Phiền toái từ những đám ma

Tôi khá bất ngờ vì lần đầu trong mấy chục năm qua tôi được đọc câu xin lỗi này. Tôi đi chậm lại đọc thêm vài lần sợ mình đọc nhầm. Tôi tần ngần đến xem cái bảng ghi công trình nâng cấp khuôn viên Nhà thiếu nhi TP treo ở hai góc đường, ghi rõ diện tích từng lề các con đường bị tạm chiếm dụng, thời gian chiếm dụng để thi công công trình. Việc làm tuy rất nhỏ nhưng thể hiện nét văn hóa hiếm thấy trong xã hội ta hiện nay, rất đáng biểu dương và nhân rộng ra cả nước. Bởi hằng ngày, chúng ta luôn chứng kiến hoặc đọc, nghe, xem trên báo, đài biết bao chuyện chướng ta gai mắt trong xây dựng giao thông. Nhiều công trình thi công ẩu, nhếch nhác, gây ô nhiễm môi trường kéo dài từ năm này sang năm khác làm khổ dân, coi thường sự an toàn người dân. Mặc dân khiếu nại, thưa kiện, công trình vẫn chây ì ra, còn trách nhiệm thì đùn qua đẩy lại, không ai nhận.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không khó bắt gặp những trường hợp thiếu ý thức, gây phiền toái cho người khác. Nhiều nhà có tiệc tùng cưới hỏi, giỗ chạp, bà con bạn bè tụ tập ăn nhậu, vô tư đàn hát - nhất là karaoke với âm thanh chát chúa hết cỡ - chẳng cần quan tâm tới sự chịu đựng “tra tấn”của hàng xóm láng giềng. Đáng nói nhất là có những đám ma, gia chủ thuê nhà đòn dựng rạp, kê bàn ghế tiếp khách, làm bãi giữ xe nhiều khi chiếm hết cả con hẻm và ung dung dựng bảng “Đám tang - xin đi lối khác”. Có nhà lịch sự còn cho người đứng hướng dẫn khách qua đường nhưng hầu hết rất vô tư để ai muốn đi tự tìm đường mà đi. Nhiều người lạ phải quay xe, loay hoay không biết đi lối nào. Nhiều nhà khá giả để mở mày mở mặt với bà con họ hàng là hết lòng với người quá cố bằng cách thuê nhiều ban nhạc phục vụ ngày đêm. Cả ban nhạc Tây lẫn ban nhạc ta. Nhạc Tây đánh trống thổi kèn, có khi là những bài hip hop, rock giựt gân rất phản cảm trong một tang lễ. Nhạc Tây vừa ngừng thì tới nhạc ta. Tiếng trống tiếng kèn vang vọng cả một vùng. Chưa hết, nhiều người bà con hay bạn bè đến viếng, thức canh quan tài lại vừa nhậu nhẹt, ca hát. Tân cổ giao duyên thâu đêm suốt sáng. Nếu thân nhân của người quá cố có nỗi buồn đau thì những người hàng xóm cũng buồn khổ không ít, là bị “tra tấn” bởi đủ thứ âm thanh hỗn độn của đám ma suốt mấy ngày đêm. Đó là chưa kể tới nỗi khổ của bà con trong hẻm, lối đi bị chặn, nhiều người buôn bán phải đóng cửa nghỉ bán theo đám ma.

Điều đáng nói là tục lệ ma chay của người Việt ta nhiều khi quá rườm rà nhưng với quan niệm “nghĩa tử là nghĩa tận”nên không ai dám lên tiếng về những nỗi phiền hà đôi khi quá sức chịu đựng. Kể cả chính quyền địa phương, mà đại diện là công an khu vực cũng phải phớt lờ vì ngại đụng chạm tới chuyện tâm linh tế nhị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm