Hiểu sao về việc hạn chế quyền khởi kiện lại?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo hướng dẫn tại Công văn 02 ngày 2-8 của TAND Tối cao, nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí định giá tài sản và các chi phí tố tụng khác thì không có quyền kiện lại để yêu cầu tòa giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn kiện.

Hướng dẫn này nhằm làm rõ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 và khoản 1 Điều 218 BLTTDS 2015. Theo đó, sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, tòa đình chỉ giải quyết vụ án nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng theo quy định của BLTTDS.

Khi có quyết định đình chỉ, đương sự không có quyền kiện yêu cầu tòa giải quyết lại nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật...

Hình minh họa

Phải xét kỹ nguyên nhân chưa đóng tạm ứng chi phí tố tụng

TS - luật sư (LS) Lương Khải Ân, Đoàn LS TP.HCM, cho biết quy định nêu trên tại Công văn 02 là điểm mới, được bổ sung trong BLTTDS 2015.

Các kết quả thẩm định là chứng cứ pháp lý xác đáng giúp việc giải quyết tranh chấp khách quan, toàn diện và đúng pháp luật. Do đó, trách nhiệm thẩm định của đương sự cần thực thi đầy đủ và kịp thời để bảo vệ toàn vẹn giá trị của chứng cứ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp đương sự cố ý trì hoãn đóng phí thẩm định và các chi phí khác dẫn đến tình trạng tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến chất lượng xét xử.

TS-LS Lương Khải Ân cũng cho rằng có trường hợp đương sự có thể gặp trở ngại khách quan, không thể thực hiện được kịp thời, đầy đủ nghĩa vụ đóng tạm ứng phí thẩm định, chẳng hạn họ bị đau bệnh không thể đi lại hoặc gặp khó khăn về tài chính...

Mặt khác, BLTTDS 2015 cho phép các bên đương sự được thỏa thuận giá trị tài sản tranh chấp, lựa chọn cơ quan thẩm định giá… Đương sự cũng có quyền khiếu nại về quyết định định giá tài sản không đầy đủ thủ tục, thiếu sót đối tượng, thành lập hội đồng định giá không phù hợp.

Nhìn từ hai góc độ trên, LS Khải Ân cho rằng không phải trường hợp nào đến hạn mà đương sự không đóng tạm ứng phí thẩm định và các chi phí khác thì tòa cũng có quyền đình chỉ vụ án, hủy bỏ quyền khởi kiện. Tòa phải xem xét, giải quyết theo đúng luật và tạo điều kiện thuận lợi để đương sự tiếp tục thực hiện các quyền tố tụng chính đáng.

“Quy định về việc tòa đình chỉ vụ án và không cho phép đương sự khởi kiện lại được xem là một biện pháp chế tài vi phạm nên được áp dụng đối với đương sự cố ý không nộp tạm ứng chi phí tố tụng trong khi tòa đã ban hành các quyết định đúng trình tự tố tụng” - TS-LS Lương Khải Ân đề nghị.

Tòa phải giải thích hậu quả pháp lý của việc không nộp tạm ứng
chi phí tố tụng

Ngày 27-5-2021, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận kháng cáo của bà Huỳnh Thị Loan, tuyên hủy quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của TAND TP.HCM.

Trước đó, ngày 10-9-2020, TAND TP.HCM đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp chia tài sản chung mà bà Loan là nguyên đơn với lý do đến ngày 10-9-2020 là đã quá thời hạn nộp tạm ứng chi phí tố tụng theo thông báo của tòa nhưng bà Loan vẫn chưa nộp.

Theo tòa phúc thẩm, người đại diện cho bà Loan có đề nghị tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết đơn đề nghị tái thẩm của bà trong một vụ án khác có liên quan đến tài sản tranh chấp. TAND TP.HCM chưa giải quyết yêu cầu này, sau đó đình chỉ giải quyết vụ án nhưng không tống đạt trực tiếp cho người đại diện mà lại niêm yết tại địa chỉ liên hệ của người đại diện, trong khi người này vẫn đến tòa để làm việc.

Vụ án kéo dài từ năm 2016. Lẽ ra nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, TAND TP.HCM phải giải thích cho bà Loan biết hậu quả pháp lý của việc không nộp tạm ứng chi phí thẩm định giá tài sản sẽ bị đình chỉ giải quyết vụ án và không có quyền kiện lại theo điểm đ khoản 1 Điều 217 và khoản 1 Điều 218 BLTTDS.  

Làm mất quyền được yêu cầu bảo vệ tài sản

TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn LS TP.HCM, nêu quan điểm: Quy định này có thể xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, khiến bên yếu thế về tài sản không thể được tòa bảo vệ.

Nếu áp dụng cứng khắc điểm đ khoản 1 Điều 217 và khoản 1 Điều 218 BLTTDS thì người khởi kiện sẽ vĩnh viễn mất quyền khởi kiện, quyền được yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chỉ vì lý do không có tiền để nộp tạm ứng chi phí tố tụng.

Hiến pháp 2013 quy định rằng tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Khoản 1 Điều 4 BLTTDS 2015 cũng ghi nhận: Cơ quan, tổ chức, cá nhân do bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ… quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.

Như vậy, về nguyên tắc, khi một chủ thể có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, chủ thể đó có quyền khởi kiện và tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể bị xâm phạm.

“Cần phải xác định rằng trong trường hợp này, quyền lợi của nguyên đơn chưa được tòa giải quyết nên nguyên đơn được quyền kiện lại theo khoản 3 Điều 192 BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 04/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao” - TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch nêu quan điểm.

Ngoài ra, theo TS-LS Nguyễn Hữu Thế Trạch thì quy định tại Điều 217, Điều 218, khoản 3 Điều 192 BLTTDS và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 04/2017 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chưa bao quát hết các trường hợp người khởi kiện được quyền nộp lại đơn khởi kiện, dễ dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất nên cần được bổ sung cho rõ.

Cần áp dụng quy định tương tự về quyền khởi kiện lại

Nếu người khởi kiện rút đơn kiện thì tòa đình chỉ giải quyết nhưng đương sự vẫn có quyền kiện lại nếu thời hiệu khởi kiện còn. Tuy nhiên, nếu nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng thì không có quyền kiện lại để yêu cầu tòa giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn kiện.

Thực tế cho thấy việc không nộp tạm ứng chi phí định giá, chi phí tố tụng khác có thể có rất nhiều lý do như trở ngại khách quan hoặc khả năng tài chính. Đương sự không có/ không đủ tiền nộp theo yêu cầu hoặc có khi do không hiểu biết về hậu quả pháp lý của việc không nộp tạm ứng chi phí tố tụng…

Theo quy định, tòa không được từ chối giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Ý nghĩa của quy định này là muốn tránh việc các đương sự tự xử, dễ dẫn đến nguy cơ áp dụng bạo lực trong giải quyết tranh chấp.

Chính vì vậy, theo tôi, trong trường hợp nguyên đơn không nộp tạm ứng chi phí tố tụng, tòa vẫn có thể áp dụng tương tự quy định về quyền khởi kiện lại để thụ lý đơn kiện. Việc không được kiện lại vì lý do không nộp tạm ứng chi phí tố tụng là thiệt thòi cho đương sự trong khi nội dung tranh chấp chưa được giải quyết.

                LS HÀ NGỌC TUYỀN, Đoàn LS TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm