Obama ký sắc lệnh cắt giảm ngân sách

Ngày 1-3 (giờ địa phương), theo tâm trạng chẳng đặng đừng, Tổng thống Obama đã ký sắc lệnh mang tên “Sắc lệnh thu hẹp tài khóa 2013”.

Lời trần tình của Obama

85 tỉ USD ngân sách đã tự động bị cắt giảm trong bảy tháng tới (từ ngày 2-3 đến 1-10) bởi sau cuộc họp kéo dài 52 phút, Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Quốc hội không đạt được thỏa thuận nào cho kế hoạch thay thế.

Tại Canada, Bộ trưởng Tài chính Jim Flaherty bày tỏ thất vọng đối với Mỹ và khẳng định Canada sẽ không chịu ảnh hưởng xấu từ Mỹ.

Không giống như bi kịch tài khóa lần trước, việc cắt giảm ngân sách lần này không đe dọa đến thị trường chứng khoán Wall Street.

Theo kênh truyền hình Fox News, tại cuộc họp báo sau đó, Tổng thống Obama đã gọi việc ngân sách tự động cắt giảm là “ngớ ngẩn và tùy tiện”. Ông nhận xét việc cắt giảm ngân sách sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Mỹ, nhiều người sẽ mất việc làm và các gia đình trung lưu sẽ cảm nhận nỗi đau thực sự.

Obama ký sắc lệnh cắt giảm ngân sách ảnh 1

Gương mặt buồn rầu của Tổng thống Obama trong cuộc họp báo nói về cắt giảm ngân sách ngày 1-3. Ảnh: REUTERS

Ông bộc bạch: “Tôi không tiên đoán sẽ xảy ra một vụ khủng hoảng tài chính khổng lồ. Không phải mọi người Mỹ đều bị ảnh hưởng từ việc cắt giảm ngân sách lần này nhưng nhiều người sẽ bị tổn thương”.

Ông chỉ trích đảng Cộng hòa không hợp tác để ngăn chặn vấn đề cắt giảm ngân sách. Ông thừa nhận đã không thể thuyết phục đảng Cộng hòa xem xét tăng thuế như một phần của gói hỗ trợ nhằm ngăn chặn ngân sách bị cắt giảm.

Theo hãng tin Reuters, văn phòng Chủ tịch Hạ viện John Boehner cho hay Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo Quốc hội đã nhất trí thông qua dự luật tài trợ cho chính phủ đến cuối tháng 3 đồng thời tiếp tục làm việc để tìm cách thay thế giải pháp cắt giảm chi tiêu.

Trong thời gian tới chính phủ Mỹ sẽ phải cắt giảm chi tiêu, tập trung tiền cho các mục tiêu cao hơn. Nhà Trắng đã đề nghị các cơ quan giảm các hoạt động tốn kém như hội họp và các chương trình đào tạo.

Đảng Dân chủ dự đoán tình trạng “cô lập tài chính” sẽ sớm gây hỗn loạn trong ngành hàng không, giáo dục, trung tâm nghiên cứu…

Nhiều ngành bị ảnh hưởng

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel ghi nhận 50% ngân sách cắt giảm có liên quan đến Lầu Năm Góc. Bộ Quốc phòng bắt buộc phải cắt giảm 13% ngân sách từ nay đến ngày 30-9. Các chương trình phi quốc phòng như chương trình thăm dò không gian của NASA cũng phải cắt giảm 9% ngân sách.

Dự kiến 800.000 nhân viên dân sự làm việc cho Bộ Quốc phòng phải nghỉ một ngày mỗi tuần trong suốt 22 tuần (gọi là “thất nghiệp kỹ thuật”), tức phải chấp nhận giảm 20% lương từ cuối tháng 4.

Hải quân sẽ giảm số ngày tàu ra biển từ 30% đến 35%. Việc triển khai tàu sân bay thứ hai ở vùng Vịnh sẽ bị hủy bỏ. Công tác bảo trì các cơ sở và thiết bị quân sự bị hoãn lại, như vậy các nhà thầu phụ của Bộ Quốc phòng phải chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, các binh sĩ sẽ không bị giảm lương. Bộ Tư pháp đã gửi thông báo cho 115.000 nhân viên nghỉ phép từ ngày 21-4 đến cuối tháng 9 trong thời gian không dưới 14 ngày làm việc. Dự kiến FBI sẽ giảm 1.000 nhân viên.

Các nhân viên cảnh sát ở biên giới phải giảm giờ làm tương đương 5.000 giờ làm toàn thời gian. Các cơ quan nhập cư phải trả tự do cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Trong ngành giáo dục, chính phủ sẽ bỏ trợ cấp dành cho khoảng 10.000 giáo viên, 7.200 giáo viên dạy trẻ tàn tật và nhiều việc làm trong ngành. Chương trình đưa trẻ đến trường dành cho trẻ em nghèo dưới năm tuổi sẽ bị hủy bỏ. Chương trình này liên quan đến 70.000 trẻ và 14.000 giáo viên.
Cục An toàn vận chuyển sẽ cho 50.000 nhân viên nghỉ mỗi tháng một ngày. Như vậy thời gian hành khách đến Mỹ chờ làm thủ tục nhập cảnh sẽ kéo dài từ 30% đến 50%. Tại các sân bay lớn, thời gian chờ có thể đến 4 tiếng. Các nhân viên kiểm soát không lưu luân phiên nhau nghỉ phép. Hơn 200 sân bay nhỏ sẽ bị đóng cửa.
Các chương trình nghiên cứu khoa học bị hủy hoặc bị đóng băng. Các nhân viên an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ giảm tần suất kiểm tra. Nguy cơ nhiễm độc sẽ gia tăng. Phần lớn trong 398 công viên quốc gia sẽ đóng cửa một phần thời gian...

Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo do thắt chặt tài chính, kinh tế Mỹ sẽ suy giảm 0,5% GDP trong năm nay. Trong bối cảnh tăng trưởng năm 2013 của Mỹ ước đạt 2% thì con số 0,5% rất quan trọng. Dù vậy, Công ty thẩm định tài chính Standard and Poor’s bảo đảm ngân sách Mỹ dù bị cắt giảm cũng chỉ ảnh hưởng hạn chế đến kinh tế Mỹ nói chung, các doanh nghiệp, cơ quan liên bang và chính quyền địa phương nói riêng với điều kiện thời gian cắt giảm đừng kéo dài quá.

DUY KHANG - H.DUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm