Sau cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ, Thiếu úy Lữ Anh Dồi đã được xác định cơ bản đủ điều kiện công nhận liệt sĩ.
Nhiều tháng qua, từng bài viết về ông Dồi và hành trình nhọc nhằn của bà Mai (vợ ông) để minh oan, đòi quyền được phong liệt sĩ cho chồng đăng trên Pháp Luật TP.HCM đều được bạn đọc đón đợi. Có lúc hy vọng như đã tắt nhưng cuối cùng điều tốt đẹp đã đến.
Mừng rớt nước mắt
Hiếm có vụ nào về chuyện công nhận liệt sĩ cho một người đã mất gần 40 năm trước lại được dư luận quan tâm đến vậy. Ai cũng mừng rỡ, mừng đến phát khóc khi nhận được tin ông Dồi sẽ được phong liệt sĩ. Hàng loạt bình luận gửi về cho Pháp Luật TP.HCM chỉ để nói rằng “xin chúc mừng”, “quá tốt đẹp”, “quá vui sướng”, “chúng tôi ngưỡng mộ và tự hào”…
“Thời gian 38 năm đằng đẵng, rất mừng khi Chính phủ đã quyết liệt vào cuộc để trả lại lẽ công bằng cho sự hy sinh của anh” - độc giả Duy Sơn ngậm ngùi. Trong khi bạn Luận SG thì hào hứng: “Mừng cho anh, gia đình anh, cho những người biết và yêu quý anh!”; bạn Lê Hùng thì tán thưởng mạnh mẽ: “Phải, phải, như vậy mới phải chứ”…
Rất nhiều cung bậc cảm xúc, rất nhiều nước mắt, nụ cười muốn chia sẻ, tất cả đều đang phơi phới, hân hoan. Câu chuyện của người anh hùng quá khứ đến hôm nay vẫn sống động, dâng trào trong cộng đồng.
Bà Mai trước bàn thờ chồng là anh Lữ Anh Dồi và những bài báo đã tiếp sức. Ảnh: TRẦN VŨ
Khâm phục tình yêu sắt son
“Nhận tin lành, chị Mai mừng tủi chạy đến bàn thờ chồng, khẽ nói: “Anh Dồi, em đã làm được!””. Với ghi nhận này của Pháp Luật TP.HCM, bên cạnh niềm kính yêu dành cho anh Dồi, người ta còn vô cùng xúc động trước tấm chân tình của người vợ.
“38 năm lòng chị vẫn không đổi, vẫn mải miết đòi công bằng cho người chồng đã mất, người ta vì nhau đến như vậy là cùng” - bạn Nhật Minh xúc động.
“Mất rồi vẫn có thể yêu nhau chị ạ. Chúc mừng chị và gia đình, em không quen chị nhưng em đang muốn khóc vì tình yêu của chị” là chia sẻ chân thành của độc giả Phạm Huyền.
Hai chữ “liệt sĩ” dành cho ông Dồi hôm nay tréo ngoe thay lại là minh chứng cho tình yêu sống mãi của chị dành cho anh.
“Anh đã truyền lửa cho chúng tôi”
Con đường giành lại lẽ phải cho anh Dồi của gia đình, bạn bè, các luật sư, nhà báo… cũng dài và gian nan không kém gì quãng đời chiến đấu của anh. Sẽ không thể có kết quả này nếu không có sự hỗ trợ hết lòng của chính quyền tỉnh Minh Hải lúc bấy giờ và sự ra tay của báo chí hôm nay.
Độc giả Thành Trung nhận xét: “Khi cơ quan báo chí vào cuộc, công luận và dư luận lên tiếng mọi việc sẽ được sáng tỏ. Dù quá muộn nhưng sự hy sinh mất mát của anh đã được ghi nhận”.
Nhiều bạn đọc bày tỏ sự xúc động và cảm phục quyết tâm đeo bám vấn đề, đấu tranh tới cùng của báo chí. “Thật xúc động, quá gian nan, khâm phục các nhà báo và xin chúc mừng tất cả” là lời nhắn nhủ của các bạn đọc Lê Thị Hải Châu, Hoang Linh, Van Nguyen, Nguyễn Vương Hằng, Cong Nguyen…
“Câu chuyện của anh đã truyền lửa cho chúng tôi khiến không ai có thể ngồi yên. Cuối cùng anh đã không bị bỏ quên” - bạn Minh Tâm chia sẻ. Quyết tâm đến cùng và sự chung sức của nhiều người đã tạo ra sức mạnh thay đổi không chỉ số phận một người đã mất mà cả những người đang sống.
Chờ ngày chính thức công nhận liệt sĩ cho anh . “Cảm ơn Phó Thủ tướng đã giúp hương hồn của liệt sĩ siêu thoát” - Việt. . “Nếu cán bộ làm việc có trách nhiệm thì vụ việc công nhận liệt sĩ cho Lữ Anh Dồi không kéo dài đến mấy chục năm nay đâu” - Nguyễn Văn Ren. . “Qua cuộc họp của Chính phủ coi như 90 % anh được công nhận liệt sĩ, chỉ còn 10 % thuộc về tỉnh Cà Mau, không biết đến bao giờ mới chính thức. Mong!” - Giang Hoàng Nên. |