Phải xử lý nghiêm giáo viên đánh học sinh gãy ngón tay

(PLO)- Dù vô tình hay cố ý, việc giáo viên đánh học sinh gãy ngón tay phải xử lý nghiêm. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 12-10, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, đã thông tin các vấn đề liên quan vụ giáo viên đánh học sinh (HS) gãy ngón tay.

Theo ông Minh, việc cô giáo Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình, TP. HCM) đánh gãy xương ngón tay HS lớp 1 là một dư luận không tốt đối với ngành giáo dục.

“Về quan điểm của sở, dù vô tình hay cố ý thì hành động của cô giáo này cũng không đúng chuẩn mực trong môi trường sư phạm. Sở đã yêu cầu Phòng Giáo dục và đào tạo quận Tân Bình phối hợp hiệu trưởng nhà trường xử lý nghiêm, tổ chức kiểm điểm và có hình thức kỷ luật trong khuôn khổ xử lý viên chức giáo dục” - ông Minh nhấn mạnh.

Theo ông Minh, sự việc đã diễn ra từ ngày 4-10, quá trình trao đổi và xử lý của nhà trường đã làm đúng theo quy trình. Tuy vậy, khi thông tin cho báo chí, thông tin dư luận giữa nhà trường với phụ huynh vẫn còn vài vấn đề chưa thông suốt.

ho-tan-minh.JPG
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM. Ảnh: THÀNH NHÂN

Ông Minh nói thêm: “Hiệu trưởng đã tiếp nhận sự việc và xử lý, đình chỉ công tác cô giáo theo quy định. Theo yêu cầu của phụ huynh, trường đã chuyển lớp cho HS để đảm bảo tâm lý cho em trong quá trình học tập. Trong hôm nay (12-10), trường cũng đã thành lập hội đồng kỷ luật để đánh giá, xem xét kiểm điểm, kỷ luật cô giáo này”.

Đại diện Sở GD&ĐT cho rằng quan điểm của sở là phải xử lý nghiêm, không để xảy ra sự việc tương tự trong môi trường sư phạm, phải xây dựng môi trường trường học hạnh phúc.

Theo đó, từ đầu năm học, sở đã ban hành kế hoạch xây dựng văn hóa học đường. Sở yêu cầu phía nhà trường và Phòng Giáo dục và đào tạo quận Tân Bình tuyên truyền, làm rõ, giải quyết các mâu thuẫn, làm việc với ban cha mẹ HS, hội đồng sư phạm. Từ đó có những biện pháp khắc phục, giải tỏa những căng thẳng cho giáo viên, phụ huynh và HS để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Như PLO đã đưa tin, chiều 4-10, khi đi học về, bé NTMK (HS lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình), con chị VTT bị đau tay.

Chị T cầm tay và quan sát lưng bàn tay bên phải của bé có hiện tượng sưng. Bé than đau nhức rất nhiều. Sau khi cha mẹ gặng hỏi, bé mới sợ sệt xác nhận nguyên nhân tay bị đau và sưng sau khi bị cô giáo chủ nhiệm NTS đánh bằng cây gõ nhạc cụ vào mu bàn tay lúc sáng 4-10 tại lớp học.

Sáng 5-10, gia đình đưa bé đi khám. Tại phòng khám, bé đã được chỉ định chụp X-Quang đối với bàn tay có dấu hiệu đau và sưng. Kết quả chụp X-Quang kết luận bé K bị gãy xương ở vị trí nền của xương đối ngón gần ngón 4 xương bàn tay phải.

Sau khi biết vụ việc, hiệu trưởng cùng các đoàn thể và cô giáo đã đến tận nhà thăm hỏi tình hình sức khoẻ của học sinh, nhận trách nhiệm về sự cố đáng tiếc nói trên.

Hiệu trưởng đã giải quyết chuyển lớp cho bé theo nguyện vọng của gia đình. Đồng thời tạm đình chỉ công tác đối với cô giáo có hành vi chưa chuẩn mực và báo cáo đầy đủ sự việc cho cơ quan quản lý. Trường đang xem xét thực hiện quy trình xử lý kỷ luật viên chức theo quy định, không bao che.

Hình thành quỹ lớp của ban đại diện cha mẹ học sinh là sai quy định

Về các vụ lạm thu tại trường học đầu năm học mới, quy định của Sở GD&ĐT đã hướng dẫn bằng văn bản và triển khai đến tất cả các cơ sở giáo dục trên địa bàn về những nội dung liên quan Nghị quyết 04. Cụ thể, về các khoản thu khác tại nhà trường phải có định danh, nghĩa là phải nằm trong 26 khoản thu theo Nghị quyết này, mức thu không được vượt quá quy định. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm về các nội dung này.

Tuy nhiên vừa qua, trong quá trình rà soát của Sở, các phòng giáo dục và ủy ban các quận huyện về việc hình thành quỹ lớp của ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) cho thấy quỹ này khi hình thành đã sai quy định. Không có định danh nội dung này trong quy định, vì vậy trách nhiệm của hiệu trưởng phải rà soát, chấn chỉnh, khắc phục lỗi sai.

Hiện vẫn còn một số ban đại diện CMHS chưa hiểu được Thông tư 05 và Thông tư 16. Sở đã gửi hướng dẫn cụ thể bằng văn bản, chỉ rõ những nội dung trong các thông tư. Nhà trường cần trao đổi lại với hội phụ huynh để có được sự thống nhất. Những gì thuộc về công trình tài trợ phải thực hiện theo thông tư 16. Ban đại diện CMHS chỉ có một quỹ là quỹ để hoạt động của ban này, không được hình thành những quỹ khác. Nhà trường phải chịu trách nhiệm trong các khoản thu tại trường.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm