Không ai chấp nhận việc bắt một con gấu phải run rẩy khai mình là con thỏ như chuyện tiếu lâm mang tính phản động trên mạng. Nhưng nếu cơ quan tố tụng vội “đầu hàng” trước vụ đưa và nhận hối lộ để nâng điểm thi ở Sơn La thì đó là chuyện khó chấp nhận. Đây không chỉ là thách thức nghề nghiệp của CQĐT Bộ Công an.
Làm sao để dân chúng tin được không có người đưa hối lộ, không có người môi giới hối lộ, không có người nhận hối lộ mà những “tác giả” của vụ nâng điểm - những bị can của vụ án - lại có thể “ói” ra những 1 tỉ đồng để nộp cho CQĐT? Mà những bị can này lại khai rõ đó là số tiền họ nhận của ông X, bà Y để nâng điểm cho con em của các ông bà này. Có ai trên thế gian này tin rằng không hề có người đưa tiền để các bị can nâng điểm nhưng các bị can này lại tự bỏ tiền túi, tiền nhà ra để nộp hay không?
Theo logic của cuộc đời, rõ ràng những câu hỏi có phần ngớ ngẩn trên phải được trả lời là “không”. Vậy chỉ còn lại một khả năng: Có người đưa tiền để con em họ được nâng điểm. Họ là ai?
Đầu tiên, họ - người ban đầu bỏ tiền ra để đưa, để “chạy” cho người có thẩm quyền, có khả năng thực hiện việc nâng điểm - phải là những người trong số những phụ huynh có con em được nâng điểm mà CQĐT đã có danh sách trong tay. Đó là vòng tròn “khoanh vùng” đầu tiên trong nghiệp vụ điều tra. Cái vòng tròn thít chặt hơn là tên tuổi mà những bị can trong vụ án đã khai ra, nhất là những bị can đã nộp tiền “chạy điểm” cho cơ quan tố tụng.
Họ đưa tiền bằng cách nào? Có thể có trăm phương ngàn kế nhưng kế nào đi nữa cũng chỉ có một trong hai con đường: Chuyển khoản hoặc đưa tiền mặt. Còn nếu họ không đưa-nhận tiền thì cũng có thể họ hứa hẹn chuyển giao động sản/bất động sản và có thể họ đã tiến hành các bước đầu tiền của “giao dịch” (vì lẽ thường là tiền có trao thì… điểm mới nâng). Hoặc giả, nếu phụ huynh là người có chức quyền to, có khả năng thăng chức hoặc tác động để người khác thăng chức cho người môi giới hoặc người trực tiếp nâng điểm, thì đây cũng là một phương thức đưa-nhận hối lộ mà BLHS đã quy định.
Các bị can trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La. Ảnh: TUYẾN PHAN
Nói tóm lại, phải có sự đổi chác kiểu “bánh ít đi, bánh quy lại” trong chuyện nâng điểm này. Và dù sự đổi chác được thỏa thuận dưới hình thức nào thì trong vụ này, chúng ta cơ bản thống nhất một điều: Người nâng điểm phải nhận được lợi ích vật chất hay phi vật chất nào đó mới chấp nhận “nhúng chàm” để nâng điểm cho… người đưa hối lộ. Bởi thói thường đã không thể nào có chuyện “tự ý nâng điểm trong sáng” thì càng không thể có chuyện khi bị khởi tố, các bị can tự ý bỏ tiền của gia đình họ ra để nộp khống cho CQĐT.
Nghĩa là chuyện đưa hối lộ và nhận hối lộ trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La (và Hà Giang, Hòa Bình) chắc chắn là có, không thể có khả năng “ngoài tầm hiểu biết” của dư luận xã hội. Đó cũng chính là lý do khiến VKSND tỉnh Sơn La khẳng định chắc nịch rằng: VKSND tỉnh Sơn La nhận định hành vi nhận tiền, thỏa thuận sẽ nhận tiền để sửa, nâng điểm cho các thí sinh của Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy có dấu hiệu của các tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Thế nhưng sau phần nhận định logic ấy, VKSND tỉnh Sơn La lại cho rằng: Tuy nhiên, kết quả điều tra cho thấy những người được cho là đưa tiền cho các bị can đều không thừa nhận đã thỏa thuận và đưa tiền. Ngoài lời khai của Nga, Sọn, Huynh, Thủy và số tiền đã nộp, không có tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh. Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nga, Sọn, Huynh, Thủy về tội nhận hối lộ và cũng không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp nêu trên về các tội đưa hối lộ và môi giới hối lộ.
Có thể các cơ quan tố tụng tỉnh Sơn La đã cố gắng hết sức, đã làm hết trách nhiệm nhưng vì “lực bất tòng tâm” nên mới phải “chốt hạ” phần nhận định khiến dư luận nổi sùng như thế. Có thể không có chuyện “áo mặc không qua khỏi đầu”, có thể Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La và VKSND tỉnh Sơn La không vì nể nang, né tránh, không vì áp lực nào của các cá nhân có chức quyền của tỉnh hay cao hơn nên mới “điều tra không ra”.
Vậy thì trong trường hợp này có thể nào Bộ Công an chịu thua?!
Chỉ cần qua vài khâu thủ tục tố tụng, Bộ Công an lấy hồ sơ vụ án lên để trực tiếp điều tra vụ án. Tôi tin với điều kiện, khả năng và quyết tâm của Bộ Công an, việc tìm ra chứng cứ thuyết phục để chứng minh và đề nghị truy tố những người đưa hối lộ, môi giới hối lộ và nhận hối lộ trong vụ này là điều không nằm ngoài khả năng của CQĐT trung ương.