Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Rào cản của chuyển đổi số là thể chế, chính sách

(PLO)- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết một trong những rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là thể chế, chính sách nên Bộ TT&TT cần xây dựng, sửa đổi nhanh các nghị định cũ không còn hợp lý...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-12, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng

Theo Bộ TT&TT, năm 2023, Bộ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương và hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tham mưu đề xuất để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của toàn ngành Thông tin và Truyền thông.

pho-thu-tuong-tran-luu-quang-rao-can-lon-nhat-cua-chuyen-doi-so-la-the-che-chinh-sach-3-4138.jpg
Dự hội nghị tại 63 điểm cầu các địa phương có đại diện Lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Sở TT&TT.

Năm 2023, công cuộc chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu kép là: vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh của Việt Nam để vươn ra thế giới ngày càng được lan tỏa sâu, rộng trên phạm vi toàn quốc, không để ai bị bỏ lại phía sau trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân, toàn diện đã đạt được những kết quả tích cực.

An toàn thông tin mạng tiếp tục là điểm sáng khi người dân đã được bảo vệ cơ bản trên không gian mạng. 2023 cũng là năm đổi mới cách tiếp cận về bảo vệ người dân trên không gian mạng. Gần 125 nghìn nguồn website đã được thiết lập, kết nối, tích hợp với các giải pháp an toàn thông tin mạng.

Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia đã chặn 9.073 website vi phạm pháp luật, trong đó có 2.603 website lừa đảo; bảo vệ hơn 10 triệu người dân khỏi truy cập các website vi phạm, lừa đảo trực tuyến.

Báo chí, truyền thông tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan tỏa năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên, trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Truyền thông, báo chí tiếp tục góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động.

Chuyển đổi số vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của đất nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định ngành công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam đang nắm giữ vai trò quan trọng, vì chuyển đổi số vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển của đất nước.

Trong đó, chuyển đổi số là phần việc quan trọng trong cải cách hành chính. Việc đi tắt, đón đầu để xóa khoảng cách với các nước phát triển chỉ có thể thực hiện bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

pho-thu-tuong-tran-luu-quang-rao-can-lon-nhat-cua-chuyen-doi-so-la-the-che-chinh-sach-3146.jpg
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định ngành công nghệ thông tin Việt Nam đang nắm giữ vai trò quan trọng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết một trong những rào cản lớn nhất của chuyển đổi số là thể chế, chính sách. Theo đó, Bộ TT&TT ngoài việc xây dựng được thông tư, nghị định, sửa đổi các nghị định cũ không còn hợp lý, thì các nghị định, quy định mới, cần phải làm nhanh, khẩn trương, và phải chuẩn mực. Chuyển đổi số là một lĩnh vực rất đặc biệt, nên cần nhiều cơ chế đặc thù. Nếu không có cơ chế đặc thù, không thể giải quyết được vấn đề.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ TT&TT phải ứng xử nhanh, can thiệp để loại bỏ sớm những thông tin xấu độc bởi nếu lan rộng thì tác hại là khôn lường.

Cùng với việc quản lý tốt báo chí, trước sức ép của mạng xã hội, Bộ cần có giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của báo chí để anh em có thể sống và trụ lại với nghề; tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; quan tâm nhiều hơn đến thị trường sách và nhà xuất bản.

Chia sẻ khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đối với các cơ quan báo chí vì nếu coi những cơ quan báo chí như VTV, VOV là doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng thì khó hoàn thành phần nhiệm vụ chính trị được giao.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau 4 năm thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia (từ 2020), hiện tại đã đủ điều kiện để gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2024 sẽ là năm ngành TT&TT thông thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".

Theo Bộ trưởng, 2024 cũng là năm báo chí, xuất bản, truyền thông coi không gian mạng là mặt trận chính, với quan điểm vừa chuyển đổi số báo chí, vừa bảo đảm không gian mạng lành mạnh; xử lý thông tin xấu độc trên mạng; quản lý các nền tảng số xuyên biên giới và hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

chuyển đổi số
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Năm 2024 sẽ là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất.

Cũng theo người đứng đầu ngành TT&TT, 2024 sẽ là năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất. Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không cần đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. Dịch vụ công thực chất là phải có ít nhất 70% người dân sử dụng.

Năm 2023, một số dịch vụ công trực tuyến toàn trình và thực chất đã được thực hiện; thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin, quyết tâm thực hiện mạnh mẽ trong 2024 để kết thúc giai đoạn Chính phủ điện tử, chính thức bắt đầu thực hiện Chính phủ số tại Việt Nam.

Ứng dụng AI cũng sẽ được đẩy mạnh ở Việt Nam thông qua mô hình trợ lý ảo. Ứng dụng AI càng nhiều dữ liệu càng thông minh nên việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ, nhiều văn bản, nhiều quy định hãy để cho AI thực hiện. Các bộ ngành địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt, chuyển việc vất vả, tốn thời gian cho AI, giải phóng con người làm những việc thú vị hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm