
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết trong những tháng đầu năm 2016, Chi cục lấy 80 mẫu nước tiểu của heo được nuôi ở các trang trại để phân tích, phát hiện hai mẫu còn tồn dư chất cấm. “Nghị định 119/2013 do Chính phủ ban hành quy định phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ; từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại. Căn cứ quy định, Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai phạt mỗi trang trại 15 triệu đồng. Mức phạt này theo tôi còn thấp, không đủ răn đe nên thực trạng các trang trại sử dụng chất cấm vẫn tiếp tục tồn tại” - ông Quang nói.
Ngoài mức phạt quá thấp, việc chỉ xử lý phần “ngọn” khiến tình hình heo nhiễm chất cấm thời gian qua vẫn chưa giảm. “Từ đầu năm 2016 đến giữa tháng 3, Chi cục Thú y TP.HCM lấy 970 mẫu nước tiểu heo tại chín cơ sở giết mổ và phát hiện 117 mẫu dương tính với chất cấm. Do mức phạt còn thấp nên những người nuôi heo ở các tỉnh vẫn còn sử dụng chất cấm” - ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, nhận định.
Là chủ cơ sở giết mổ gia súc ở TP.HCM, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm ăn ngủ không yên khi trước đây cơ quan chức năng liên tục phát hiện thương lái đưa heo nhiễm chất cấm vào cơ sở để giết mổ. “Không ít thương lái vô tình mua heo chứa chất cấm. Do vậy cần tăng mức phạt người nuôi heo sử dụng chất cấm để cơ sở giết mổ đỡ bị vạ lây” - bà Thắm đề xuất.
Chi cục Thú y TP.HCM lấy mẫu nước tiểu heo để phân tích chất cấm. Ảnh: TRẦN NGỌC
Về vấn đề này, tại tọa đàm về “Chất cấm trong chăn nuôi heo, thực trạng và giải pháp” hôm 23-3 ở TP.HCM, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, phát biểu để hạn chế việc sử dụng chất cấm, chúng ta phải có các biện pháp giáo dục đối với người chăn nuôi, làm cho họ có ý thức phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Các cơ quan chức năng phải có biện pháp trừng trị mạnh hơn nữa chứ không để việc sử dụng chất cấm tràn lan như vừa qua. “Để giải quyết căn cơ, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phải tạo ra một chuỗi sản phẩm giúp người chăn nuôi bán sản phẩm của mình với giá ổn định. Hiện nay, thị trường đầu ra của ngành chăn nuôi không ổn định, khi không ổn định thì dễ phát sinh cạnh tranh không lành mạnh” - ông Đoán nói.
Phạt đến 20 năm tù
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN&PTNT, năm 2016 Bộ đã đưa chất cấm vào một trong những chương trình đấu tranh để giải quyết dứt điểm. Nhưng trước đây Thông tư 57 quy định cơ sở giết mổ được lựa chọn giữa nuôi nhốt cho đến khi hết chất cấm trong vật nuôi thì có thể giết mổ hoặc tiêu hủy vật nuôi. Thực tế các cơ sở giết mổ đều chọn cách thứ nhất.
“Từ tháng 2-2016 trở đi, về mặt pháp lý, chúng ta hoàn toàn có thể tiêu hủy được các đàn heo có chất cấm. Do khoản 7 Thông tư 01 sửa đổi Thông tư 57 có quy định: Đối với cơ sở giết mổ, khi đàn gia súc có sử dụng chất cấm bị cơ quan nhà nước, cơ quan có thẩm quyền phát hiện bằng định lượng thì sẽ tiêu hủy” - ông Việt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi được quy định trong Nghị định 119/2013 còn thấp, chưa đủ sức răn đe, cũng như chưa hợp lý. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định này. Bộ này cũng đã xây dựng dự thảo nghị định về việc quản lý chất cấm trong chăn nuôi.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 119/2013 có nội dung: “Phạt tiền bằng 80%-100% tổng giá trị động vật vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không quá 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ. Phạt tiền bằng 100%-120% tổng giá trị động vật vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không quá 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại”.
Ngoài ra, ông Phan Xuân Thảo cho biết kể từ ngày 1-7, BLHS 2015 có hiệu lực cũng có những quy định liên quan về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. “Với hình phạt 1-20 năm tù mang tính răn đe cao, thực trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có khả năng giảm đáng kể” - ông Thảo nêu quan điểm.
Khoản 1 Điều 317 BLHS năm 2015 quy định việc vi phạm sử dụng hóa chất và phụ gia bị cấm trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi có thể bị phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm, thậm chí vi phạm nặng có thể có khung hình phạt tối đa tới 20 năm tù. _____________________________ Giữa tháng 3-2016, Chi cục Thú y TP.HCM thông báo sẽ tiêu hủy lô heo đưa vào cơ sở giết mổ nếu phát hiện chứa tồn dư chất cấm. Với động thái quyết liệt này, thực trạng heo nhiễm chất cấm giảm hẳn. Từ tuần cuối tháng 3 đến nay, Chi cục Thú y TP.HCM lấy 38 mẫu nước tiểu heo từ các tỉnh đưa vào TP.HCM giết mổ nhưng không phát hiện tồn dư chất cấm. Ông PHAN XUÂN THẢO, |