Đề nghị truy tố 11 bị can vụ 'chống hạn trên giấy'

Ngày 6-7, nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM xác nhận Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa vừa chuyển hồ sơ vụ án, đề nghị VKSND tỉnh này truy tố 11 bị can trong vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa).

Có bốn bị can bị đề nghị truy tố tội tham ô tài sản, gồm: ba cán bộ của Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa là Đỗ Hồng Hải (nguyên giám đốc), Đoàn Phi Dũng (nguyên phó giám đốc), Diệp Thụy Khánh Trân (nguyên kế toán trưởng) và Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Thành Khánh Quyên.

Sáu bị can bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, gồm Ngô Mạnh (nguyên phó giám đốc), Đặng Thanh Xuân, Đỗ Xuân Đoan, Phan Tuấn Nam, Lương Thành Nam, Nguyễn Văn Tiến (đều là cán bộ, nhân viên Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa). Một bị can bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng là Phạm Thị Ngọc Phi, kế toán Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa.

Đề nghị truy tố 11 bị can vụ 'chống hạn trên giấy' ảnh 1
Một công trình thủy lợi do Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa quản lý bị hư hỏng nặng chưa được sửa chữa, trong khi công ty này chỉ lập khống hồ sơ để rút tiền Nhà nước. Ảnh: QĐ

Theo kết luận điều tra, trong hai năm 2014 và 2015, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xảy ra hạn hán nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng khô hạn, cung cấp nước cho cây trồng, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định cấp bổ sung kinh phí khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn, cấp nước sinh hoạt.

Lợi dụng chủ trương này, Công ty Thủy lợi Nam Khánh Hòa Đỗ Hồng Hải chỉ đạo cấp dưới và thông đồng với doanh nghiệp lập hồ sơ 24 công trình nạo vét chống hạn. Thủ đoạn của Hải và cấp dưới là lập hồ sơ thiết kế, tính toán khối lượng công trình không vượt 300 triệu đồng để thuộc thẩm quyền tự phê duyệt thiết kế, dự toán theo quy định.

Hải chỉ đạo cấp dưới thực hiện thiết kế, tính toán khối lượng khống theo số tiền Hải đã ấn định trước; không khảo sát, kiểm tra thực tế mà chỉ dựa vào tài liệu cũ. Hải cũng chỉ đạo cấp dưới ký khống biên bản nghiệm thu công trình hoàn thành để đầy đủ thủ tục.

Sau đó, toàn bộ hồ sơ hợp thức hóa thanh toán thi công, quyết toán giả mạo được Hải duyệt để rút tiền ngân sách Nhà nước. Cơ quan điều tra xác định trong hai năm 2014-2015, Đỗ Hồng Hải chỉ đạo lập hồ sơ 24 công trình nạo vét chống hạn khống, chiếm đoạt gần 5 tỉ đồng. Sau khi bị phát hiện, Hải lại chỉ đạo cấp dưới tiếp tục lập hồ sơ giả để hợp thức hóa quá trình tổ chức thi công nhằm che giấu hành vi phạm tội.

Trước đó, tháng 4-2017, báo Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài báo phản ánh vụ chống hạn… trên giấy để tham ô tài sản trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm