Phát hiện thêm chất gây sỏi thận trong bún

Ngày 23-7, tại buổi làm việc với Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP.HCM Huỳnh Lê Thái Hòa báo cáo: Đầu tháng 7-2013, chi cục đã lấy bảy mẫu bún bán ở các chợ truyền thống và điểm thức ăn đường phố trên địa bàn TP.HCM. Các mẫu được gửi đến Công ty Cổ phần Dịch vụ Khoa học Công nghệ Sắc ký Hải Đăng (TP.HCM) để kiểm định. Kết quả cho thấy 7/7 mẫu bún chứa chất tăng trắng quang học (tinopal). Ngoài ra, 2/7 mẫu bún nói trên còn chứa acid oxalic, chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Bên cạnh đó, các mẫu bún còn chứa chất tẩy trắng (Na2SO3) và chất bảo quản (natri benzoat) gấp nhiều lần mức cho phép.

Độc tố gây hại

Acid oxalic (còn gọi oxalat), theo TS Phan Thế Đồng, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM), có tác dụng giúp sợi bún dai, chắc và trắng hơn. Nếu kết hợp với sắt, canxi, natri, kali… trong cơ thể, acid oxalic có tác dụng kích thích ruột và gan. Do liên kết với canxi nên acid oxalic có khả năng dẫn đến hiện tượng thiếu hụt chất khoáng, thiếu chất dinh dưỡng nếu sử dụng lâu dài. Những người có các rối loạn liên quan tới thận, thấp khớp, bệnh gút… tuyệt đối không nên dùng thực phẩm chứa acid oxalic. Những người có tiền căn sỏi thận nếu dùng thực phẩm chứa acid oxalic dễ bị sỏi thận, làm nghẽn đường tiết niệu. Riêng Na2SO3 nếu tồn đọng nhiều trong cơ thể hoặc thường xuyên tiếp xúc sẽ gây kích thích hô hấp, dẫn đến hen suyễn. Chất bảo quản natri benzoat có tác dụng chống mốc, diệt vi khuẩn, nếu sử dụng quá mức cho phép có khả năng gây ung thư.

Phát hiện thêm chất gây sỏi thận trong bún ảnh 1

Trên thực tế,  một số DN vẫn sử dụng hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm tùy tiện trong chế biến thực phẩm không nhãn hiệu, gây hại cho người tiêu dùng. Ảnh: HTD

Xã, phường kiểm tra hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố

Cũng trong ngày 23-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hòa cho biết trước thực tế bún chứa nhiều chất độc hại, Chi cục ATVSTP TP.HCM tiếp tục khảo sát mở rộng lấy mẫu bánh canh, bánh hỏi, bánh ướt… gửi đến Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia (Cục An toàn Thực phẩm) để kiểm định nhằm đối chiếu phương pháp và kết quả xét nghiệm. Cạnh đó, Chi cục ATVSTP TP.HCM sẽ hướng dẫn UBND phường, xã, thị trấn triển khai công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố và lấy ý kiến xử lý sai phạm sao cho phù hợp. Ngoài ra, người kinh doanh thức ăn đường phố sẽ được tập huấn kiến thức ATVSTP và khám sức khỏe miễn phí.

Cũng theo ông Hòa, tại cuộc họp HĐND TP.HCM mới đây, nhiều đại biểu bức xúc trước thực trạng kinh doanh và sử dụng tùy tiện hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm trong chế biến thực phẩm. Trong tuần này, UBND TP.HCM sẽ tổ chức cuộc họp gồm Sở Y tế, Sở Công Thương và Sở NN&PTNT để bàn về công tác quản lý kinh doanh và sử dụng hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm.

Hạt trân châu, sả xay, dừa tươi gọt vỏ cũng chứa chất tẩy trắng

Ngoài bún, qua lấy mẫu kiểm định, Chi cục ATVSTP TP.HCM còn ghi nhận hạt trân châu, sả xay, dừa tươi gọt vỏ chứa chất tẩy trắng Na2SO3 gấp nhiều lần mức cho phép. Đũa tre (loại dùng một lần) chứa sodium sulfite và sulfure dioxide (dễ gây ngộ độc cấp tính). Trong phạm vi phân công quản lý, Ban Chỉ đạo liên ngành ATVSTP TP.HCM yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Công Thương TP.HCM chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường lấy mẫu kiểm tra nếu có nghi ngờ, truy nguyên nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo ATVSTP, thông tin các trường hợp vi trạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Trước thực trạng kinh doanh, sử dụng hóa chất công nghiệp và phụ gia thực phẩm tùy tiện trong chế biến thực phẩm, Chi cục ATVSTP TP.HCM tăng cường giám sát và kiểm tra. Từ đầu năm 2013 đến nay, chi cục đã kiểm tra 82/148 cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm. Chi cục chuyển hồ sơ sai phạm của năm cơ sở để Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử lý.

Ngày 22-7, Chi cục ATVSTP TP.HCM kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH Hương liệu và Hương thơm Hướng Tây (quận Gò Vấp, TP.HCM). Ngoài một số phụ gia thực phẩm nhập khẩu không công bố chất lượng hàng hóa, chi cục còn ghi nhận một số thành phẩm sản xuất tại công ty không nhãn mác, một số nhãn sản phẩm lưu thông trên thị trường không đúng hồ sơ công bố.

Điều đáng nói là chi cục phát hiện gần 240 kg phụ gia thực phẩm (hương trái cây, hương ngọt, hương tổng hợp dạng lỏng…) hết hạn sử dụng được xếp xen kẽ trên kệ với phụ gia thực phẩm còn hạn sử dụng. Chi cục chuyển toàn bộ phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng sang khu vực riêng biệt và kiến nghị Thanh tra Sở Y tế TP.HCM xử lý theo quy định.

Ngày 23-7, ông Hòa cũng cho biết kết quả khảo sát tại TP.HCM trong tháng 7-2013 cho thấy 5/5 mẫu nước mía, 3/6 mẫu nước sâm, 1/5 mẫu trà bông cúc và 1/7 mẫu trà sữa trân châu nhiễm vi khuẩn E. Coli. Ngoài ra, 5/5 mẫu nước mía, 5/6 mẫu nước sâm, 5/5 mẫu trà bông cúc và 7/7 mẫu trà sữa trân châu nhiễm vi khuẩn Coliforms.

________________________________________

Bộ Y tế cũng nhận định vấn đề quản lý kinh doanh và sử dụng hóa chất công nghiệp, phụ gia thực phẩm rất khó, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng. Từ ngày 23 đến 25-7, đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất và kinh doanh phụ gia thực phẩm trên địa bàn TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Bà PHẠM THỊ NGỌC, Phó Trưởng phòng Công tác thanh tra
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế)

TRẦN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm