Không nên hạn chế quyền khởi kiện lại của đương sự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quyền khởi kiện trong các quan hệ dân sự là một quyền rất quan trọng, nhằm bảo đảm các quyền dân sự khác về nhân thân cũng như tài sản được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đứng ra bảo vệ khi chúng bị xâm phạm.

Hướng dẫn thiếu thuyết phục

Nếu không được tòa án giải quyết thì có khả năng các chủ thể có quyền dân sự bị xâm phạm sẽ sử dụng các biện pháp bất hợp pháp, kể cả biện pháp bạo lực để tự bảo vệ quyền lợi của mình, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Do đó, trong nhiệm vụ bảo vệ công lý của tòa án thì nhiệm vụ bảo đảm quyền khởi kiện của đương sự là rất cần thiết.

Theo hướng dẫn tại Công văn 02 ngày 2-8-2021 của TAND Tối cao, nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và các chi phí tố tụng khác thì không có quyền kiện lại để yêu cầu tòa giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn kiện.

Một phiên tòa dân sự tại TAND Cấp cao tại TP.HCM. Ảnh minh họa: NGÂN NGA

Hướng dẫn này nhằm làm rõ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 và khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015. Theo đó, sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, tòa đình chỉ giải quyết vụ án nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng theo quy định của BLTTDS.

Khi có quyết định đình chỉ, đương sự không có quyền kiện yêu cầu tòa giải quyết lại nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật...

TAND Tối cao cần hết sức thận trọng khi đưa ra quan điểm hướng dẫn các tòa cấp dưới về quyền khởi kiện nói chung cũng như quyền khởi kiện lại vụ án dân sự nói riêng. Sự thận trọng cần được thể hiện ở hai mặt: Hình thức và nội dung của văn bản hướng dẫn.

Chỉ là quan điểm cá nhân của lãnh đạo TAND Tối cao

Trước hết, về mặt hình thức, một vấn đề quan trọng như vậy không thể hướng dẫn bằng hình thức công văn do một lãnh đạo TAND Tối cao ký ban hành, nhất là trong trường hợp luật quy định chưa rõ.

Công văn chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của lãnh đạo TAND Tối cao, dù có thể có ý kiến tham mưu của bộ phận giúp việc hoặc tham khảo ý kiến của người khác. Đồng thời, công văn cũng không phải văn bản quy phạm pháp luật (văn bản hướng dẫn) theo quy định.

Thứ hai, về mặt nội dung, khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 quy định chưa rõ về quyền khởi kiện lại trong trường hợp tòa đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác (vì trong điều khoản này có quy định các trường hợp được quyền khởi kiện lại, trong đó có “các trường hợp khác theo quy định của pháp luật” ngoài các trường hợp đã được quy định cụ thể).

Tuy nhiên, dù quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015 chưa thực sự rõ ràng thì cũng khó có thể cho rằng nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại sau khi tòa đã đình chỉ. Bởi lẽ theo khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 thì cũng không có căn cứ để tòa trả lại đơn kiện, vì luật không có quy định trả lại đơn trong trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện lại.

Mặt khác, xét về bản chất thì trường hợp nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng, dù là cố ý hay do hoàn cảnh khách quan, cũng tương tự trường hợp nguyên đơn rút đơn kiện hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt (tương tự ở chỗ vụ án vẫn chưa được giải quyết, trong đó có thể có lỗi của nguyên đơn làm cho vụ án bị đình chỉ). Vậy tại sao trường hợp sau thì BLTTDS cho phép nguyên đơn được kiện lại, còn trường hợp thứ nhất thì không?

Chỉ khi nào trả lời được các vấn đề nói trên thì quan điểm cho rằng nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại mới có sức thuyết phục.

Hiếm ai lạm dụng quyền khởi kiện để tốn thời gian, công sức

Dự thảo Án lệ số 09/2020 đề xuất phát triển thành án lệ nội dung “sau khi vụ án bị đình chỉ do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản thì vẫn được phép khởi kiện lại” đã không được TAND Tối cao chấp nhận.

Một trong những lý do khiến dự thảo án lệ trên không được chấp nhận là do lo ngại rằng nếu cho nguyên đơn có quyền khởi kiện lại thì có thể họ sẽ lạm dụng quyền này để kiện đi kiện lại một vụ án, gây phiền hà cho bị đơn và tốn kém thời gian, chi phí giải quyết vụ án của tòa án.

Tôi thấy lo như vậy là lo xa quá, vì mỗi vụ án có thời hiệu khởi kiện của nó, ngoại trừ một số trường hợp luật quy định không áp dụng thời hiệu. Đương sự không thể lạm dụng quyền khởi kiện để kiện đi kiện lại nhiều lần một vụ án được, vì một vòng tố tụng của tòa án cũng tốn khá nhiều thời gian.

Mặt khác, việc kiện đi kiện lại một vụ án cũng gây ra nhiều phiền toái, tốn kém thời gian, chi phí cho người đi kiện nên họ cũng không lạm dụng việc đó làm gì, trừ khi làm như vậy họ sẽ thu được một lợi ích đáng kể nào đó.

Hơn nữa, nếu cho rằng nguyên đơn có thể lạm dụng quyền khởi kiện lại trong trường hợp vụ án bị đình chỉ do nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng thì cũng không thể lý giải được lý do BLTTDS lại cho phép nguyên đơn khởi kiện lại trong trường hợp rút đơn kiện hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt. Bởi lẽ ở các trường hợp này, nguyên đơn vẫn có thể lạm dụng quyền khởi kiện lại vụ án mà tòa đã đình chỉ.

TAND Tối cao cần ban hành nghị quyết hướng dẫn

Để hướng dẫn vấn đề quan trọng nói trên, TAND Tối cao cần thông qua và ban hành nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Theo đó, TAND Tối cao phải công khai lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, VKSND Tối cao, Bộ Tư pháp, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các bộ, ngành có liên quan. Đồng thời TAND Tối cao phải thành lập hội đồng tư vấn, trong đó có các chuyên gia, nhà khoa học để thẩm định dự thảo nghị quyết trước khi thông qua Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Ông NGUYỄN CÔNG PHÚnguyên Phó Chánh Tòa Kinh tế TAND TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm