Ngành TAND TP.HCM vượt qua đại dịch, làm tốt công tác xét xử

Ngày 24-1, TAND TP.HCM tổ chức Hội nghị triển khai công tác TAND hai cấp TP.HCM năm 2022.

Xét xử nhiều án điểm

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chánh án TAND TP.HCM Phạm Thị Thu Hà cho biết từ ngày 1-10-2020 đến 30-9-2021, ngành giải quyết 26.493/51.062 vụ việc thụ lý, đạt 52%. Tỉ lệ án hủy do lỗi chủ quan là 0,4% và sửa do lỗi chủ quan là 0,7%. Trong đó, giải quyết 4.403/5.803 vụ án hình sự, đạt 75,87%; giải quyết 21.723/43.792 vụ việc dân sự, đạt 49,6%; giải quyết 347/1.360 vụ án hành chính, đạt 25,51%…

Ba đơn vị xuất sắc năm 2021: TAND quận 1, TAND quận Bình Tân,
TAND huyện Hóc Môn nhận cờ thi đua của TAND Tối cao. Ảnh: HOÀNG YẾN

Trong năm, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử một số vụ án điểm về tham nhũng, kinh tế được dư luận quan tâm như: Vụ Đinh La Thăng và đồng phạm bị xét xử về các tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; vụ Trần Hoàng Nguyệt và đồng phạm bị xét xử về tội tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; vụ Bùi Minh Chính và đồng phạm bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…

Do dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến kết quả giải quyết các loại án. Từ tháng 4 đến tháng 6-2021, tòa hoãn xét xử 18.000 vụ việc vì đương sự vướng cách ly, phong tỏa. Từ tháng 5-2021, TAND hai cấp TP.HCM thụ lý 30.858 vụ việc nhưng chỉ giải quyết được 6.289 vụ việc (đạt hơn 20%). Thời điểm dịch bệnh bùng phát (từ tháng 6 đến tháng 9-2021), tòa hoãn hoàn toàn dù có kế hoạch xét xử từ trước.

Lãnh đạo TAND TP.HCM cũng cho biết bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận, hoạt động của đơn vị còn một số hạn chế. Ngoài nguyên nhân khách quan là dịch bệnh, còn nhiều nguyên nhân chủ quan khiến tỉ lệ giải quyết án chưa đạt yêu cầu.

Như đối với án tạm đình chỉ, một số thẩm phán chưa đột phá trong công tác giải quyết, xử lý khi cơ quan liên quan chậm trả lời yêu cầu, chậm cung cấp tài liệu hay chậm cử người đại diện tham gia tố tụng; đương sự không hợp tác.

Nâng cao chất lượng giải quyết án

Phó Chánh án TAND TP.HCM Phạm Thị Thu Hà nhấn mạnh: Thời gian tới, hệ thống TAND TP.HCM tập trung cải tiến phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng phân công, phân cấp hợp lý. Lãnh đạo tòa án đảm bảo kỷ cương, kỷ luật công vụ; quyết liệt hơn trong luân chuyển, điều động cũng như xử lý cán bộ, công chức vi phạm.

Dịch COVID-19 đã để lại hệ lụy quan hệ lao động và những quan hệ dân sự khác bị ảnh hưởng, các tranh chấp mới có xu hướng tăng đột biến, tình hình tội phạm có khả năng diễn biến phức tạp.

Trước thực tế này, TAND hai cấp TP.HCM sẽ tập trung nhân lực, nguồn lực đẩy nhanh tiến độ giải quyết, đặc biệt là án hình sự ngay sau khi TP.HCM kiểm soát tốt dịch bệnh. Các tòa án chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phiên tòa, phiên họp; sớm tiếp nhận đơn thư, tiếp công dân trực tiếp trong điều kiện mới…

Cạnh đó, năm 2022, TAND TP.HCM xác định chủ đề hành động của năm là “Công chức, người lao động TAND hai cấp TP.HCM nâng cao trách nhiệm, kỷ cương, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm trong tình hình mới”.

Phát biểu chỉ đạo, ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án TAND Tối cao, ghi nhận những nỗ lực của TAND hai cấp TP.HCM trong năm đại dịch. Ông Tuệ yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ mà TAND Tối cao đã đề ra trong Hội nghị triển khai công tác năm 2022 cách đây ít ngày; việc cải cách tư pháp đi vào thực chất; chú trọng xét xử trực tuyến và chất lượng thẩm phán.

Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong tiếp thu ý kiến chỉ đạo. Cạnh đó, ông Phong cũng đề cập đến một số vướng mắc trong tố tụng dân sự hiện nay như kháng cáo quá hạn, xác định thẩm quyền đối với tranh chấp hợp đồng đặt cọc để giao kết hoặc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng bất động sản và triệu tập những người kế thừa quyền, nghĩa vụ của bị đơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm