Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Sẽ xem xét sửa đổi Luật BHXH

Chiều 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận trực tuyến tại hội trường về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 và việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020.

Người hưởng BHXH một ln gia tăng

Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) QH Nguyễn Ngọc Sơn nhận xét tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH có những kết quả vượt bậc nhưng vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm. Trong đó đáng lo ngại là số người hưởng BHXH một lần ngày càng tăng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển BHXH.

ĐB Sơn dẫn số liệu năm 2020 có 860.741 người hưởng BHXH một lần, tăng 53.652 người (tăng 6,65%) so với năm 2019. Trong đó, số tham gia BHXH tự nguyện hưởng BHXH một lần là 11.868 người, tăng 51,55% so với năm 2019. Đa phần người hưởng chế độ BHXH một lần (giai đoạn 2016-2020) tập trung ở độ tuổi từ trên 20 đến đủ 40 tuổi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (trái) giải trình và đại biểu Thạch Phước Bình
(Trà Vinh) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Theo ĐB Sơn, những con số này phản ánh một thực tế là đời sống, thu nhập của người lao động đang gặp khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài khiến họ phải rút phần tiền để dành cho quỹ hữu trí để tiêu dùng trong hiện tại. Dự báo có thể số người hưởng chế độ BHXH một lần sẽ tăng cao vào các năm tiếp theo.

“Việc nhận BHXH một lần đồng nghĩa với việc người lao động rời khỏi hệ thống an sinh xã hội và hầu hết sẽ không tích lũy đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu hoặc nếu đủ thì mức lương hưu cũng rất thấp vì thời gian đóng BHXH ngắn nên khi về già sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tạo áp lực lên xã hội và gia đình” - ĐB Sơn nói.

Theo ông, tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bản thân người lao động mà còn ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội của quốc gia.

Sửa luật để giảm lượng người hưởng BHXH một lần

ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần theo tinh thần Nghị quyết 28/2018 của Ban chấp hành Trung ương đề ra.

Trong đó hướng đến mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ… 

Cần tăng chi Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Tại phiên thảo luận, ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) nhấn mạnh đến tình trạng thất nghiệp gia tăng chóng mặt trước tác động của đại dịch COVID-19. Theo thống kê, có gần 80.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, 557.000 người mất việc, 4,1 triệu người tạm nghỉ sản xuất và dự kiến có khoảng 40 triệu lao động trong cả nước bị tác động tiêu cực.

“Mặc dù chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 tăng 9,3% nhưng con số kết dư vẫn còn cao (gần 90.000 tỉ đồng) khiến tôi rất băn khoăn, đặc biệt là đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất lớn đến người lao động và doanh nghiệp” - ĐB Bình nói.

Ông phân tích các khoản chi của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hai năm gần đây chủ yếu tập trung vào trợ cấp thất nghiệp, chi cho hỗ trợ học nghề, đào tạo, giới thiệu việc làm, đóng BHYT… cho người lao động còn thấp. Ông đề nghị cần phải tăng các khoản chi này vì “người lao động rất cần hỗ trợ để duy trì việc làm hoặc học nghề, tìm việc làm mới để vượt qua khó khăn” - ông Bình nói.

Bên cạnh đó, ĐB Bình cũng kiến nghị dùng số tiền kết dư của quỹ để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động theo hướng giảm mức đóng từ 1% xuống 0,5% theo quy định. Hỗ trợ doanh nghiệp vay để đóng quỹ với lãi suất 0%.

“Theo tính toán, nếu được vay đóng BHXH thì doanh nghiệp sẽ để dành được 10.000 tỉ đồng để phục vụ sản xuất, kinh doanh, chăm lo đời sống người lao động” - ông nói đồng thời kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét tạm dừng hoặc miễn đóng chi phí công đoàn từ nay đến năm 2024 cho các doanh nghiệp có 15% số lao động phải nghỉ việc trở lên…

   

Đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết thời gian tới Chính phủ và các cơ quan liên quan sẽ xem xét sửa đổi căn cơ Luật BHXH, Luật Việc làm để khắc phục hạn chế trong triển khai chính sách BHXH.

“Tới đây sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản mà ĐBQH vừa nêu như phát triển hệ thống BHXH đa tầng. Sửa đổi thời gian giảm đóng BHXH mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới có thể là 10 năm và phát triển nguyên tắc bảo hiểm theo hướng đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, phát triển bền vững. Điều chỉnh chính sách hưởng BHXH một lần…” - ông Dung nói.

Về kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Bộ trưởng Dung đề nghị QH giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sử dụng kết dư của các Quỹ BHXH ngắn hạn để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch và các yếu tố rủi ro khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm