Phải trừ nạn trục lợi nơi cửa Phật

Hiện tượng cúng sao giải hạn rộ lên, hàng ngàn người kéo đến các chùa có nhận làm dịch vụ, người trong chùa tự ý bày trò, ra giá, mặc cả thu tiền của người dân để giải hạn sao xấu làm xôn xao dư luận. Chuyện chưa qua thì chuyện “thỉnh vong” tại chùa Ba Vàng làm cho dư luận xã hội - nhất là những người theo đạo Phật chân chính - căm phẫn.

Những hành vi càn quấy của các cá nhân ở chùa Ba Vàng đang được công an vào cuộc điều tra làm rõ và xử lý nghiêm nhưng chúng ta cũng cần nhìn nhận, mổ xẻ nguyên nhân để kịp thời chấn chỉnh nạn núp bóng cửa Phật để trục lợi này.

Họ mặc áo cà sa, mượn không gian của chùa Ba Vàng rồi sử dụng các chiêu thức tâm lý để dụ dỗ, moi tiền của người dân qua cái gọi là “thỉnh vong báo oán”.

Từ bao giờ hiện tượng “thương mại hóa” diễn ra trong một số chùa? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần lần lại quá khứ. Trong lịch sử hàng ngàn năm, chùa Việt Nam dù ở Bắc, Trung hay Nam thì đều rất lành, tuyệt nhiên không dính dáng tới tiền bạc. Các chùa thường được người dân làng đóng góp xây dựng hoặc có vài vị quan, vài người khá giả tự nguyện xây chùa tích đức bất vụ lợi.

Các chùa truyền thống của người Việt thường nhỏ, ở nơi thanh tịnh, lẫn với cây xanh. Người dân đến chùa với tấm lòng thành kính, mộc mạc, còn các sư, sãi, chú tiểu sống nhờ vào ruộng mà làng dành riêng cho chùa và tấm lòng “của ít lòng nhiều” của dân làng. Nói chung, chùa là một phần gắn bó hữu cơ với đời sống dân cư, vì vậy người dân gọi là nhà chùa (coi chùa như nhà của mình).

Nhưng từ sau năm 1995, không biết bắt đầu từ ai, từ đâu mà nạn dịch làm ra các thứ vĩ đại, hoành tráng xuất hiện hà rầm trong xã hội rồi lan đến cửa Phật. Người ta không gọi đó là nhà chùa nữa mà thay vào đó là các quần thể, tổ hợp tâm linh ăn theo có diện tích hàng ngàn hecta, được phân ra thành các khu chức năng với các tòa nhà có kiến trúc pha tạp to lớn, chói mắt. Cùng với đó là những tượng Phật khổng lồ, to nhất, cao nhất, quý nhất Đông Nam Á, châu Á… được dựng lên.

Để chi phí cho một tổ hợp như thế, mỗi tháng người ta phải cần nhiều tỉ đồng để duy trì hoạt động, tức phải trang trải cho các loại dịch vụ điện, nước, vệ sinh, an ninh, cây xanh, duy tu công trình… Để có số tiền khổng lồ đó, các chùa không chỉ trông chờ vào tiền cúng của bá tánh, dù số tiền này cũng đã rất khủng rồi. Và rồi các loại hình dịch vụ kinh doanh nơi cửa Phật bắt đầu được đẻ ra. Lúc đầu chỉ là dịch vụ giữ xe, bán nhang đèn, nến, tràng hạt, trái cây; về sau một số người lợi dụng “cái linh” của chùa để buôn thần bán thánh. Họ biến các dịch vụ thành hoạt động thương mại chuyên nghiệp, có lớp lang, bài bản.

Điển hình như chùa Ba Vàng, người ta đã biết đầu tư vào việc tạo dựng hình ảnh, “thương hiệu” chuyên nghiệp thông qua truyền thông đa phương tiện. Họ lập hẳn tổng đài, làm hẳn kênh Facebook, YouTube, website, email... Chùa còn có tài khoản riêng, sử dụng rất hiệu quả công nghệ thông tin, smartphone, tờ rơi, lập ra các hội đoàn riêng của chùa như Câu lạc bộ Tuổi trẻ Ba Vàng, Câu lạc bộ Cúc vàng để gây thanh thế, mời chào bá tánh.

Tiến tới nữa, một số người đã ngang nhiên rao giảng để trục lợi như trường hợp bà Phạm Thị Yến, để thu tiền bá tánh. Họ mặc áo cà sa, mượn không gian của chùa, mang danh nghĩa Phật tử để dụ dỗ, sử dụng các chiêu thức tâm lý để moi tiền của người dân qua cái gọi là “thỉnh vong báo oán”.

Có thể nói việc núp bóng cửa Phật để kinh doanh, trục lợi là kiểu “làm ăn” hiệu quả, không một đồng vốn đầu tư mà lãi cực khủng, không phải khai báo, không phải đóng thuế, không tốn công sức mà chỉ mất ít nước bọt thuyết pháp cùng các thủ đoạn khác.

Đã đến lúc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần nghiêm túc đặt lại vấn đề rằng người dân có cần đến các tổ hợp dịch vụ thương mại du lịch khổng lồ đội lốt chùa chiền, mượn màu tâm linh như thế không? Có lẽ cần trả lại cho Phật giáo Việt Nam tinh thần và kiến trúc của chùa truyền thống giản dị, gần gũi, thanh tịnh đúng như mong muốn của người dân!

Đã đến lúc Nhà nước nên xem lại việc tách rời các loại dịch vụ thương mại-kinh doanh ra khỏi chùa chiền để trả lại nơi chốn tôn nghiêm, thanh tịnh cho chùa, để chùa chỉ lo về phần hồn, tránh xa các hoạt động bát nháo, xô bồ nhuốm đầy mùi tiền bạc. Và người dân cũng cần tăng cường hiểu biết để tỉnh táo phân biệt những giá trị đích thực của Phật giáo chân chính với những gì là sản phẩm bịa đặt mà nhiều kẻ đã lợi dụng tôn giáo để phủ dụ, lừa phỉnh. Nên nhớ rằng “Phật tại tâm”!

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...

Vụ án Trần Hùng và nguyên tắc suy đoán vô tội

Vụ án Trần Hùng và nguyên tắc suy đoán vô tội

(PLO)- Trong vụ án Trần Hùng có cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội; nếu chỉ chấp nhận chứng cứ buộc tội và bác bỏ chứng cứ gỡ tội thì liệu nguyên tắc suy đoán vô tội có được đảm bảo?!

Đại án Việt Á và 'của tin còn một chút này...'

Đại án Việt Á và 'của tin còn một chút này...'

(PLO)- Cuộc sống luôn có ngoại lệ. Việc bị cáo - cựu giám đốc CDC Bình Dương Nguyễn Thành Danh không nhận tiền cảm ơn từ Việt Á là một ngoại lệ khiến người ta nhớ đến câu “Của tin gọi một chút này làm ghi…”.

Mạng ảo nhưng 'sát thương' là thật!

Mạng ảo nhưng 'sát thương' là thật!

(PLO)- Nhiều trường hợp người bị tấn công trên mạng xã hội phải ngậm đắng nuốt cay, cắn răng chịu đựng và chọn cách im lặng để tự bảo vệ mình…

Thông qua Luật Đất đai: Thà chậm mà chắc!

Thông qua Luật Đất đai: Thà chậm mà chắc!

(PLO)- Việc thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) có thể chậm nhưng phải thật chắc, để đảm bảo rằng một khi Quốc hội đã bấm nút thông qua thì phải đáp ứng được kỳ vọng của Nhân dân.

Vi phạm nồng độ cồn: Hết đường xin xỏ!

Vi phạm nồng độ cồn: Hết đường xin xỏ!

(PLO)- Ngoài xử phạt hành chính, CSGT còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với cán bộ, đảng viên vi phạm nồng độ cồn để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, cơ quan...

Lộng ngôn trên mạng!

Lộng ngôn trên mạng!

(PLO)- Dùng mạng xã hội không khéo hoặc thiếu văn minh thì người dùng rất dễ trở thành “con tin” trước đám đông hoặc bị phạt tiền, bị tù tội.

‘Chung cư mini’ và khoảng trống pháp luật

‘Chung cư mini’ và khoảng trống pháp luật

(PLO)- Những căn hộ riêng lẻ “biến hoá” thành chung cư được phê duyệt an toàn PCCC công trình như nhà ở thông thường khiến cho sự an toàn của người sử dụng bị treo lơ lửng.