Phải cấp phép cho thuốc bán online, đừng nên 'không quản được thì cấm'

(PLO)- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, đừng nên theo kiểu “không quản được thì cấm”…

Sáng 22-10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Góp ý vào dự luật, đại biểu (ĐB) Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bày tỏ đồng ý hoàn toàn với việc cho phép bán thuốc bằng giao dịch điện tử như trong dự thảo, bởi việc này đã và đang diễn ra.

ĐB dẫn chứng người mua thuốc chỉ cần gửi hình ảnh chụp đơn thuốc chuyên khoa qua Zalo đến cửa hàng, thuốc sẽ được ship đến người dân mà không gặp bất cứ khó khăn gì... Vì vậy cần quy định chặt chẽ và cụ thể hơn để quản lý.

“Theo tôi, đầu tiên cần khẳng định thuốc bán online phải được cấp phép lưu hành tại Việt Nam” – ĐB Hiếu nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, thuốc bán qua thương mại điện tử bao gồm thuốc không cần kê đơn (OTC) và thuốc theo đơn nhưng phải được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử (sổ khám bệnh và bệnh án điện tử).

ĐB cũng đề xuất nhà thuốc được bán online cũng cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y Tế ban hành và thẩm định, cấp phép. Do đó, nên bắt đầu thử nghiệm tại các nhà thuốc của bệnh viện đã được triển khai đầy đủ Bệnh án điện tử (EMR).

ĐB Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Ngay khi Luật Dược sửa đổi được thông qua, nếu Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn chắc chắn các bệnh viện sẽ triển khai được. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, hạn chế tình trạng lộn xộn như hiện nay, không còn tình trạng 'không quản được thì cấm'...!” - ĐB Hiếu nói thêm.

ĐB cũng đề xuất Luật cần quy định Bộ Y tế có đơn vị chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội; tiếp nhận thông tin kiểm tra tính chính xác hay giả mạo của thuốc quảng cáo. Chẳng hạn, những bác sĩ bị sử dụng hình ảnh để quảng cáo thuốc không đúng chất lượng nhưng không biết báo cho ai và làm cách nào để chấm dứt tình trạng này.

“Những thuốc quảng cáo sai không đúng sự thật cần công khai cho người dân biết, tra cứu trên các trang web và app (ứng dụng) của chính đơn vị này của Bộ Y tế. Có như vậy mới giảm dần tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng xã hội. Đồng thời, có cơ chế phối hợp giữa Bộ Y Tế, Cục quản lý thị trường Bộ Công Thương và Bộ Công An để xử lý các vi phạm về quảng cáo thuốc” – ĐB Hiếu đề nghị.

Tán thành với chính sách thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, tuy nhiên ĐB Hiếu cũng lưu ý ngành dược cần lượng sức mình. Bởi nếu không sẽ tạo ra các rào cản ngăn chặn, không cho thuốc của các hãng dược phẩm lớn vào Việt Nam, trong khi thuốc tương tự trong nước chưa đáp ứng được chất lượng tương đương.

“Trong khi đó, người dân vẫn phải dùng thuốc nước ngoài thì giá thuốc sẽ bị đẩy lên, thậm chí một số công ty dược lớn không nhập về Việt Nam nữa” – ĐB Hiếu cảnh báo và cho hay hiện một loạt kháng sinh loại tiêm truyền (như Augmentin, Fortum, Tienam, Cefobid, Sulperazone....) đã bị rút khỏi thị trường trong nước. Lý do là không cạnh tranh được về giá cả khi Việt Nam đưa các sản phẩm nội lên tương đương cùng nhóm để đấu thầu tập trung quốc gia.

ĐB Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu cũng cho hay hiện có một số thuốc hiếm, đặc trị… rất quan trọng chưa được đăng ký lưu hành trong nước do tỉ lệ dùng rất ít. Loại thuốc này trong lúc chờ nhập, đăng ký lưu hành rất mất thời gian nên người bệnh hầu như phải mua theo đường xách tay để dùng.

ĐB Hiếu đề nghị Luật cần quy định về “thuốc chuyên khoa đặc thù trong một số trường hợp xử lý cụ thể”. Điều này sẽ giúp các bệnh viện có thể mua trực tiếp từ hãng của nước ngoài hoặc Bộ Y tế có phương án mua tập trung cho cả nước, khi các bệnh viện có nhu cầu thì nhập từ Bộ Y tế.

Cuối cùng, việc “cấp visa” cho thuốc mới hiện nay vẫn phải xếp hàng có khi hàng năm trời. Như vậy người dân có thể sẽ bị thiệt, không được hưởng thành quả mới của khoa học.

ĐB cho hay, nhiều nước như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu đã có những thuốc lưu hành 5-6 năm nhưng muốn nhập vào Việt Nam thì vẫn phải chờ "cấp visa".

“Chúng ta cần có quy trình rõ ràng trong việc nhập thuốc đã được các nước trên thế giới công nhận qua các nghiên cứu và ứng dụng đại trà. Ví dụ, nếu thuốc đã được FDA Mỹ, Nhật cấp giấy phép và được bảo hiểm y tế của những nước đó chi trả cho người dân sử dụng, chúng ta có thể tiến hành thủ tục rút gọn, cho phép lưu hành tại Việt Nam” – ĐB Hiếu đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới