Mạnh tay xử hình sự pháp nhân tàn hại môi trường

Áp vào vụ chôn lấp rác thải trái phép vừa mới phát hiện ở Bình Chánh, TP.HCM, nhiều người băn khoăn: Việc nghiêm trọng vậy, chẳng lẽ pháp nhân liên quan sẽ không bị xem xét, xử lý hình sự?

Bảo vệ môi trường từ lâu đã trở thành vấn đề bức bách, gần đây nhiều tổ chức, cá nhân do hám lợi nên đã không ngần ngại xuống tay tàn hại môi trường. Tuy nhiên, để xử lý doanh nghiệp vi phạm lại là vấn đề nan giải.

Còn nhớ trước đây từng có nhiều vụ pháp nhân xâm hại môi trường đặc biệt nghiêm trọng như vụ doanh nghiệp xả thải ra sông Giẽ (huyện Cẩm Giàng, Hải Dương)… Khi đó, dư luận cả nước đều bức xúc yêu cầu xử lý hình sự pháp nhân vi phạm nhưng cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính và buộc khắc phục hậu quả chứ không thể xử lý hình sự các pháp nhân này. Lý do: Lúc ấy luật chưa có quy định xử lý hình sự pháp nhân. Ngoài ra, mức xử phạt hành chính đối với pháp nhân còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe khiến không ít doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận đến bất chấp pháp luật.

Trước những yêu cầu bức bách của thực tiễn, khi xây dựng BLHS, các nhà làm luật đã phải đưa nội dung xử lý hình sự pháp nhân vào. Đến nay, luật mới đã có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên chuyện xử lý hình sự pháp nhân vi phạm dù đã được quy định đầy đủ (với 33 tội danh, trong đó có chín tội danh liên quan đến vi phạm về môi trường) thì lại chưa thể đi vào thực tiễn cuộc sống, như lời bộ trưởng Công an đã đúc kết.

Nay với những bằng chứng vi phạm của các đơn vị liên quan trong vụ chôn rác thải trái phép ở Bình Chánh, Sở TN&MT TP.HCM đã nhận định là có dấu hiệu hình sự. Sở này kiến nghị UBND TP giao Công an TP chủ trì xác minh, xử lý. Hiện các cơ quan chức năng đang lấy mẫu để giám định, nếu kết quả cho thấy rác thải này có chất nguy hại theo quy định thì dấu hiệu phạm tội hình sự (cụ thể là tội gây ô nhiễm môi trường) đã rõ ràng. Khi đó cơ quan tố tụng cần mạnh tay xử lý hình sự cá nhân lẫn pháp nhân vi phạm thật nghiêm khắc. Có như thế mới đủ sức răn đe các doanh nghiệp đang manh nha làm bậy, bất chấp môi trường.

Vụ việc hiện vẫn đang được xác minh, song người dân có quyền đặt niềm tin vào các cơ quan chức năng sẽ sớm khởi tố vụ án, khởi tố các cá nhân và pháp nhân vi phạm để xét xử nghiêm minh. Nếu vụ việc diễn tiến theo hướng này thì đây là trường hợp đầu tiên một pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự; và đây cũng sẽ là “án lệ” trong lịch sử tố tụng hình sự Việt Nam: Kiên quyết mạnh tay với doanh nghiệp vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Bản tin trưa 25-2: Nạn nhân vụ 'tu thành tiên' bán công ty và 3 căn nhà để mua đồ lừa đảo; Khởi tố bảo mẫu ở Long An

Bản tin trưa 25-2: Nạn nhân vụ 'tu thành tiên' bán công ty và 3 căn nhà để mua đồ lừa đảo; Khởi tố bảo mẫu ở Long An

(PLO)- Vụ án đại gia Lê Thanh Thản lừa dối khách hàng: Cư dân không đồng tình với kết quả định giá; Lập trình viên bị bắt giữ, bị nhổ 14 chiếc răng và ép viết phần mềm đánh bạc; Nạn nhân vụ 'tu thành tiên': Bán công ty và 3 căn nhà để mua tượng, la bàn; Khởi tố bảo mẫu giữ trẻ tự phát ở Long An về tội hành hạ người khác; Truy tìm nam thanh niên cướp 10 kg thịt bò ở Long An.

Đọc thêm

Dàn cựu lãnh đạo Vinafood II gây thiệt hại hơn 113 tỉ đồng

Dàn cựu lãnh đạo Vinafood II gây thiệt hại hơn 113 tỉ đồng

(PLO)- Cựu Tổng giám đốc Vinafood II Trương Thanh Phong cùng các bị can khác đã chuyển quyền sử dụng khu đất 132 Bến Vân Đồn mà không thẩm định giá lại tài sản; làm trái quy định pháp luật về quản lý tài sản nhà nước, quản lý vốn nhà nước.