Chủ tàu cá trắng tay sau bản án bị hủy

Ông Huỳnh Ngọc Sơn (SN 1952, ngụ phường 2, TP Mỹ Tho, Tiền Giang) trước đây từng là chủ tàu cá trị giá hàng tỉ đồng nhưng nay phải đi bán vé số dạo sống qua ngày.

Việc xui rủi đến với ông Sơn bắt đầu từ cơn bão Linda (còn gọi là cơn bão số 5) năm 1997. Lúc đó, chiếc tàu cá của gia đình đang đánh bắt ở khu vực đảo Hòn Khoai (Cà Mau) bị bão đánh chìm, may mắn là ông và các con còn sống sót trở về.

Mất nhà, mất tàu vì khoản vay

Đầu năm 1998, ông Sơn có đơn xin được vay tiền đóng mới tàu cá để tiếp tục ra khơi bám biển. Tháng 5-1998, ông Sơn được vay 1,3 tỉ đồng của Ngân hàng (NH) Thương mại cổ phần Công Thương Chi nhánh tại Tiền Giang (sau đây gọi tắt là NH). Tài sản thế chấp của ông Sơn là tàu cá hiệu Nhân Nghĩa TG - 91269 TS trị giá 1,5 tỉ đồng. Thời hạn cuối trả nợ thỏa thuận trong hợp đồng vay là ngày 30-5-2003.

Từ năm 1998 đến tháng 8-2002, ông Sơn đã trả cho NH gần 81 triệu đồng tiền lãi và 776 triệu đồng vốn gốc, chỉ còn nợ 524 triệu đồng. Đến thời điểm này, thực hiện chủ trương của Nhà nước thì ông Sơn sẽ được khoanh nợ, chỉ trả nợ gốc mà không tính lãi.

Đến đầu năm 2011, ông Sơn tiếp tục trả nợ gốc cho NH thêm 50 triệu đồng nữa (nợ gốc còn lại là 474 triệu đồng). Tháng 7-2011, NH khởi kiện ông Sơn ra tòa, yêu cầu phải trả hơn 1,6 tỉ đồng (gồm vốn gốc 474 triệu đồng và hơn 1,1 tỉ đồng tiền lãi do nợ quá hạn).

Suốt quá trình tố tụng, ông Sơn đều cho rằng việc NH đòi khoản lãi quá hạn là không đúng. Bởi ngày 24-10-2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 144 về một số biện pháp xử lý nợ vay vốn sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, mua sắm ngư cụ từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 985/TTg ngày 20-11-1997 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Quyết định 144 khoanh nợ cho người vay đóng mới tàu thuyền đánh bắt hải sản, người vay chỉ phải trả nợ gốc không tính lãi để tạo điều kiện khắc phục hậu quả cơn bão số 5.

Trước đó, vào đầu năm 1998, UBND phường 2 (TP Mỹ Tho), Chi cục Thủy sản và Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cũng đều có văn bản xác nhận việc ưu đãi vay vốn đóng mới tàu cá khắc phục hậu quả cơn bão số 5 với ông Sơn là đúng đối tượng.

Tuy nhiên, cả tòa sơ thẩm là TP Mỹ Tho và tòa phúc thẩm là TAND tỉnh Tiền Giang (ngày 8-12-2011) đều không chấp nhận lời trình bày của ông Sơn. Hai cấp tòa đều tuyên buộc ông Sơn phải trả cho NH hơn 1,6 tỉ đồng (gồm vốn gốc 474 triệu đồng và hơn 1,1 tỉ đồng lãi quá hạn). Ông Sơn còn phải chịu hơn 30 triệu đồng tiền án phí.

Sau bản án phúc thẩm, việc thi hành án (THA) được tiến hành. Đầu năm 2012, căn nhà gia đình ông đang sinh sống tại khu phố 5, phường 2, TP Mỹ Tho bị thanh lý để trả nợ. Đến tháng 3-2012, cơ quan THA tiếp tục cưỡng chế bán chiếc tàu cá của gia đình ông với giá 650 triệu đồng để THA.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn trình bày. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Tòa hướng dẫn kiện ngược lại ngân hàng

Mãi đến cuối năm 2014 thì vụ việc của ông Sơn được chánh án TAND Tối cao xem xét lại. Tòa Tối cao ra quyết định kháng nghị đối với bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Tiền Giang. Tháng 4-2015, TAND Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ về cho TAND TP Mỹ Tho xử sơ thẩm lại từ đầu.

Án giám đốc thẩm nhận định ông Sơn vay nợ NH sau cơn bão số 5 (năm 1997). Tuy nhiên, tòa sơ thẩm và phúc thẩm đã không làm rõ việc ông Sơn vay vốn NH có thuộc diện được hưởng ưu đãi về lãi suất theo Quyết định 144 của Thủ tướng Chính phủ hay không. Khi chưa làm rõ vấn đề này mà tòa án hai cấp đã buộc ông Sơn phải trả lãi cho NH theo mức lãi suất được ghi trong hợp đồng tín dụng ban đầu là chưa đủ cơ sở…

Từ ngày mất hết tài sản, gia đình tôi tan nát, vợ tôi quá bức xúc mà đột quỵ rồi mất, các con tôi phải đi làm thuê làm mướn khắp nơi. Bản thân tôi hằng ngày phải đi bán vé số để mưu sinh, bây giờ ai đứng ra bảo vệ tôi?

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, TP Mỹ Tho, Tiền Giang 

Sau khi TAND Tối cao hủy án, hồ sơ được chuyển về lại TAND TP Mỹ Tho. Điều bất lợi với ông Sơn là lúc này việc THA đã xong, toàn bộ tài sản của gia đình ông đã bị bán để trả nợ theo bản án đã bị hủy.

Vì vậy, ông Sơn rất mong muốn tòa sớm đưa vụ án ra xét xử lại để quyền lợi của mình được đảm bảo theo pháp luật. Tuy nhiên, bất ngờ tháng 8-2015, tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do phía NH đã rút hồ sơ khởi kiện ông Sơn.

Cho rằng bản án phúc thẩm gây thiệt hại lớn với mình, ông Sơn nhiều lần gửi đơn yêu cầu TAND tỉnh Tiền Giang bồi thường thiệt hại nhưng nơi đây từ chối. Gần đây nhất là ngày 3-3, chánh án TAND tỉnh Tiền Giang có công văn gửi ông Sơn trả lời: TAND TP Mỹ Tho thụ lý giải quyết lại vụ án nhưng nguyên đơn phía NH đã rút toàn bộ đơn khởi kiện nên tòa đã ra quyết định đình chỉ vụ án.

TAND tỉnh Tiền Giang cũng hướng dẫn ông Sơn có quyền khởi kiện lại NH để yêu cầu xem xét lại số tiền mà gia đình ông có nghĩa vụ trả cho NH và tài sản thế chấp theo quy định pháp luật.

Kiện lại ngân hàng để xác định số tiền phải trả

Thứ nhất, việc ông Sơn yêu cầu tòa phúc thẩm bồi thường là không có căn cứ. Bởi theo Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì tòa án phải bồi thường khi người tiến hành tố tụng dân sự gây ra khi áp dụng sai biện pháp khẩn cấp tạm thời và ra bản án mà biết rõ là trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. Ngoài ra, theo Điều 6 luật này thì căn cứ xác định trách nhiệm tòa phải bồi thường là phải có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

Vụ này, cấp giám đốc thẩm chỉ hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại theo luật định vì đánh giá chứng cứ chưa chuẩn, không khẳng định tòa phúc thẩm cố ý ra bản án trái pháp luật hoặc cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án. Việc sau đó tòa sơ thẩm đình chỉ vụ án với lý do NH rút đơn khởi kiện cũng không vi phạm tố tụng.

Thứ hai, để bảo vệ quyền lợi của mình, ông Sơn nên làm theo hướng dẫn của TAND tỉnh Tiền Giang là khởi kiện ngược lại NH. Bởi án giám đốc thẩm tuyên hủy hai bản án để xử sơ thẩm lại đồng nghĩa với việc ông Sơn chưa có nghĩa vụ phải THA theo bản án có hiệu lực. NH cũng là nơi đang giữ tiền của ông Sơn (theo kết quả THA trước đây), trong khi chưa có bản án nào quyết định ông Sơn phải trả cho NH bao nhiêu tiền.

Như vậy ông Sơn phải kiện yêu cầu tòa án xác định số tiền mà ông phải trả so với món nợ trước đây, trong tổng số tiền NH đang giữ của ông. Những vi phạm mà án giám đốc thẩm chỉ ra sẽ được tòa án hai cấp đánh giá và quyết định bằng bán án mới.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Phó Trưởng Khoa luật dân sự, ĐH Luật TP.HCM

SONG NGUYỄN ghi 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm