Thời gian gần đây cơ quan chức năng, báo chí phát hiện không ít vụ bê bối trong việc giết mổ, bày bán, chế biến thịt gà, heo, bò,... không hợp vệ sinh. Những hành động này làm nhiều người dân ngán ngẫm.
Nhiều nơi bày bán, giết mổ không hợp vệ sinh
Theo ghi nhận tại một số điểm buôn bán gia cầm, những nơi này có nhận giết mổ gia cầm tại chỗ cho khách. Tuy nhiên, một số địa điểm này lại giết mổ không hợp vệ sinh. Gà được cắt tiết tại chỗ, sau đó người bán bỏ gà, vịt vào máy làm cho sạch lông rồi để xuống nền gạch để mổ. Hằng ngày những địa điểm này cứ thế giết mổ hàng chục, có nơi đến hàng trăm con gà, vịt như thế ngay trong chợ. Điều này vừa gây mất vệ sinh vừa làm cho nhiều người nhìn vào phải phát sợ vì cảnh tượng cắt tiết.
Hiện nay, tại một số chợ xuất hiện một số điểm giết mổ gia cầm không hợp vệ sinh.
Theo bác sĩ BS CKII Nguyễn Khắc Vui, nếu sử dụng những gia cầm bị giết mổ ở nơi mất vệ sinh thì thịt sẽ có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn gây bệnh. Nếu không chế biến đúng cách, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm số lượng lớn vi khuẩn như Salmonella, E.coli gây bệnh cho con người. Ngoài ra, những loại vi khuẩn này hoàn toàn có thể bị nhiễm chéo trong quá trình chế biến thịt tươi thông qua dụng cụ như dao, thớt, chậu rửa.
Cũng gần đây, một phóng viên ghi nhận được hình ảnh người dân xẻ thịt bò trên nền nhà dơ bẩn. Thịt sau khi xẻ xong thì để ngay cạnh đường, tình trạng bụi bẩn bám vô là khó tránh khỏi. Hơn thế nữa, còn một số người còn sơ chế thịt ngay cạnh cống thoát nước. Trường hợp người dùng sử dụng những sản phẩm thịt này cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm
Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, thì việc bày bán thịt không an toàn tại những hộ kinh doanh cá thể và trên lề đường thuộc trách nhiệm quản lý của địa phương. Địa phương cần giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm để người dân yên tâm khi sử dụng heo, bò, gà…
Theo luật sư Trần Văn Hoan, đoàn luật sư TP.HCM, đối với hành vi kinh doanh, buôn bán thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thì người vi phạm có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 115/2018. Cụ thể đối với các hành vi vi phạm thì mức phạt được quy định tại Điều 9, như sau:
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây; Cống rãnh thoát nước thải bị ứ đọng, không được che kín; Dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy; Không có ủng hoặc giầy, dép sử dụng riêng trong khu vực sản xuất thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh;…
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không phân loại, bảo quản riêng biệt phế thải, nguyên liệu, thành phẩm hoặc bán thành phẩm bị hỏng, hết hạn sử dụng với các nguyên liệu và sản phẩm phục vụ để sản xuất, kinh doanh; Không thực hiện thu gom, xử lý chất thải, rác thải trong phạm vi của cơ sở sản xuất theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Nơi sản xuất, chế biến, kinh doanh, bảo quản không cách biệt với nguồn ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các yếu tố gây hại khác; Tường, trần, nền nhà khu vực sản xuất, kinh doanh, kho bảo quản bị thấm nước, rạn nứt, ẩm mốc.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung: Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng;
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng.