Thông tư này mặc dù ngày 15-1-2018 mới có hiệu lực nhưng đã làm “tốn giấy mực” theo nhiều nghĩa và xới lên những nghi ngờ về chất lượng soạn thảo VBQPPL.
Bởi không thể không nghi ngờ khi cứ mỗi năm Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp lại thống kê được hàng trăm văn bản trái luật, vi hiến, sai sót…, trong đó có những cái đã… “kịp đi vào cuộc sống”.
Thông tư 45/2017 cũng có thể là một “kỷ niệm buồn” với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi ông vừa được Quốc hội phê chuẩn cách đây mấy chục ngày. Trong tay ông, có thể đây là một trong những VBQPPL đầu tiên mà ông ký với cương vị bộ trưởng.
Thông tư này có sai sót khi đã không liệt kê những giấy tờ khác chứng minh nhân thân hợp pháp của công dân khi làm thủ tục lên máy bay như đã được chỉ ra. Và dĩ nhiên, Bộ GTVT đã rất cầu thị khi hứa sẽ “đính chính” trước khi thông tư có hiệu lực. Còn việc xử lý trách nhiệm, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không, Vụ Vận tải và Vụ Pháp chế kiểm điểm trách nhiệm trong quá trình soạn thảo, trình văn bản và báo cáo kết quả sớm nhất về Bộ.
Tuy nhiên, sự việc hẳn không chỉ đơn giản như vậy!
Bởi để đảm bảo các VBQPPL được ban hành chuẩn chỉnh, không vi hiến, trái luật, có tính khả thi… thì Quốc hội đã ban hành Luật Ban hành VBQPPL.
Luật Ban hành VBQPPL 2015 đã quy định tường minh việc lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, tổ chức khác, các chuyên gia, nhà khoa học…
Chẳng những vậy, quy trình thẩm định dự thảo thông tư cũng đã được luật hóa. Thậm chí nếu xét tới Thông tư 45/2017, theo luật, là thông tư lại có quy định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của người dân, doanh nghiệp… thì còn phải thành lập hội đồng tư vấn thẩm định.
Sau các bước vô cùng chặt chẽ ấy, hồ sơ dự thảo thông tư mới được trình lên bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Nếu còn ý kiến khác nhau thì các cơ quan liên quan phải thống nhất, hoàn thiện, chỉnh lý để bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ xem xét, ký ban hành thông tư.
Bởi vậy cho nên giải thích của Cục Hàng không cho rằng Thông tư 45/2017 sai sót là do “lỗi đánh máy” có vẻ rất khiên cưỡng. Những sai sót trong Thông tư 45/2017 khiến Bộ GTVT đang phải tính chuyện điều chỉnh là những sai sót về nội dung chứ không phải là hình thức. Nguyên nhân chỉ có thể là: Hoặc trình tự ban hành VBQPPL đã không được tuân thủ nghiêm chỉnh, hoặc năng lực dự thảo VBQPPL thật sự có vấn đề.
Hơn nữa, liệu Bộ GTVT “đính chính” thông tư là lập tức hoàn thành trách nhiệm? Chuyện cũng không đơn giản như vậy! Vì thông tư đã được chính thức ban hành. Vả lại, Luật Ban hành VBQPPL nói rõ: “VBQPPL chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng VBQPPL của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền”.
Như vậy, hệ quả tất yếu là: Việc “điều chỉnh” mà Bộ GTVT đang thực hiện sẽ không thể khắc phục hợp pháp được những sai sót của Thông tư 45/2017. Việc “điều chỉnh” ấy sẽ không gì khác hơn là dùng cái sai này để sửa cái sai khác. Cái gọi là “điều chỉnh” ấy phải được thực hiện bằng một VBQPPL của bộ này. Cũng rất may, thông tư này đã không sai sót quá mức đến độ Thủ tướng phải bãi bỏ như được quy định tại Điều 165 Luật Ban hành VBQPPL.
Nhưng chưa hết, một việc “cực chẳng đã” là quy trách nhiệm, thi hành kỷ luật. Luật Ban hành VBQPPL cũng đã quy định rõ: “Người đứng đầu… phải chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành nhiệm vụ và tùy theo mức độ mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp dự thảo văn bản không bảo đảm về chất lượng”.
Tất cả điều đã phân tích, dẫn giải trên đây để nói rằng: Sẽ thực sự cầu thị và hợp pháp nếu bộ trưởng Bộ GTVT ban hành càng sớm càng tốt một thông tư sửa đổi Thông tư 45 chưa ráo mực. Đồng thời, thực hiện chế độ trách nhiệm một cách nghiêm minh. Còn “ông đánh máy” không thể thay bộ trưởng chịu trách nhiệm được.
Chỉ có điều đây có được coi là bài học cho các cơ quan khi ban hành VBQPPL hay không lại là điều nên bàn tiếp.