Phần nghị luận văn học trong kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM được điều chỉnh

(PLO)- Sở GD&ĐT TP.HCM đã có sự thay đổi về dạng đề thi nghị luận văn học của môn Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2024-2025.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-2, theo thông tin từ Sở GD&ĐT TP.HCM, Hội đồng bộ môn Ngữ văn THPT và THCS đã họp ngày 28-2 và thống nhất định hướng ôn tập cho học sinh thi vào lớp 10 môn Ngữ văn.

thi vào lớp 10
Học sinh lớp 9 Trường THCS An Lạc, Bình Tân tăng tốc ôn tập cho kỳ thi vào lớp 10. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Theo đó, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi vào lớp 10 không thay đổi, chỉ có điều chỉnh dạng đề phần nghị luận văn học.

Cấu trúc đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn gồm ba phần: Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm).

Đọc hiểu

Đối với phần đọc hiểu, các văn bản được chọn có thể là văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học,... Các câu hỏi được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong các câu hỏi đọc hiểu có một câu hỏi về tiếng Việt.

Đồng thời, lựa chọn các văn bản có nội phù hợp với lứa tuổi, gắn với tình hình thời sự,… để luyện tập các kĩ năng đọc hiểu: Phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; tìm các vấn đề tiếng Việt có trong văn bản; tập tóm tắt văn bản; nối kết văn bản đang đọc với văn bản khác liên quan, nối kết với thực tế cuộc sống, đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đặt ra trong văn bản; sáng tạo cách thể hiện khác, đề xuất giải pháp, đặt nhan đề mới,…

Khi trả lời các câu hỏi đọc hiểu, các em cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung. Thí sinh trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng không cần thiết.

Viết bài Nghị luận xã hội (khoảng 500 chữ).

Bài phải có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

Bài viết xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

Để làm tốt, thí sinh cần rèn luyện các thao tác lập luận, đặc biệt là thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận.

Thí sinh cần tránh việc thiếu thao tác lập luận (ví dụ thiếu giải thích về vấn đề bàn luận); vận dụng các thao tác lập luận chưa hiệu quả (dẫn chứng chưa sát với vấn đề, thiếu phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề, …) hoặc chưa rút ra được bài học cho bản thân thông qua việc bàn luận về vấn đề, các ý bàn luận chưa phong phú, chưa sâu sắc, còn sơ sài.

Viết bài văn Nghị luận văn học:

Ở phần này, học sinh được lựa chọn một trong hai đề để làm bài.

- Đề 1: Đề yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong sách giáo khoa. Từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân mình hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.

- Đề 2: Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu HS sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống ấy.

Trước đó, trong cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2024 được Sở GD&ĐT TP.HCM công bố vào tháng 12 năm 2023, phần nghị luận văn học, học sinh cũng được chọn lựa hai đề để làm bài:

Đề 1: Yêu cầu tự chọn một tác phẩm (hoặc đoạn trích) theo yêu cầu của đề, cảm nhận tác phẩm và chỉ ra ảnh hưởng, tác động đối với bản thân hoặc liên hệ đến tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.

Đề 2: Đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc để giải quyết tình huống ấy.

“Như vậy, cấu trúc dạng đề Nghị luận văn học đã có sự điều chỉnh. Đề 1 sẽ cho cụ thể một tác phẩm cụ thể trong sách giáo khoa mà học sinh đã học để phân tích. Trong khi đó, đề 2 đặt ra tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng một tác phẩm đã học để giải quyết” - ông Trần Tiến Thành, chuyên viên bộ môn Ngữ văn, Sở GD&ĐT TP.HCM nói.

Cũng theo ông Thành, sự thay đổi này không ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh. Bởi cấu trúc đề giữ nguyên, chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh trong việc ôn tập và đạt kết quả cao trong kỳ thi vào lớp 10.

Kỳ thi vào lớp 10 tại TP.HCM vẫn giữ ổn định như các năm trước. Thí sinh sẽ dự thi ba môn bắt buộc gồm Văn, Toán và Ngoại ngữ. Những thí sinh dự thi thêm môn chuyên, tích hợp sẽ thi thêm môn chuyên và tích hợp. Dự kiến giữa tháng 3, UBND TP.HCM sẽ ban hành kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, trong đó có thông tin về kỳ thi vào lớp 10.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm