Kỳ vọng tòa phúc thẩm dũng cảm xử đúng

Xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà, Kon Tum) những ngày này đi tới đâu cũng nghe người dân nhắc đến và bàn tán về việc TAND tỉnh sắp xử phúc thẩm năm công dân trong vụ cưa gỗ khô bị quy tội trộm cắp tài sản. Không chỉ ở Đăk Mar mà người dân ở các xã khác trong huyện cũng có thể nói rành mạch về vụ án, về những điều dư luận không đồng tình trong kháng nghị và bản án giám đốc thẩm mới đây.

Khi trái tim người cha đau thắt

“Bị xét xử về tội trộm cắp tài sản đau lắm!” - bị cáo Nguyễn Văn Bảy thốt ra câu nói cay đắng ấy khi tiếp xúc với chúng tôi. Anh bảo: “Thà chúng tôi phạm tội khai thác trái phép hoặc tội hủy hoại rừng thì phải cắn răng chấp nhận, đằng này...”.

Nói rồi mắt anh ngấn lệ khi nhắc về đứa con gái đầu lòng. Cách đây ba năm, hôm đó xã phát loa thông báo ngày mai TAND huyện Đăk Hà xét xử lưu động năm bị cáo, trong đó có tên anh Bảy về tội trộm cắp tài sản. Con bé khi ấy mới học lớp 1 chạy ngay về hỏi gặng: “Ba đi ăn trộm à?”. Anh đã không biết trả lời con thế nào...

Kể từ hôm đó, mỗi lần vợ anh gói ghém đồ đạc cho anh vào TP.HCM, Đà Nẵng hay ra Hà Nội kêu oan là con bé gầy nhô xương cứ ôm chằm lấy anh mà khóc rấm rứt: “Ba đừng đi tù, ở nhà với con”. Không có đàn ông ở nhà, 50 con gà vợ anh nuôi tính là bán đi để làm lộ phí cho chồng đi kêu oan cũng bị kẻ gian bắt trộm dần. Đi vay lãi được mấy triệu đồng để chồng đi xe đò ra Hà Nội yêu cầu được cung cấp bản kháng nghị thì một hôm, nửa đêm có nhóm người xăm trổ đầy mình đến đòi nợ, đập cửa ầm ầm.

Trong năm bị cáo, anh Nguyễn Văn Thụ là người giữ được tinh thần vững nhất. Dẫu vậy, khi nhận được quyết định giám đốc thẩm yêu cầu xử lý có tội trở lại, anh ngồi thừ ra. “Tôi vạ vật khắp nơi để kêu oan để rồi lại nhận được quyết định yêu cầu xử lại thì rất là thất vọng” - anh Thụ nói. Trong giai đoạn đầu điều tra vụ án, dù phải chịu nhiều khổ cực nhưng anh không để chảy một giọt nước mắt nào. Nhưng anh đã không ngăn nổi giọt nước mắt khi nhắc về vợ.

Từ ngày bị khởi tố, vợ anh Thụ là hậu phương vững chắc cho chồng yên tâm đi kêu oan. Những ngày anh không ở nhà, cả rẫy cà phê rồi bốn con bò với mấy con heo đều một tay chị gánh vác, trong khi các con thì còn nhỏ. Đằng đẵng ba năm nay, lúc mệt mỏi quá anh Thụ chỉ biết xách chiếc xe chạy lang thang ngoài đường trong vô định. Chạy chán thì ra bờ hồ ngay đập trong rẫy ngồi một mình.

Một khúc gỗ chết khô, năm bị cáo từng được trắng án giờ lại bị yêu cầu xử có tội trở lại. Ảnh: QUYÊN - TÂM

“Chúng tôi chỉ cần tòa xử đúng!”

Một năm trước, ngày 1-6-2018, TAND tỉnh Kon Tum làm cho chị Trần Thị Mỹ Hương (vợ bị cáo Lê Quốc Khánh) và những người dự khán vỡ òa cảm xúc khi tuyên năm bị cáo không phạm tội. Chúng tôi nhớ rất rõ hôm ấy chị Hương đã đưa tay xoa bụng như muốn truyền lại điều hạnh phúc ấy cho đứa con bên trong. Hôm nay, đứa bé ấy đã được 10 tháng tuổi, cứ bám riết lấy ba Khánh. Con gái lớn của anh chị nay đã học lớp 9, cứ 4 giờ sáng là chị gọi dậy phụ chị bán quán phở. Đứa thứ hai học lớp 4 thì giúp mẹ trông em. Anh Khánh thì liên tục phải đi kêu oan, có cái rẫy cà phê đành bỏ mặc. Chị bảo anh mà sụp đổ thì chị không biết bấu víu vào đâu và đây là nỗi ám ảnh hằng đêm của chị.

“Chúng tôi không cần phải xử nhẹ mà cần tòa xử đúng pháp luật. Sai đến đâu chúng tôi chịu đến đó” - bị cáo Nguyễn Ngọc Bình không kìm nổi sự xúc động khi nói về vụ án. Anh bảo nhiều lúc thấy rất nản, chỉ muốn buông xuôi, mặc tòa muốn xử sao thì xử. Nhưng rồi anh lại xốc lại tinh thần với niềm hy vọng mong manh. “Dẫu biết khổ nhưng vợ chồng tôi có một niềm tin rằng công lý vẫn còn, một ngày nào đó sẽ có người có thẩm quyền đứng lên bảo vệ như ba thẩm phán từng tuyên chúng tôi trắng án” - anh Bình nói.

Riêng bị cáo Phan Tiến Dũng hiện vẫn công tác tại rừng đặc dụng Đăk Uy. Anh khẳng định: “Tòa Tối cao yêu cầu xử chúng tôi có tội, tôi không phục. Bởi vì ngay cả các hành vi vi phạm ở Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh cũng chưa có vụ nào xử tội trộm cắp”.

Anh Dũng đặt câu hỏi: “Tại sao hành vi của chúng tôi chỉ vi phạm hành chính mà sao cứ ép xử chúng tôi tội trộm cắp bằng được. Ức lắm!”.

Người nông dân nói về… pháp lý

Những ngày đi thực tế ở xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), nơi các bị cáo đang sinh sống, chúng tôi đã tiếp xúc và ghi nhận được nhiều ý kiến của người dân nơi đây. Điều đặc biệt là họ có thể nhận xét khá rành rẽ về các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ án khá đặc biệt này.

Ông Phạm Ngọc Thắng (60 tuổi, trú xã Đăk Mar) nói rằng mình không quen biết năm bị cáo nhưng trong vụ án này, ông không bỏ sót phiên tòa nào. “Luật sư cãi đúng đấy. Tại sao người cưa cây gỗ tươi hơn 20 triệu đồng bị phạt hành chính, còn cưa cây khô mới 19 triệu đồng mà phạt hình sự? Như vậy có nghĩa là người cưa cây khô bị nặng hơn hay sao?” - ông Thắng nói.

Anh Nguyễn Văn Quốc (hơn 40 tuổi, trú cùng xã) đưa ra những kiến thức pháp lý để nhận xét về vụ án mà ai cũng phải bất ngờ: “Rừng đặc dụng Đăk Uy là rừng tự nhiên, đâu phải rừng trồng và rừng khoanh nuôi tái sinh mà đòi xử họ tội trộm cắp tài sản?”. Anh Quốc thông tin rằng trước đó ở huyện từng xử nhiều vụ án lưu động nhưng gần như không thấy vụ nào có luật sư bào chữa nhưng vụ này lúc đầu không hiểu sao có tới bốn luật sư. Sau đó, qua những phiên tòa, anh Quốc hiểu được lý do vì sao các luật sư và báo Pháp Luật TP.HCM lại quan tâm đến vụ án như vậy.

Còn chị Bạch Thị Hảo vồn vã kể: “Hôm tòa án tỉnh xử, cả thôn chúng tôi thuê taxi xuống đến xem. Tòa xử cho cả năm người trắng án, ai cũng vui mừng”. Nhưng ngay sau đó, chị lại đanh giọng: “Đã hơn một năm rồi mà giờ Tòa Tối cao lại hủy án rồi chỉ đạo quay lại xử có tội tiếp, chúng tôi thấy không hợp lý tí nào hết…”.

NGÂN NGA

Ngày 9-8, tòa sẽ xử phúc thẩm lần ba

Như Pháp Luật TP.HCM từng nhiều lần phản ánh, kiểm lâm Phan Tiến Dũng để cho các anh Lê Quốc Khánh, Nguyễn Ngọc Bình, Nguyễn Văn Thụ và Nguyễn Văn Bảy vào rừng đặc dụng Đăk Uy cưa 0,123 m3 cây gỗ trắc đã chết khô (trị giá hơn 19 triệu đồng). theo Thông tư liên tịch số 19/2007 thì hành vi này chưa tới mức bị xử lý hình sự mà chỉ có thể xử phạt hành chính theo Nghị định 157/2013. Dù vậy, hai lần TAND huyện Đăk Hà vẫn kết tội các bị cáo 11-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm lần hai đã tuyên cả năm bị cáo không phạm tội. hơn một tháng sau, TAND Tối cao kháng nghị yêu cầu xử có tội. Mới đây, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm đã tuyên hủy án phúc thẩm, yêu cầu tòa tỉnh xét xử phúc thẩm lại theo hướng các bị cáo phạm tội trộm cắp tài sản. Ngày 22-7, TAND tỉnh đã mở phiên tòa nhưng trong phần thủ tục, HĐXX đã hoãn xử vì luật sư có đơn xin hoãn, tòa sẽ mở lại phiên xử vào ngày 9-8 tới. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm