Nghĩ con đối xử tệ, mẹ đòi lại đất đã cho

Chị KX được mẹ là bà X. (83 tuổi) ở xã Phú Thuận, huyện Bình Đại (Bến Tre) ủy quyền khởi kiện ra TAND huyện Bình Đại đòi chị H. (chị cùng mẹ khác cha) phải trả lại gần 2.000 m2 đất. Theo đó, chị KX cho rằng chị H. được mẹ cho đất để ở và canh tác nhưng lại bất hiếu, không nuôi mẹ.

Tặng cho đất có điều kiện?

Đơn khởi kiện ghi vào năm 2001, mẹ chị KX tuổi cao sức yếu, thấy chị H. vẫn còn ở một mình, chưa có chồng, con nên có bàn bạc với chị và chị D. là để phần đất gần 2.000 m2 của mẹ cho chị H. đứng tên. Sau này chị H. có trách nhiệm nuôi mẹ, lo việc thờ cúng ông bà và lo chuyện “lúc mẹ trăm tuổi”. Đồng thời, mẹ chị cũng ra điều kiện trong phần đất này, mẹ có cho chị và chị D. mỗi người một nền nhà với chiều ngang 6 m, dài đến hết đất và được chị H. đồng ý.

Đến năm 2010, chị D. có ý định về cất nhà thì chị H. bảo phải đưa 50 triệu đồng mới cho cất. Vì vậy, chị KX ở Sài Gòn về thương lượng cùng chị H. là để phần đất mà mẹ dành cho chị sẽ cho luôn chị D. cất nhà. Nhưng chị H. vẫn cự tuyệt không chịu. Chị nói: “Đất này là của tao. Tao có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tao không cho cũng không ai làm gì tao. Trước tao không có hứa. Giờ tao mất dạy rồi”.

Sau đó không hiểu sao chị H. đồng ý đưa lại một cái nền với chiều ngang 6 m nhưng chiều dài không đủ 300 m để làm thổ cư nên không thể tách riêng cất nhà được.

“Đã làm tròn trách nhiệm với mẹ”

Vẫn theo đơn kiện, chị KX cho rằng chị H. đã ngược đãi, không nuôi mẹ, không cho gì cho mẹ dù chỉ một cái bánh. Lúc mẹ đau ốm, bệnh tật, chị H. không hề ngó ngàng đến mẹ. Ngược lại, chị còn đi cắt hộ khẩu của mẹ ra rồi cất nhà ở riêng. Rồi chị thuê người khác đến cắt máng xối hứng nước mưa, không cho mẹ sử dụng nước mưa. Chị còn tự ý đốn bỏ cây của mẹ trồng trên đất. Khi mẹ hái nhãn bán thì chị ngăn không cho và còn báo chính quyền địa phương đến lập biên bản đối với mẹ. Chị còn nói: “Đất của tôi. Sao bà bẻ nhãn của tôi? Tôi không có người mẹ như bà”.

Do chị H. đối xử bất hiếu, tệ bạc với mẹ như thế nên mẹ chị đã ủy quyền cho chị khởi kiện, yêu cầu chị H. phải hoàn trả cho mẹ phần đất trên. Và mẹ sẽ cho lại chị H. 300 m2 trong phần đất này, gồm có cái nhà mà chị H. đang ở.

Chị H. thì cho rằng phần đất của mẹ được hưởng từ đất của ông bà trước kia để lại. Năm 2001, mẹ chị cùng với sáu người con đến UBND xã Phú Thuận ký giấy cho chị đứng tên quyền sử dụng đất với diện tích trên mà không hề có điều kiện gì. Nhưng sau đó mẹ chị tự ý kêu người khác bán 10 m2 đất thuộc diện tích mà mẹ đã cho chị rồi còn buộc chị ký tên bán đất. Chưa hết, mẹ còn yêu cầu chị phải chia cho hai đứa em mỗi người một nền nhà nên chị không đồng ý. Đây là đất mẹ chị đã cho riêng cá nhân chị và chị đã đứng tên quyền sử dụng. Nay xảy ra tranh chấp, mẹ chị yêu cầu chị phải trả lại, chị không đồng ý vì chị đã làm tròn trách nhiệm của một người con đối với mẹ.

Tòa buộc bị đơn phải trả đất

Xử sơ thẩm mới đây, TAND huyện Bình Đại nhận định bà X. có hai phần đất khác nhau và bà đã cho đất trong cùng một ngày cho chị H. và chị D. Phần chị D. bà có lập giấy tờ cho gần 4.000m2 đất lúa và chị D. phải có nghĩa vụ lo cho người em trai bị bệnh tâm thần. Như vậy việc tặng cho đất là có điều kiện.

Riêng việc tặng cho phần đất cho chị H. không thể hiện bằng văn bản mà chỉ thông qua bằng lời nói. Đất mà bà X. đã cho chị H. là đất vườn, có trồng nhãn. Xét thấy ngoài phần đất này ra thì bà X. không còn phần đất nào khác để sinh sống. Như vậy, ý của bà X. khi cho chị H. phần đất này không có ý gì khác là chị H. phải cải tạo, chăm sóc thu huê lợi từ đất để nuôi bà, thờ cúng ông bà và cho hai người em (chị KX và chị D.) mỗi người một nền nhà. Khi chưa được đứng tên quyền sử dụng đất thì chị H. có hứa thực hiện nhưng sau đó thì lại không nên dẫn tới mâu thuẫn.

Theo xác minh của tòa, hiện bà X. đã lớn tuổi mà vẫn sống một mình. Chị H. có cất một căn nhà tường kiên cố kế bên đó nhưng chị thường xuyên đi vắng, để bà X. không ai nuôi dưỡng, chăm sóc. Như vậy chị H. đã vi phạm cam kết việc tặng cho có điều kiện nên bà X. yêu cầu chị trả lại phần đất trên là có cơ sở. Tòa ghi nhận việc bà X. cho chị H. một nền nhà 300 m2. Phần đất còn lại cùng với hoa màu, chị H. phải có nghĩa vụ giao trả cho bà X. là phù hợp.

Được biết ngay sau đó chị H. đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm trên.

Tặng cho tài sản có điều kiện

Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

Trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Điều 470 Bộ luật Dân sự

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm