Ông Biden thu được gì sau chuyến công du châu Âu?

(PLO)- Giới quan sát nhận định Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thành công trong việc thắt chặt quan hệ với Anh và thể hiện vai trò lãnh đạo NATO trong chuyến công du châu Âu lần này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 9-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Anh, bắt đầu chuyến công du đến 3 nước châu Âu. Chuyến đi của ông Biden được mong chờ, bởi nó không chỉ là chuyến thăm của một tổng thống Mỹ đến đồng minh truyền thống như Anh, mà còn nhằm thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo đài CNN, vai trò lãnh đạo NATO và các nguồn viện trợ liên tục cho Ukraine đã khiến ông Biden trở thành tổng thống Mỹ nổi bật nhất trong việc giải quyết các vấn đề xuyên Đại Tây Dương, kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Thắt chặt quan hệ đồng minh truyền thống

Sáng 10-7, Tổng thống Biden đã đến số 10 Phố Downing, London (Anh) và có cuộc trò chuyện ngắn với Thủ tướng Anh Rishi Sunak. “Mối quan hệ của chúng tôi rất vững chắc” - ông Biden nói với các phóng viên.

Cuộc chiến ở Ukraine là chủ đề thảo luận chính trong cuộc gặp của ông Biden với ông Sunak. Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về tiến trình phản công của Ukraine.

Người phát ngôn của thủ tướng Anh cho biết hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các đồng minh cung cấp sự hỗ trợ cho Ukraine. Theo người phát ngôn, ông Biden và ông Sunak cũng nhất trí về việc hỗ trợ Thụy Điển có thể nhanh chóng gia nhập NATO.

Nhà Trắng cho biết trong cuộc gặp, ông Biden và ông Sunak cũng đã thảo luận về vấn đề hợp tác kinh tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden duyệt đội danh dự với Vua Charles III. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden duyệt đội danh dự với Vua Charles III. Ảnh: AP

Vào chiều 10-7, Tổng thống Biden đã gặp Vua Charles III tại Lâu đài Windsor. Sau cuộc trò chuyện riêng, Tổng thống Biden và Vua Charles III đã gặp một nhóm các nhà đầu tư và nhà từ thiện để thảo luận về vấn đề biến đổi khí hậu.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Biden với Vua Charles III kể từ sau lễ đăng quang của nhà vua. CNN mô tả cuộc gặp đã diễn ra trong bầu không khí thân thiện và những cử chỉ của ông Biden là "biểu tượng tuyệt vời của sự ấm áp và tình cảm".

CNN đánh giá cuộc gặp đã góp phần cũng cố “mối quan hệ đặc biệt” giữa Anh và Mỹ, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO.

Đóng góp vào quyết định bất ngờ của Thổ Nhĩ Kỳ

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý hỗ trợ Thụy Điển gia nhập NATO là một động thái quan trọng và đáng chú ý trước thềm hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này ở Lithuania. Trước khi thông tin này được đưa ra, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã thẳng thắn tuyên bố quá trình gia nhập NATO của Thụy Điển chỉ diễn ra khi các cuộc đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên minh châu Âu (EU) được nối lại.

Giới quan sát nhận xét nếu Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, uy tín của Tổng thống Biden sẽ được nâng lên, do ông là nhà lãnh đạo Mỹ - người có đóng góp lớn trong quá trình củng cố và mở rộng liên minh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) bắt tay Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, với sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Vilnius, Lithuania hôm 10-7. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) bắt tay Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, với sự chứng kiến của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tại Vilnius, Lithuania hôm 10-7. Ảnh: REUTERS

Sự thay đổi quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra sau cuộc điện đàm giữa ông Biden và ông Erdogan vào ngày 9-7. Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm, ông Biden bày tỏ mong muốn kết nạp Thụy Điển vào NATO “càng sớm càng tốt”.

Tạp chí Time dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết ông Biden đã dành 45 phút điện đàm với ông Erdogan. Trong cuộc nói chuyện nhà lãnh đạo nước Mỹ đã liệt kê những nỗ lực mà Thụy Điển đã thực hiện để đáp ứng các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, kể từ khi các nhà lãnh đạo của hai nước gặp nhau ở Madrid (Tây Ban Nha) cách đây một năm.

Trong cuộc thảo luận, ông Biden cho biết ông đã nói chuyện với các thượng nghị sĩ Mỹ về việc cung cấp máy bay F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh từ lâu, ông đã công khai ủng hộ việc Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng để trở thành thành viên của EU.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng sự thay đổi quan điểm của Thổ Nhĩ Kỳ là sản phẩm của nhiều tháng ngoại giao. “Đây không phải là cuộc đàm phán mới, mà là thực hiện những điều mà chúng tôi đã đồng ý tại Madrid vào một năm trước” - ông Stoltenberg nói.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ - ông Jake Sullivan đồng tình thỏa thuận này được đưa ra sau các cuộc đàm phán giữa NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra Mỹ đã góp phần đưa đến kết quả này.

Ông Sullivan cho rằng nội dung thảo luận trong cuộc gặp của Tổng thống Biden với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson vào tuần trước ít nhiều có ảnh hưởng đến con đường gia nhập NATO của Thụy Điển.

Trước khi cuộc họp thượng đỉnh của NATO ở thủ đô Vilnius (Lithuania) bắt đầu, ông Sullivan nói với các phóng viên: “Chúng ta đang bước vào hội nghị thượng đỉnh với tâm trạng tràn đầy hứng khởi”.

Ông Sullivan cho biết: “Cứ sau vài tháng, các câu hỏi về việc liệu phương Tây có thể kết hợp với nhau không, NATO có thể gắn bó với nhau không lại nổi lên. Mỗi khi các nước đồng minh tập hợp lại, câu hỏi đó lại được đặt ra. Và mỗi lần tập hợp lại, các nước đồng minh đều trả lời một cách mạnh mẽ và dứt khoát: Có, chúng tôi có thể”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hội đàm song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Lithuania) vào ngày 11-7. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hội đàm song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Lithuania) vào ngày 11-7. Ảnh: AFP

Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mỹ - ông Chuck Schumer ca ngợi việc ông Biden đã góp phần tháo gỡ bế tắc trong quá trình gia nhập NATO của Thụy Điển. Ông Schumer gọi ông Biden là một chuyên gia về chính sách đối ngoại.

“Ông ấy thực sự nắm bắt được nó, xử lý nó và xử lý rất hiệu quả. Và đây là một chiến thắng cho nước Mỹ, cho phương Tây, cho tự do và cho Tổng thống Biden” - ông Schumer nói.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Erdogan hôm 11-7, Tổng thống Biden cũng gửi lời chúc mừng ông Erdogan về thỏa thuận đạt được với thủ tướng Thụy Điển.

Theo Nhà Trắng, tại cuộc gặp, các nhà lãnh đạo "thảo luận về nỗ lực tăng cường hợp tác song phương, thảo luận về các vấn đề khu vực liên quan đến lợi ích chung, bao gồm sự hỗ trợ lâu dài đối với Ukraine và tầm quan trọng của việc duy trì ổn định ở biển Aegean”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm