8 giờ đêm, tại sân khấu Trung tâm Huế Xưa Huế Nay (cạnh cầu Đập Đá), những nghệ sĩ múa rối vẫn ngâm mình dưới nước miệt mài biểu diễn. Trên khán đài chỉ có… năm người khách. Anh Nguyễn Phi Tuấn, Giám đốc Nhà hát Múa rối cố đô Huế, cho biết dù khách có ít mấy anh vẫn cố gắng duy trì hoạt động vì đó là tâm huyết cả đời…
Định mệnh với… rối
Anh Tuấn kể năm 1990, tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Hà Nội, anh xách ba lô lên làm việc ở Đoàn nghệ thuật múa rối tỉnh Đắk Lắk. Do nghề này quá “mới” nên khi nhận việc anh rất lo. “Dù vậy, mỗi lần diễn tôi luôn muốn cháy hết mình với nghề. Vì rối là loại hình mà nhân vật không có hồn, người biểu diễn phải thổi hồn vào đó. Một con rối là một thế giới cực kỳ vô tư và phong phú, nó thả sức cho mình tưởng tượng, bay bổng… Ban đầu đến với rối là nhiệm vụ nhưng dần dần nó trở thành đam mê…”.
Tám năm sau, anh về làm trưởng phòng Nghiên cứu Nhà hát Cung đình Huế, dàn dựng các lễ hội Nam Giao, tế đàn xã tắc. “Nhưng niềm đam mê rối trong tôi không lúc nào ngớt, vậy là câu lạc bộ nghệ thuật rối Tuổi Thần Tiên ra đời. Một phần tôi muốn truyền tình yêu nghệ thuật truyền thống của cha ông đến với mọi người. Thật vui, tôi nhận được sự chào đón nồng nhiệt của bạn bè, họ xem chương trình một cách say mê. Đặc biệt, lãnh đạo khách sạn Century (49 Lê Lợi, Huế) lúc đó hứa cho tôi thuê mặt bằng để xây dựng sân khấu nghệ thuật rối. Với những tình cảm đó cộng với suy nghĩ Huế có duyên với rối nước, năm 2007 tôi nghỉ việc rồi cùng một số bạn bè gom được 800 triệu đồng, xây sân khấu rối tại khách sạn Century” - anh Tuấn kể. Được biết ở thời điểm đó, đây là sân khấu rối tư nhân thứ hai của cả nước.
Năm 2007, Nhà hát Múa rối cố đô Huế ra đời trở thành đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp thứ hai trên cả nước hoạt động theo phương thức xã hội hóa, sau Nhà hát Múa rối Rồng Vàng, TP.HCM. Ảnh: VL
Tâm huyết với nghệ thuật rối, anh Nguyễn Phi Tuấn đã tìm mọi cách để rối nước sống được trên đất cố đô Huế đến ngày hôm nay. Ảnh: VL
Ở đây, anh Tuấn đưa hai loại hình múa rối nước và rối cạn vào biểu diễn. “Với rối nước, khách nước ngoài rất mê. Khi xem, họ không hiểu vì sao người ta có thể dàn dựng được những câu chuyện như vậy và sử dụng công nghệ gì để điều khiển rối. Đến phút chót, tấm màn bí mật hé mở, những diễn viên ngâm mình dưới nước cúi chào cảm ơn khán giả, khách rất bất ngờ và tỏ ra thích thú… Thêm nữa, đó là lần đầu Huế có một sân khấu vào ban đêm cho khách du lịch, nhất là khách nước ngoài… Tôi nhớ không nhầm năm đó sân khấu có trên 1.200 lượt khách, trong đó 90% là khách Nhật, Thái Lan, Pháp…” - anh Tuấn nhớ lại.
Tuy nhiên, mọi chuyện không suôn sẻ được như thế mãi. Cuối năm 2008, khách sạn Century “cải tổ” và không cho thuê mặt bằng nữa. 22 diễn viên múa rối đứng trước nguy cơ mất việc. Anh Tuấn làm công văn gửi UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế để xin hỗ trợ theo quy định của Nhà nước đối với nghệ thuật truyền thống. Mặt khác, khoản tiền 800 triệu đồng đầu tư lúc trước vẫn chưa thu hồi đủ. “Vì là đơn vị xã hội hóa nên tỉnh không hỗ trợ gì. Sau đó, các lãnh đạo mới nhận ra rằng Huế là thành phố du lịch nên không thể thiếu sân khấu nghệ thuật rối. Ngoài ra, các tour nổi tiếng đã đưa nghệ thuật rối vào sách cẩm nang du lịch và thực tế rối đã trở thành hoạt động giải trí lành mạnh, địa chỉ đến quen thuộc của người dân và du khách… Cuối cùng, tỉnh “chữa cháy” bằng cách cho chúng tôi thuê đất tại 2A Phan Bội Châu với giá 6 triệu đồng/tháng. Từ đó, nghệ thuật rối nước được xem như “con rơi” của tỉnh” - anh Tuấn trầm ngâm kể.
Trải bao lận đận vẫn cố giữ nghề
Để duy trì hoạt động, tạo việc làm cho anh em, anh Tuấn cầm giấy tờ nhà đất đi vay ngân hàng gần 500 triệu đồng dựng lại sân khấu. Nhưng do vị trí không thuận lợi, khách ghé rất ít. Có ông khách người Nhật cầm cẩm nang du lịch Huế đi tìm hai ngày không ra. Thế là đổi dời. Tháng 5-2014, anh Tuấn lại vay tiền ngân hàng, ký hợp đồng với Trung tâm Huế Xưa Huế Nay xây dựng sân khấu nổi trên sông Hương. “Sân khấu mới mở được hai, ba tháng, có đêm chỉ có 3-4 người xem. Nhưng chúng tôi đồng lòng sáng đèn hằng đêm để diễn. Anh em trong đoàn ai cũng “máu” nghề, đến giờ mà không diễn thấy “ngứa” lắm… Nhiều đêm không đủ tiền trả thù lao cho anh em, tôi bù lỗ… Ráng gồng để nó trở thành địa chỉ đến quen thuộc của khách trước đã”.
Với mơ ước nhân rộng và kéo khán giả về với nghệ thuật truyền thống, anh Tuấn đã mở sân khấu lưu động về các xã, huyện trong tỉnh nhưng lần nào đi cũng thất vọng trở về vì người xem rối rất ít. “Gần 20 lần diễn ở các huyện, lần nào cũng lỗ. Tôi cũng “máu” phục vụ bà con nhưng nhiều người không mặn mà với rối nước. Thanh niên giờ không ai bỏ tiền ra xem rối nữa. Tôi nghĩ đó cũng là số phận chung của nghệ thuật truyền thống hiện nay… Hiện khán giả của tôi chủ yếu là học sinh. Các em mê xem rối nước vì bên cạnh sự hài hước, nhí nhảnh trong câu chuyện, rối nước còn cho các em bài học cuộc sống về đạo đức, ứng xử…”.
Quay lại với sân khấu chính, anh Tuấn vẫn đang trăn trở vì không có một vị trí thuận lợi ở cố đô Huế để đoàn biểu diễn. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa có chính sách để giúp đỡ nghệ thuật truyền thống này. Nhiều lúc anh rất nản: “Nhưng nghĩ lại câu nói của cụ Nguyễn Du “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa…” nên tôi vẫn bám trụ để biểu diễn cho những người còn hào hứng…”.
VIẾT LONG
Nghề đòi hỏi phải có đam mê Hiện anh Tuấn vừa là đạo diễn, vừa là thầy giáo đào tạo nghề múa rối cho thế hệ trẻ. Học trò của anh chủ yếu là sinh viên Học viện Âm nhạc Huế và Trường CĐ Sư phạm Huế. Anh Tuấn cho biết: “Nghề múa rối nước là một nghề rất đặc thù, nó vừa khó vừa dễ nhưng cái quan trọng nhất là đam mê, không đam mê thì không thể làm được. Vì biểu diễn rối phải biểu diễn dưới nước, mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Bên cạnh đó, lương quá thấp, trung bình một diễn viên khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nên một khóa đào tạo của tôi có lúc gần 20 người nhưng khi đi vào thực tế thì những người yêu nghề thực sự mới trụ được, còn không sẽ rụng dần. Hiện đoàn có 25 người, trong đó có tám người được biên chế…”. |