Ngày 15-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2022.
Báo cáo của Chính phủ khẳng định tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: NGHĨA ĐỨC |
Cơ bản tán thành với những đánh giá trên, Ủy ban Tư pháp lưu ý tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…
Đặc biệt, tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực. Trong khi nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục.
“Tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục có những diễn biến phức tạp” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho rằng năm 2022 công tác phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng có nhiều bước tiến mới, đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe, tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế - xã hội...
“Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN mới đây đã họp kết luận, đánh giá về việc này” - ông Tô Lâm nói và nhấn mạnh: “Làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, cả một lĩnh vực”.
Báo cáo của viện trưởng VNKSND Tối cao cho thấy một số loại tội phạm có số vụ khởi tố mới tăng, trong đó tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng nhiều nhất. Kết quả, cơ quan chức năng đã khởi tố mới 405 vụ, tăng 110 vụ (hơn 37%).
Nguyên nhân của việc phát hiện và xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ tăng do các cơ quan bảo vệ pháp luật trên toàn quốc đã bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực; chủ động nhận diện, dự báo sát tình hình, đúng, trúng hành vi vi phạm về tham nhũng, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, cổ phần hóa, y tế, giáo dục, ngoại giao để phát hiện, xử lý sai phạm và đã đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý loại tội phạm này.