Phải triệt việc bán quân trang giả

Thời gian gần đây, nhiều địa phương xảy ra tình trạng đối tượng sử dụng quân phục giống của công an, quân đội để đi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân và du khách nước ngoài. Cuối tuần trước, Công an TP Biên Hòa đã cảnh báo người dân rằng trên địa bàn liên tiếp xảy ra các vụ giả danh.

Sáng 28-7, báo cáo với đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM, đại diện VKSND TP.HCM cho biết đáng chú ý là có nhiều vụ giả danh công an, cán bộ kiểm sát để đe dọa, chiếm đoạt tài sản công dân, ước tính ban đầu là 13 tỉ đồng.

Một trong những vấn đề góp phần vào tình trạng giả danh nói trên là việc mua bán quân trang giả. “Quân trang giả ở đâu mà có?”, bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM đặt vấn đề.

Phạm Văn Cường bị Công an xã Phước Tân, TP Biên Hòa phát hiện giả danh công an. Ảnh: TD

Cổng số 1 chợ Dân Sinh. (Ảnh chụp chiều 8-8). Ảnh: HTD

Tại TP.HCM, chợ Dân Sinh (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM) trước đây nổi tiếng là nơi buôn bán quân trang, quân dụng. Sáng 8-8, người viết tìm đến chợ này. Ngay trước cổng chợ có các biển thông báo với nội dung: Cấm bán hàng cấm, cấm bán hàng quân trang, quân dụng… Tuy nhiên, theo quan sát của PV, góc trên cùng của một vài sạp hàng trong chợ vẫn bày bán mũ của hải quân, cảnh sát biển.

Lấy lý do lỡ ủi áo làm cháy một góc nhỏ trên quân phục của anh trai nên muốn mua đền, “đắt bao nhiêu cũng mua miễn là hàng đẹp”, ban đầu phóng viên nhận được những cái lắc đầu “đó là hàng cấm, ở đây không bán”.

Nhưng sau đó, vài người hỏi bâng quơ: “Ai chỉ vào đây? Xe ôm hả, nói tên với số của ổng đi… Thôi, lên chợ T. mà mua, ở đây không bán”.

Sau đó, ở quán nước gần khu vực cổng chợ, một phụ nữ trạc ngoài 60 tuổi mang theo một cái bị lớn đi đến. Bà này mở cái bị lớn ra, trong đó có khoảng bốn, năm bộ quân phục màu xanh lá, ba bộ quân phục trắng. Tôi ngỏ ý muốn xem hàng. Bà ra giá: “Mua cái áo thì 100.000 đồng, còn cả bộ là 150.000 đồng. Vào chợ, bộ này phải 400.000-500.000 đồng mà có nhiều tiền chưa chắc đã mua được, trong đó chỉ bán cho người quen thôi”.

Một thanh niên khác cũng tỏ ý muốn mua. Bỗng người phụ nữ ngó quanh quất rồi xua tay: “Tôi đùa thôi, đi sửa áo cho người ta, giờ mang đi trả”, đoạn gấp bọc đồ lại, bước nhanh. Chủ quán nước hỏi: “Muốn mua cái áo thật hả?”, tôi gật đầu. Anh này rút điện thoại gọi, 10 phút sau, bà ta quay lại quán nhưng thấy tôi thì cười: “Tôi đùa ấy mà, đùa thôi” rồi lại đi mất.

Chiều 8-8, phóng viên liên hệ với UBND phường Nguyễn Thái Bình, quận 1. Tuy nhiên, lãnh đạo phường đang bận họp và đề nghị phóng viên để lại câu hỏi, số điện thoại, sẽ hồi đáp sau.

Ngoài chợ Dân Sinh, lên các trang mạng xã hội, không khó để tìm thấy những Facebook cá nhân hoặc shop rao bán hàng trang phục của công an, quân đội như Quân Phục Nhà Binh, Shop lính và thời trang lính…

Nếu tình trạng mua bán quân trang như nói trên vẫn tồn tại thì không thể ngăn chặn tình trạng giả danh công an, sĩ quan quân đội.

Luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Đoàn Luật sư TP Hà Nội:

Cấm bán quân trang

Theo danh mục hàng hóa cấm kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định số 59 ngày 12-6-2006 của Chính phủ thì quân trang (bao gồm cả phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an) là hàng hóa cấm kinh doanh.

Hành vi mua bán phù hiệu, cấp hiệu, quân hiệu của quân đội, công an sẽ bị xử lý. Cụ thể, Điều 10 Nghị định số 185/2013 quy định hành vi buôn bán hàng cấm sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 100 triệu đồng tùy giá trị hàng hóa vi phạm.

Đối với những kẻ mua quân trang của công an, bộ đội để sử dụng vào mục đích chiếm đoạt tài sản thì tùy thuộc vào hành vi cụ thể mà có thể xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội cưỡng đoạt tài sản…

Báo động nạn giả danh công an

Tối 19-7, tổ tuần tra Công an xã Phước Tân, TP Biên Hòa phát hiện Phạm Văn Cường (ngụ xã Hóa An, TP Biên Hòa) và Đinh Văn Thơi (quê Đắk Lắk) giả danh công an kiểm tra người đi đường để chiếm đoạt tiền, xe máy. Công an thu giữ được quân phục, còng số 8, dùi cui điện, bình xịt hơi cay và một đèn pin mà lực lượng công an hay dùng.

Trước đó, cũng tại Biên Hòa, công an phát hiện Nguyễn Hoàng Hưng (ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương) tàng trữ một bịch ma túy tổng hợp. Hưng xưng là cảnh sát cơ động của Bộ Công an. Khám xét phòng ở của Hưng, công an thu giữ một bộ quân phục công an, cầu vai, bảng tên…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới