Tương tự như lý do mà các tỉnh, thành đã nêu, hai Bộ GTVT và Tài chính đều thừa nhận việc thu phí xe máy gặp nhiều khó khăn do đây là tài sản di động, không bắt buộc phải đăng kiểm, người sử dụng xe không bắt buộc là chủ sở hữu nên rất khó kiểm soát và thu phí. Khi thành lập quỹ, dù những nhà làm chính sách từng kỳ vọng sẽ thu được 2.600 tỉ đồng/năm đối với xe máy nhưng mức thu ngày càng sụt giảm. Năm 2013, cả nước thu được 520 tỉ đồng, năm 2014 còn hơn 500 tỉ đồng và sáu tháng đầu năm 2015 chỉ thu được khoảng 180 tỉ đồng. Chưa kể có địa phương tổ chức thu nhưng cũng có địa phương chưa thu hoặc dừng thu (Đà Nẵng, Bình Dương, Khánh Hòa…); việc chế tài người không nộp bị bỏ lửng tạo ra sự không công bằng và gây dư luận không tốt trong xã hội.
Điều đáng nói là những bất hợp lý trong việc thu phí xe máy đã được nhiều ý kiến chỉ rõ từ khi ý tưởng thu được manh nha vào năm 2011. Bấy giờ người dân đã kêu rất nhiều về chuyện phí chồng phí. Các báo, đài thì liên tục báo động những khó khăn về nhân lực, kinh phí, công tác thống kê, quản lý số lượng xe… cùng hiệu quả khi giao cho xã, phường thu phí. Thế nhưng những phản ánh này đã chưa được các cơ quan làm chính sách nghiêm túc tiếp thu sớm để kịp thời có những cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng… Rốt cuộc Nghị định 18 “thu phí theo đầu xe máy” vẫn cứ được ban hành vào tháng 3-2012 với khăng khăng của Bộ GTVT là “để các tỉnh, thành có thêm nguồn thu phục vụ việc bảo trì, quản lý hệ thống đường bộ địa phương”. Giờ thì chính các nơi được giao thu, quản lý nguồn thu lại chối bỏ. Dân kêu trời đã đành mà các quan cũng “khóc mếu”, nhất là tại những nơi mà tỉ lệ được trích lại cho ngân sách địa phương sau khi thu không đủ trang trải cho bộ máy đi thu!
Với đề xuất nêu trên của Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-9. Chưa rõ lần này với lưu ý thêm của Bộ Tài chính thì tiến độ xử lý của Chính phủ có nhanh hơn hay không vì càng để kéo dài thì càng có lắm bất ổn về tính chấp hành pháp luật (nôm na là cấp dưới dám cãi cấp trên nếu dừng thu) và những hệ lụy phát sinh (nếu tiếp tục thu đến hết tháng 12-2015).
Phải ghi nhận thiện chí của các cơ quan chức năng trong việc “sai thì sửa”. Song nghĩ kỹ lại sẽ thấy việc “quyết rồi rút” trong trường hợp này là sự phung phí uy tín, hình ảnh và ngân sách nhà nước trong việc ban hành một quy phạm pháp luật thiếu thuyết phục, không thực tế.