Ngày 3-12, PLO có thông tin về vụ án cháu cướp 170 ngàn của bà ngoại, sau đó lãnh 3 năm 6 tháng tù.
Nhiều bạn đọc cho rằng mức án mà tòa đã tuyên là quá nặng và dường như vụ án này có thể “giải quyết nội bộ” bởi số tiền không lớn. Tuy nhiên, số khác thì nêu quan điểm đã dùng vũ lực rồi thì số tiền lớn hay nhỏ không phải là yếu tố xem xét.
Để bạn đọc có góc nhìn đa chiều, khách quan, chúng tôi có những trao đổi với các chuyên gia pháp lý và chính người trong cuộc về vụ án này.
Bị cáo có nhân thân xấu
Để có thể đánh giá về mức án, trước hết chúng ta quay trở lại với các tình tiết đã được cáo trạng mô tả.
Theo đó, sáng 6-9, Huỳnh Thanh Đường (bị cáo) gặp bà ngoại mình là N.T.T để xin tiền đi chơi điện tử nhưng bà không cho.
Khoảng 13 giờ chiều cùng ngày, Đường thấy bà ngoại đang nằm trên giường ở nhà nên nảy sinh ý định lấy tiền của bà để đi chơi.
Đường đi tới chỗ bà đang nằm định lấy tiền thì bị bà phát hiện và la lên, dùng tay đẩy Đường ra. Đường dùng tay trái đè lên tay của bà T. rồi dùng tay phải móc tiền trong túi, lấy đi một số tiền.
Đường chạy ra ngoài đường, đứng lại kiểm tra thì thấy được 170 ngàn đồng. Sau đó, Đường mang vào trả cho bà T. 100 ngàn đồng, còn 70 nghìn đồng chơi điện tử hết.
Từ đó, VKSND huyện Châu Đức (Bà Rịa Vũng Tàu) truy tố Đường về tội cướp tài sản theo quy tại khoản 1 Điều 168 BLHS (có khung hình phạt 3-10 năm tù).
Đáng chú ý, cáo trạng thể hiện Đường có nhân thân xấu. Cụ thể, Đường hai lần bị Công an thị trấn Ngãi Giao phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp tài sản vào tháng 9, 10-2019.
Đến ngày 10-12-2020, Đường tiếp tục bị TAND huyện Châu Đức ra Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào Trường giáo dưỡng với thời hạn 24 tháng.
Trong vụ án này, Đường được VKS đề nghị cho hưởng 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là “Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Đồng thời cũng phải chịu 1 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội đối với người đủ 70 tuổi trở lên” theo điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS 2015.
Tại phiên toà, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Đường 4-5 năm tù. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các tình tiết của vụ án thì HĐXX đã tuyên phạt đường mức án 3 năm 6 tháng tù, thấp hơn mức mà VKS đề nghị.
Cũng tại phiên toà, khi được hội thẩm hỏi, bị cáo Đường trả lời giận bà ngoại vì đi báo án mình. Sau đó, hội thẩm đã giải thích lại để Đường hiểu. Đến ngày 6-12, toà án chưa ghi nhận việc Đường gửi đơn kháng cáo.
Các chuyên gia pháp lý nói gì?
Trao đổi với PV về vụ án, TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, nhận định: Có thể thấy, số tiền bị cáo Đường chiếm đoạt của nạn nhân là rất ít. Tuy nhiên, đối tượng chỉ cần thực hiện một hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; làm cho người bị tấn công không thể chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản là đã cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS 2015.
Trong trường hợp này, bị cáo Đường đã dùng tay trái đè lên tay của bà T rồi dùng tay phải móc tiền trong túi của bà T, lấy được tiền Đường đi ra ngoài. Hành vi ghì tay bị hại được xác định là hành vi dùng vũ lực khiến bà T rơi vào tình trạng không chống cự được, Đường đã lấy tiền của bà T.
Do đó, hành vi của bị cáo Đường đã đủ cấu thành tội cướp tài sản. Số tiền bị cáo chiếm đoạt được của bị hại không phải là một yếu tố để xem xét cấu thành tội phạm như một số tội danh khác.
Trong trường hợp này, bị cáo xin tiền của bà ngoại nhưng không được nên đã nảy sinh ý định lấy được tiền bằng cách khác. Có thể trong nhận thức của bị cáo không nghĩ rằng khống chế bà của mình để lấy tiền lại là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý bị cáo cũng là một trong các biện pháp răn đe đối với các đối tượng tương tự.
“Thêm vào đó, bị cáo đã từng nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp tài sản và áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng. Nhưng sau đó, bị cáo đã không có thái độ sửa sai và có thêm tình tiết tăng nặng là phạm tội với người trên 70 tuổi.
Do đó, TAND huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên bị cáo Đường 3 năm 6 tháng tù giam là phù hợp với quy định pháp luật”, TS- LS Nguyễn Thị Kim Vinh nói.
Cùng các tình tiết nêu trên, Luật sư Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM), cho biết trong vụ án này, bị cáo bị truy tố tội cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 điều 168 BLHS. Mà theo khoản 1, thì tội phạm được xác định là tội phạm “cấu thành về hình thức” tức lúc đó, không quan tâm đến giá trị tài sản mà người phạm tội đã cướp là bao nhiêu, thì khung hình phạt phải đối mặt là đã từ 3 đến 10 năm tù.
Như vậy, số tiền 170 ngàn đồng đã cướp, đủ yếu tố để truy tố khoản 1. Đồng thời số tiền mà Đường trả lại (100 ngàn cho bà) chỉ được xem xét là giá trị thiệt hại chứ không phải là giá trị số tiền mà Đường đã cướp trước đó.
Bên cạnh đó, theo hồ sơ vụ án, thì Đường chỉ có 1 tình tiết giảm nhẹ, trong khi lại có 1 tình tiết tăng nặng, dùng vũ lực đối với bà ngoại đang bị liệt chân không có khả năng phòng vệ. Đồng thời hồ sơ vụ án cũng thể hiện Đường có nhân thân xấu.
"Như vậy, với lẽ thông thường, trong khung hình phạt từ 3-10 năm, thì tòa vẫn có thể áp dụng hình phạt ở mức trung bình tức là 5 năm, nhưng thực tế HĐXX chỉ áp dụng hình phạt là 3 năm 6 tháng là đã cân nhắc cho bị cáo.
Tôi cho rằng, HĐXX đã xem xét rất nhiều và thể hiện tính khoan hồng của pháp luật, vì dù sao trong bối cảnh bị cáo và bị hại là người nhà với nhau, bị cáo cũng còn nhỏ tuổi….", LS Phát nêu quan điểm.
Về ý kiến cho rằng vì sao HĐXX không cho Đường hưởng án treo, LS Phát cho biết trường hợp này không đủ căn cứ pháp luật. Cụ thể là không thể áp dụng Điều 65 BLHS được, vì không có cơ sở để trước đó HĐXX tuyên phạt bị cáo không quá 03 năm và rõ ràng nhân thân bị cáo không tốt, tình tiết giảm nhẹ thì chỉ có 1 tình tiết.
"Tôi cho rằng, bản án đã công tâm và đây là bài học về mặt luật pháp cho rất nhiều người. Bởi nhiều khi họ không biết rằng như thế nào là hành vi cướp và có nguy cơ bị xử lý thế nào. Họ không biết rằng hành vi cướp là hành vi bị xử lý khi nó đã hoàn thành mà không phụ thuộc vào giá trị tài sản lớn hay nhỏ, bị hại là người trong nhà hay người lạ.
Bản án cũng mang tính chất răn đe đối với các bạn trẻ không tập trung vào việc học hành mà nghiện game, cờ bạc, rượu chè hoặc những người không chịu làm ăn chân chính", theo LS Lê Trung Phát.
Các bên cần phối hợp để định hướng nhận thức cho trẻ
Thông qua vụ án này, có thể thấy rằng do bị cáo không được giáo dục, định hướng tốt nên có những tư tưởng sai lệch, ảnh hưởng đến tương lai, xã hội.
Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng trên, các cơ quan địa phương, cơ quan báo chí cần có sự phối hợp để tiến hành các hành động tuyên truyền, giáo dục người dân về pháp luật. Nhà trường và gia đình cần có sự quan tâm, dạy dỗ đối với trẻ vị thành niên, định hướng nhận thức, cách ứng xử một cách đúng đắn, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và pháp luật.
Thế hệ trẻ hiện nay được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin qua nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội. Do đó, nếu như không được tiếp cận thông tin một cách có chọn lọc và đúng đắn, các em sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi các tác động tiêu cực, làm cho các em có những tư tưởng, hành vi sai lệch với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Vì vậy, sự quan tâm, dạy dỗ, chỉ bảo của gia đình, nhà trường, bạn bè và xã hội sẽ là phương tiện giúp cho các em định hình được lối sống lành mạnh, an toàn, phù hợp với đạo đức và với pháp luật.
TS-LS Nguyễn Thị Kim Vinh
Áy náy, thương cháu nhưng...
Ngày 5-12, trao đổi với PLO, bà N.T.T (74 tuổi), bị hại và cũng là bà ngoại của bị cáo Huỳnh Thanh Đường (20 tuổi) chua xót cho biết, vì 70 ngàn đồng mà đi báo án, đẩy Đường vào tù vợ chồng bà cũng áy náy, thương cháu nhưng cũng buộc phải làm vậy để mong cháu nên người.
Bà T. kể, từ khi Đường còn bé, ba mẹ ly hôn nên ba mẹ con Đường sinh sống cùng ông bà ngoại. Cách đây vài năm, mẹ Đường đã lập gia đình và ở bên Trung Quốc. Hai anh em Đường cùng 4 người cháu nội khác ở cùng vợ chồng bà T. Hàng tháng hai vợ chồng bà có thu nhập khoảng hơn 10 triệu đồng và dùng để nuôi các cháu. Hiện nay, chân bà T. không thể đi lại, chỉ nằm và ngồi xe lăn.
Đường bỏ học từ năm lớp 3 và ham mê chơi game. Trong số 6 đứa cháu, Đường không lo học hành, ham chơi, không có nghề nghiệp. Trong nhà có các tài sản có giá trị Đường đều lén lấy mang đi bán.
“Đến lư đồng trên ban thờ nó cũng lén lấy mang đi bán, còn một cái ở trên cao nó không kịp lấy. Nhiều lần tôi bị mất 300 ngàn, 500 ngàn, hỏi nó nó đều chối không lấy. Cách đây vài tháng chúng tôi có báo công an là nó có sử dụng ma túy (nhà bà T. ở đối diện công an huyện Châu Đức- PV). Công an hỏi nó cũng trả lời có “đập đá”- bà T. cho biết.
Theo bà T., Đường bướng bỉnh, không ai nói nghe. Vợ chồng bà nói cháu thì có lần bị Đường dùng tay đánh bà, dùng cây đánh ông ngoại. Có lần anh họ ở cùng nhà can, Đường dùng dao chém anh họ vào lưng. Đường từng đi vào trường giáo dưỡng khoảng 2 năm nhưng rồi về vẫn vậy.
“Hôm xảy ra sự việc tôi đang nằm, nó dùng tay chèn tôi để lấy tiền trong túi áo. Sự việc có camera ghi lại, lần này chúng tôi báo công an để xử lý, mong ở trong đó nó thay đổi, không còn ngựa quen đường cũ. Hôm xử nó chúng tôi không đi được, chỉ nghe anh nó về nói lại là các cô ở tòa hỏi, nó nói chấp nhận đi và không ý kiến gì”- bà T nói.