Theo Bộ GTVT, ACV được bộ này giao thực hiện đầu tư và quản lý khai thác các hạng mục chính trong kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay. ACV còn được giao đầu tư hệ thống đường tầng, đường giao thông nội cảng, sân đỗ ô tô để kết nối giữa vận tải công cộng và vận tải hàng không… Do vậy, ACV cần phải thu phíđể bù đắp nguồn vốn đã bỏ ra đầu tư cũng như duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, quản lý khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ khai thác cảng hàng không.
Trạm thu phí ôtô của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Ảnh: TTVN
Với Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014), dịch vụ phi hàng không là dịch vụ cung ứng tại cảng hàng không, sân bay, trên máy bay mà không có liên quan trực tiếp đến khai thác máy bay, khai thác vận chuyển hàng không và hoạt động bay. Cụ thể, giá dịch vụ phi hàng không có hai loại: 1. Giá thuê mặt bằng, giá dịch vụ thiết yếu tại cảng hàng không, sân bay; 2. Giá dịch vụ phi hàng không khác tại cảng hàng không, sân bay.
Để tránh chuyện doanh nghiệp (DN) “hét giá” làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến túi tiền của các khách hàng, luật này yêu cầu với loại giá 1 thì DN quyết định mức giá trong khung giá của Bộ GTVT và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT. Với loại giá 2 thì DN được tự quyết định mức giá và thực hiện niêm yết giá theo quy định. Trên cơ sở này, Bộ GTVT đã ban hành khung giá một số dịch vụ phi hàng không để các cảng thực hiện vàđiều đáng nói là trong số này không hề có phí sân bay.
Như vậy, khi có ý thừa nhận đã thiếu sót khiến việc thu phí sân bay trong thời gian dài không đảm bảo được căn cứ pháp lý thông qua việc cho biết sẽ bổ sung vào danh mục dịch vụ phi hàng không thiết yếu “để quản lý chặt chẽ hơn”, tại sao Bộ GTVT khăng khăng “chưa có cơ sở để dừng thu” mà không là “chưa có cơ sở pháp lý để thu” để từ đó chỉ đạo tạm dừng thu cho phải lẽ hơn?
Suy cho cùng, việc làm sân, đường dẫn vào sân bay là trách nhiệm của các cảng để phục vụ các hành khách đã bỏ tiền mua vé đi máy bay. Cứ cho là do Nhà nước không có nhiều tiền để làm các hạ tầng này nên có thể để cho ACV đầu tư như một dạng BOT và tất nhiên ACV phải được thu phí để lấy lại vốn đầu tư và hưởng lãi. Thế nhưng chẳng lẽ ACV cứ được kinh doanh công trình vô hạn định với mức giá không nằm trong vòng kiểm soát của các cơ quan chức năng và kéo theo đó là khách hàng sẽ còn bị “móc túi” dài dài?
Có thể tới đây ACV sẽ không còn phạm lỗi với Nhà nước khi sẽ đóng tiền sử dụng đất cho những diện tích đất có mục đích kinh doanh mà trước đó đã chưa làm đúng nghĩa vụ. Song còn đối với rất nhiều khách hàng đã bị thu phí sân bay - tuy không vi phạm Luật Đất đai nhưng đã vi phạm Luật Hàng không dân dụng Việt Nam - thì sao? Thay vì chủ động tạm dừng thì ACV đang thụ động chờ chỉ lệnh chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền. Vậy Bộ GTVT sẽ sớm có một quyết định đúng đắn để đảm bảo sự hợp pháp của việc thu phí hay tiếp tục là nợ dân câu trả lời như trong một số dự án BOT hiện hữu?