Tôi đã được nghe kể lại cuộc đời ông, hành trình đi từ một sinh viên y khoa trở thành kiến trúc sư hàng đầu Việt Nam trước năm 1975…
Cũng như nhiều bạn học người Huế cùng lớp, ông Trần Đình Quyền vào Sài Gòn chỉ với một mục đích: Thi vào trường y để thành bác sĩ. Trở thành sinh viên y khoa năm thứ nhất, khi tham gia mổ các động vật nhỏ, ông vô cùng sợ hãi. thầy giáo lắc đầu nói: “Con vật mà em còn sợ hãi, sau này sao em có thể mổ một con người”. Về suy nghĩ lại, ông mới nhận ra mình không thích hợp với nghề y mà là kiến trúc. Vậy là ông thuyết phục gia đình để thi vào Trường ĐH Kiến trúc Sài Gòn.
Đi tham quan thành ra du học
Năm 1960, sau khi ông ra trường hai năm, UNICEF cùng với Bộ Y tế của chính quyền Sài Gòn có một học bổng tham quan các bệnh viện (BV) tại Mỹ trong sáu tháng để nâng cao kỹ năng thiết kế BV, ông mạnh dạn nộp đơn vì nghĩ thiết kế BV cũng là một cách đến với ngành y nhưng theo hướng khác. Ông không hy vọng nhiều vì có quá nhiều ứng viên xuất sắc khác và không ngờ đã được chọn. Để được tham gia chuyến tham quan, Bộ Y tế đặt điều kiện ông Quyền sau chuyến đi phải làm việc cho họ trong 10 năm.
Sau khi tham quan được một tháng, UNICEF mời ông lên hỏi thăm kết quả bước đầu có học hỏi được gì để mang về Việt Nam áp dụng hay không, ông thản nhiên đáp: “Những gì tôi học được ở Mỹ chỉ là con số không. Bởi vì tôi thấy hệ thống BV của Mỹ quá tốt, quá hiện đại và quá khác biệt để có thể áp dụng vào điều kiện Việt Nam”.
Họ hỏi lại: “Ý của ông muốn được đào tạo nhiều hơn về cơ bản để áp dụng phù hợp hơn? Chúng tôi sẽ cố gắng tìm giải pháp tốt nhất”.
Giống như chuyện Tái ông thất mã, ông Quyền trong rủi có may. Trong khi đến tham quan một BV, ông bị ngã gãy chân khi chỉ cách có vài trăm mét. Trong khi họ chờ ông ở cửa trước thì ông vào BV bằng… cửa cấp cứu. Nhưng cũng nhờ vậy mà trong quá trình điều trị tại đây, ông đã tìm hiểu BV được mọi thứ rất rõ từ bên trong, dưới vai trò một bệnh nhân chứ không phải một người tham quan nhìn từ bên ngoài.
Khi chân ông lành, UNICEF thông báo họ đã cấp cho ông một học bổng hai năm để lấy bằng master về kiến trúc tại ĐH danh tiếng Columbia, New York, vì ở đó có chuyên khoa thiết kế BV. Với học phí 20.000 USD mỗi năm, một số tiền rất lớn thời điểm đó, đây là ngôi trường không dễ nuốt với những người kém chuyên môn theo học.
KTS Trần Đình Quyền bên tranh sơn mài BV Thống Nhất (Vì Dân cũ). Ảnh: PTG
Phong cách… Trần Đình Quyền
Áp dụng những gì đã học ở một đất nước phát triển, khí hậu ôn đới để phù hợp với một đất nước trong tình trạng chiến tranh, nghèo đói và khí hậu nhiệt đới là bài toán không đơn giản.
Ông phân tích: “Hệ thống BV của Pháp xây dựng tại Việt Nam đã lạc hậu nhiều. Đặc trưng của các BV này, lấy ví dụ như BV Nhi đồng 2, là kết cấu phân tán. Các khu chữa bệnh thành từng khối rải rác khắp nơi được nối với nhau bằng những hành lang có mái che, khu bác sĩ, y tá riêng biệt với bệnh nhân. Thuốc men, vật phẩm y tế, thức ăn được chuyển đến bệnh nhân rất lâu, bệnh nhân muốn khám tổng quát phải đi một vòng các khoa giống như… tham quan luôn cả BV, vô cùng bất tiện”.
Cũng theo ông Quyền, hệ thống BV Mỹ hay hơn nhiều. Họ tập trung thành từng khối gần nhau, bác sĩ, y tá đến với bệnh nhân rất gần, họ lập luận đội ngũ y tế di chuyển càng ít, bệnh nhân càng được phục vụ chu đáo hơn. Thức ăn từ nhà bếp tầng dưới được thang máy chuyển lên tầng trên tỏa ra các phòng. Một bệnh nhân nhập viện được 7-8 bác sĩ các khoa khác nhau cùng tập trung lại khám, cho ra kết luận sớm nhất để điều trị ngay…
Tuy nhiên, vấn đề là BV kiểu Mỹ liền khối nên kín mít, sử dụng ánh sáng đèn và dùng máy lạnh 100%. Việt Nam mà áp dụng có khi không trả nổi tiền điện. Ông Quyền vẫn giữ nguyên hệ thống dây chuyền như của Mỹ nhưng thiết kế hợp khối, các khối nhà riêng biệt nhưng vẫn nối với nhau nhằm tạo sự thông thoáng và tận dụng toàn bộ ánh sáng trời. Để đối phó với nắng nóng miền Nam, ông tránh hướng Tây, tạo rất nhiều khoảng không gian lớn hứng gió, dùng nhiều bông gió lấy gió nhưng vẫn cản nắng. Ông đặt nhà vệ sinh ra phía ngoài để tạo nên vùng đệm cho các phòng bệnh bên trong… Nhờ vậy các BV mà ông đã thiết kế như Gia Định, Sùng Chính (nay là Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình), Vì Dân (nay là Thống Nhất), BV đa khoa Huế… đều rất thoáng mát, sáng, không có mùi của BV.
Ông đã tạo nên một phong cách rất riêng trong thiết kế BV trong giới kiến trúc sư (KTS) tại miền Nam lúc đó.
Vì Dân… không dễ
Nhờ danh tiếng khi tốt nghiệp ĐH Columbia và qua những công trình đã thực hiện được, ông Quyền được bà Mai Anh, phu nhân của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, mời thiết kế cho BV Vì Dân do Hội Phụ nữ mà bà làm chủ tịch chủ trương.
Đây là BV được xây bằng tiền quyên góp từ thiện, ngay từ khi bắt đầu vẫn chưa có đủ tiền nên cứ làm tới đâu vận động ngân quỹ tới đó. Bản thân mặt bằng cũng không ổn định, ban đầu dự định xây tại An Đông nhưng do xung đột phe nhóm, phe tướng Nguyễn Cao Kỳ đã cho quân chiếm mất nên sau cùng dời lên xây tại ngã tư Bảy Hiền như hiện tại.
Ngay cả khi thiết kế của ông Quyền đã được duyệt, một nhóm KTS người Mỹ đến gặp bà Mai Anh xin nhận thiết kế và xây dựng toàn bộ BV, đổi lại một Hội thánh Tin Lành ở Mỹ sẽ tài trợ 1.200.000 USD tiền xây BV. Nhóm KTS này tìm mọi cách chê bai thiết kế của ông Quyền trước mặt bà Mai Anh và bộ phận tham mưu để giành thầu. Sau khi trả lời hết các câu hỏi vặn vẹo của họ, ông Quyền mới nói: “Tôi nghĩ ở đây nên có hai đồ án thiết kế của tôi và các ông để so sánh và đối chiếu. Còn như thế này thật không công bằng…”.
Rồi ông bỏ đi về, sau đó ông gặp bà Mai Anh, nói: “Thưa bà, tôi xin rút. Không phải vì tôi e ngại gì họ, mà bởi vì nếu họ làm thì ngân quỹ có thêm hơn 1 triệu USD trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay”.
Ông không biết chuyện hậu trường diễn biến thế nào nhưng ít lâu sau bà Mai Anh gọi ông làm tiếp và giải thích ngắn gọn: “BV của Hội Phụ nữ một quốc gia mà lại để cho người ngoại quốc làm thì không ra sao”.
Ít ai biết rằng BV trông to đẹp như vậy lại xây từ đủ thứ nguyên vật liệu khác nhau, đầu thừa đuôi thẹo, do người ta xây dựng công trình thừa vật liệu nào lại mang đến tặng, một công ty Nhật qua triển lãm vật liệu xây dựng, khi về nước đem hết hàng mẫu đến tặng… ngày nào ông cũng phải có mặt để giải quyết từ những chuyện nhỏ như vậy.
Ngày khánh thành, Tổng trưởng Y tế Nguyễn Lữ Y đã khoác vai ông nói: “Moa đã đánh giá sai toa, BV Gia Định bây giờ không thể sánh được với Vì Dân”. Nguyên trước đây ông Y nhờ ông Quyền thiết kế sơ bộ BV Gia Định nhưng lại cho rằng ông còn trẻ, chưa đủ kinh nghiệm lãnh trọng trách nên sau đó giao cho một văn phòng KTS tư vấn thiết kế triển khai.
Nhưng điều ông Quyền vui nhất là sau đó đại diện UNICEF đã báo cáo về trụ sở tại Mỹ rằng công trình BV Vì Dân cho thấy người Việt Nam đủ sức thiết kế và xây dựng các công trình lớn từ đầu đến cuối, sau này các công trình lớn của UNICEF tài trợ tại Nam Việt Nam nên giao cho người Việt Nam sẽ giảm rất nhiều chi phí.
Sau năm 1975, ông Quyền vẫn ở lại Việt Nam, cuộc sống ban đầu khó khăn, ông bị nhiều người đe nẹt vì hai “tội”: Đi học bên Mỹ và xây BV cho bà Thiệu. Nhờ bí thư Thành ủy lúc đó là ông Võ Văn Kiệt tạo điều kiện, ông sinh hoạt ở Hội trí thức yêu nước, tham gia nhóm KTS gồm các KTS miền Nam giúp cho miền Tây. Ông Kiệt cũng vận động ông ra Nghệ Tĩnh thiết kế nhà văn hóa của tỉnh. Ông tham gia các công trình cải tạo BV Nhi đồng 1, Bình Dân, rồi thiết kế các BV Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi… Sau này ông tiếp tục thiết kế các BV tỉnh Long An, Cần Thơ, Phú Yên… Cả một đời KTS Trần Đình Quyền hầu như chỉ thiết kế BV trên khắp đất nước, ông xứng đáng với biệt danh “Chuyên gia thiết kế BV” mà bạn bè KTS đặt cho ông. |