Các nhà tuyển dụng thường đặt ra nhiều dạng câu hỏi khác nhau để đánh giá năng lực của ứng viên. Đặc biệt trong ngành ngân hàng khi số lượng ứng viên thi tuyển rất lớn thì các câu hỏi phỏng vấn càng hóc búa hơn.
Dưới đây là một số câu hỏi cực độc thi tuyển vào các ngân hàng:
“Em nghĩ xem mình thi IQ và Test nghiệp vụ được bao điểm? IQ có khó không? Có giống trên mạng không?”
Câu hỏi này dường như không có đáp án đúng hay sai. Điều quan trọng là nhà tuyển dụng muốn kiểm tra xem bạn tự đánh giá mình tới đâu, mức độ tự tin ra sao. Thông qua đó họ cũng đánh giá được hiệu quả các vòng tuyển dụng trước.
“Cho em thử việc 2 tháng em làm thế nào để huy động được 3 tỷ? Nếu em ở Hà Nội thì làm thế nào? Còn nếu em ở tỉnh nhỏ em làm thế nào?”
Khác với câu hỏi trên, câu hỏi này mang tính chất nghiệp vụ, đòi hỏi kinh nghiệm thực tế và cách nhận biết đối tượng, cách cạnh tranh, điểm khác biệt, các chính sách ưu đãi, cách thuyết phục của nhân viên của ngân hàng này so với ngân hàng khác.
Câu hỏi này hóc búa ở điểm, nhà tuyển dụng không chỉ kiểm tra kiến thức nghiệp vụ mà còn kiểm tra hiểu biết của bạn về ngân hàng đang thi tuyển.
Nhiều câu hỏi khác mang tính chất kiểm tra tư duy và thái độ của ứng viên qua những câu hỏi đòi hỏi tính sáng tạo cao như:“Khi em vào phòng giám đốc mà thấy có con cóc ngậm đồng tiền, em làm thế nào để tiếp thị sản phẩm ấy?”hay“Em nhìn này, đây là vỏ chai nước uống em làm thế nào để bán được vỏ chai này?” Hoặc“Em có thích toán không?”
Có thể khi nghe những câu hỏi này, ứng viên sẽ có ngay các câu trả lời trong đầu như“vỏ chai nước uống có thể bán cho đồng nát”nhưng rất ít ứng viên sẽ nói điều đó, mà băn khoăn câu hỏi nhà tuyển dụng có mục đích gì.
Điều cần lưu ý là “Nói những gì nhà tuyển dụng muốn nghe thay vì nói những gì mình thích”. Đó cũng là phương châm bán hàng trong ngành Ngân hàng nói riêng và các ngành kinh doanh khác nói chung.
Qua những câu hỏi hóc búa này, nhà tuyển dụng cũng có thể đánh giá thái độ bình tĩnh của ứng viên để xử lý tình huống.
Theo Thùy Đỗ(Trí Thức Trẻ/UB bank)