Thay vì thử hạt nhân lần sáu như thế giới lo ngại, Triều Tiên kỷ niệm 85 năm thành lập quân đội 25-4 bằng cuộc tập trận pháo binh bắn đạn thật quy mô lớn. Nhiều khả năng cuộc tập trận này được thực hiện theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Yonhap cho biết.
Nhà Trắng thành “tổng hành dinh”
Triều Tiên rõ ràng đang là mối bận tâm lớn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tổng thống Trump và chính phủ Mỹ vừa có các động thái cho thấy Mỹ quyết không chịu thua và có vẻ như đang dồn tổng lực xử lý vấn đề Triều Tiên, cả từ ý chí nội bộ đến vận động ngoại giao nước ngoài. Và Nhà Trắng, chứ không phải Lầu Năm Góc, đang trở thành tổng hành dinh để giới lãnh đạo Mỹ bàn bạc chiến lược đối phó Triều Tiên.
Ngày 24-4, Tổng thống Trump đã mời đại sứ 15 nước thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc đến Nhà Trắng, trong đó có cả các đại sứ Nga và Trung Quốc. Tại cuộc gặp này, ông Trump đã kêu gọi HĐBA chuẩn bị sẵn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Ngày 26-4, Ngoại trưởng Tillerson cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ Joseph Dunford và toàn thể thành viên Thượng viện sẽ họp tại Nhà Trắng. Việc toàn bộ 100 thành viên Thượng viện đến Nhà Trắng tham dự một cuộc họp như thế này là một sự kiện rất hiếm khi xảy ra dưới các đời tổng thống Mỹ tiền nhiệm.
Cũng từ Nhà Trắng, ông Trump liên tiếp mở các cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước để bàn luận về “các thách thức an ninh khẩn cấp” từ Triều Tiên. Bên cạnh điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tổng thống Trump ngày 24-4 vừa qua cũng đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Tổng thống Mỹ Trump (giữa) tại cuộc gặp với đại sứ các nước thành viên HĐBA LHQ tại Nhà Trắng ngày 24-4. Ảnh: GETTY IMAGES
Vì sao Mỹ đứng ngồi không yên?
Không khí làm việc của giới lãnh đạo Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên là vô cùng khẩn trương. Ngày 28-4 tới, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng sẽ chủ trì một hội nghị bộ trưởng đặc biệt của HĐBA về Triều Tiên, bàn cách tối đa hóa hiệu quả của các lệnh trừng phạt hiện hành, cũng như thể hiện quyết tâm sẽ trừng trị thích đáng nếu Triều Tiên còn khiêu khích thêm nữa. Theo New York Times, đằng sau sự gấp rút xử lý vấn đề Triều Tiên của chính phủ Trump là một nỗi ám ảnh ngày một tiến gần đến thực tế: Triều Tiên sẽ sớm có khả năng cứ 6-7 tuần sản xuất được một quả bom hạt nhân. Các nghiên cứu và báo cáo tình báo này khiến chính phủ Mỹ đứng ngồi không yên.
Ông Trump và các phó tướng của mình phải chạy đua với thời gian vì Triều Tiên phát triển công nghệ và khả năng sản xuất vũ khí quá nhanh ngoài dự đoán. Hiện Triều Tiên có khoảng 1.000 tên lửa đạn đạo thuộc tám hay nhiều hơn biến thể. Theo GS Siegfried S. Hecker (Mỹ), cựu lãnh đạo trung tâm thí nghiệm vũ khí Los Alamos (Mỹ) từng được Triều Tiên cho phép tham quan các cơ sở hạt nhân của mình bảy lần, nếu không có gì thay đổi, kho vũ khí của Triều Tiên sẽ có 50 quả bom hạt nhân vào cuối nhiệm kỳ của ông Trump.
Nhiều quan chức Mỹ nói rằng Triều Tiên đã biết cách thu nhỏ đầu đạn hạt nhân cho vừa với các tên lửa tầm ngắn và tầm trung bắn tới Hàn Quốc và Nhật Bản, những nơi mà Mỹ đang có hàng ngàn quân đồn trú. Việc Triều Tiên đưa đầu đạn hạt nhân vào tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có thể bắn đến đất Mỹ có thể cũng chỉ cần 4-5 năm nữa là đạt được.
Thành công đến đâu?
Đội cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump đã phác thảo một chiến lược: Tối đa áp lực lên Triều Tiên, cả về quân sự và kinh tế nhằm phong tỏa các vụ thử hạt nhân, tên lửa cũng như giảm kho vũ khí của nước này. Sau đó lôi kéo Triều Tiên quay lại thương lượng với mục tiêu cao nhất là khiến nước này từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây là điều huyễn hoặc. Với nhà lãnh đạo Triều Tiên, vũ khí hạt nhân gắn liền với sự tồn tại Bình Nhưỡng. Theo họ, kết quả cao nhất của chiến lược này chỉ có thể là phong tỏa tạm thời chương trình hạt nhân hay cản trở, trì hoãn Triều Tiên thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân cho vừa với ICBM. Những nhận định này giải thích tại sao ông Trump sẽ rất khó hoàn thành cam kết “giải quyết vấn đề Triều Tiên”.
Mỹ tiếp tục phô trương sức mạnh Sáng 25-4, tàu ngầm hạt nhân USS Michigan lớp Ohio của Mỹ trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đã cập cảng Busan (Hàn Quốc). Tàu USS Michigan sau đó sẽ gia nhập đội tàu tấn công do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu, tập trận ở biển Nhật Bản. Về vị trí của đội tàu tấn công Mỹ, Fox News dẫn thông tin từ một số quan chức quốc phòng Mỹ cao cấp ngày 24-4 cho biết đội tàu này đang ở vùng biển phía Nam Nhật Bản và sẽ đến vùng biển bán đảo Triều Tiên trong vài ngày tới. Hai tàu khu trục Nhật ngày 24-4 đã tập trận với đội tàu tấn công Mỹ nhưng không công bố điểm dừng chân cuối cùng ở đâu. Hàn Quốc cũng đang tính toán tập trận chung với đội tàu này của Mỹ. Gặp nhau tại Nhật Bản ngày 25-4, ba đặc phái viên về Triều Tiên của Mỹ-Nhật-Hàn thống nhất ba nước sẽ mạnh tay hành động nếu Triều Tiên tiếp tục có các động thái mà họ cho là hiếu chiến. ____________________________________ “Triều Tiên là một mối đe dọa thật sự với thế giới, dù chúng ta có muốn nói về nó hay không. Mọi người đã bịt mắt trước vấn đề này hàng thập niên và giờ đã đến lúc phải giải quyết” - Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu cứng rắn trong cuộc gặp với 15 đại sứ HĐBA LHQ tại Nhà Trắng. |