Tôi cảm thấy băn khoăn vì từ hồi nào đến giờ các công bố của thế giới đều cho thấy các loại thuế, phí và giá cả dịch vụ như ăn uống, khách sạn, taxi, xăng dầu ở ta không hề rẻ, thậm chí có một số loại rất đắt.
Cách đây mấy ngày, tôi đi Bangkok. Đoạn đường từ sân bay quốc tế Suvarnabhumi đến trung tâm TP Bangkok dài khoảng 33 km, phải qua hai trạm thu phí mất tổng cộng 75 bath, trạm thứ nhất 25 bath, trạm thứ hai 50 bath. Tuy nhiên, trạm thứ hai gần vào đến vành đai 1 nên không chỉ thu phí giao thông mà còn có thêm phí môi trường do xe gây ra như khói bụi, tiếng ồn, cát bụi mang từ ngoài vào. Nếu tính theo tỉ giá quy đổi 1 bath là 630 đồng thì số tiền trả cho phí từ sân bay quốc tế đến trung tâm thành phố tổng cộng là 47.250 đồng, chia cho 33 km thì 1 km là 1.431 đồng, trong khi đó ở Việt Nam hiện nay các trạm thu phí thấp nhất là 1.500 đồng/km và cao nhất là 2.000 đồng/km. Tuyến đường sân bay quốc tế - trung tâm thành phố là tuyến đường được cho là đắt nhất, tốt nhất, đẹp nhất ở Thái Lan do ba hãng hàng không đầu tư, do vậy mức thu phí cũng không thể nào thuộc loại thấp ở Bangkok, thêm nữa thu nhập thực tế (không phải tính GDP) của người Thái cao hơn người Việt Nam 3-4 lần (có thể cao hơn nữa). Chẳng hạn, lương của giáo sư của trường ĐH công lập Thái Lan là 4.000-5.000 USD, trong khi giáo sư Việt Nam là 300-400 USD.
Vậy, không biết căn cứ vào đâu mà ông thứ trưởng lại nói như thế? Dẫu chúng ta đều biết nước ta đang nợ công rất cao, số tiền phải trả nợ hằng năm rất lớn trong khi các nguồn thu hầu như ít nên việc tăng thuế, phí là điều dễ hiểu. Nhưng tăng sao cho dân chịu đựng được, để cả hai bên cùng có lợi mới là điều quan trọng.