Phản ứng có hại của thuốc ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, kinh tế

Tại hội thảo Cảnh giác dược và ứng dụng lâm sàng do Hội Dược học TP.HCM tổ chức (ngày 14-7), ThS Đỗ Văn Dũng, Phó Tổng Thư ký Hội Dược học TP.HCM, cho biết phản ứng có hại của thuốc xếp thứ 4-6 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Từ năm 2004-2006, các sai sót trong điều trị ở nước này đã làm cho hơn 238.000 trường hợp tử vong và chi phí chăm sóc y tế lên đến 8,8 tỉ USD. Ở Đức, chi phí y tế do tác hại của thuốc gây ra là 588 triệu USD/năm, ở Anh là 847 triệu USD/năm.

Theo ông Dũng, không có loại thuốc nào có tác dụng dược lý duy nhất và một số thuốc có thể gây nhiều phản ứng trên nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy có đến 19% bệnh nhân nằm viện sẽ gặp một tác dụng phụ có hại của thuốc, trong đó 70% phản ứng có hại của thuốc có thể phòng ngừa được. Chìa khóa cho quá trình an toàn thuốc là phải dự phòng và giám sát sử dụng thuốc.

PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng cảnh giác dược là một quy trình thường quy, phải có để giúp nhân viên y tế và bệnh nhân hiểu hết được các tác dụng của thuốc để phòng ngừa và cẩn trọng nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn.

Tại Việt Nam, thống kê từ năm 2003-2008 cho thấy mỗi năm ghi nhận 860-940 trường hợp bị phản ứng thuốc.

Ngày 16-7, khoa Cấp cứu BV quận 2 TP.HCM cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhi PCV (sáu tuổi, quận 9) bị dị ứng thuốc. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã tốt và cũng đã xuất viện.

Theo bệnh án, do bị đau bụng, ho nên gia đình ra nhà thuốc mua thuốc về cho em uống. Sau khi uống thuốc, bệnh nhi khó thở, toàn thân nổi ban đỏ và ngứa. Bệnh nhi được đưa đến BV quận 2 cấp cứu.

BS Nguyễn Mạnh Hùng, khoa Cấp cứu BV quận 2, cho biết bệnh nhi V. có khả năng bị dị ứng thuốc kháng sinh Cephalexin 500 mg. Đây là loại thuốc kê đơn, tuy nhiên các nhà thuốc thường bán cho người bệnh mà không cần đơn thuốc của bác sĩ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi con trẻ mắc bệnh, phụ huynh phải đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng. Đã có nhiều trường hợp tự mua thuốc về uống không chỉ bị dị ứng mà còn bị ngộ độc nặng.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới